Pháp luật quốc tế về bảo tồn tự nhiênNhật Bản thúc đẩy đa dạng sinh học từ cấp địa phương

Trong nỗ lực hiện thực hóa cam kết bảo vệ 30% diện tích đất và biển quốc gia vào năm 2030, Nhật Bản đã chính thức ban hành Luật thúc đẩy hoạt động tăng cường đa dạng sinh học tại địa phương vào ngày 19/4/2024; nó được kỳ vọng là trụ cột mới trong chiến lược bảo tồn thiên nhiên hiện đại, gắn kết cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ các hệ sinh thái đang bị suy thoái.

Từ thượng tầng pháp lý đến hành động thực địa

Luật là một phần trong chương trình cải cách thể chế mà Nhật Bản đang triển khai nhằm cụ thể hóa Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2023 - 2030. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, luật cho phép các doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền địa phương xây dựng các “kế hoạch thực hiện tăng cường đa dạng sinh học” và nộp lên các cơ quan quản lý để được chứng nhận hợp pháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: constructive-voices.com

Ảnh minh họa. Nguồn: constructive-voices.com

Điểm nổi bật của luật là cơ chế “một cửa”, cho phép các tổ chức đã được chứng nhận có thể thực hiện nhanh chóng các thủ tục liên quan theo nhiều luật khác nhau như Luật Vườn quốc gia, Luật Bảo tồn thiên nhiên hay Luật Bảo vệ môi trường, mà không cần lặp lại quy trình ở mỗi cấp. Điều này nhằm giảm thiểu rào cản hành chính, đồng thời khuyến khích các sáng kiến tự phát tại địa phương có tiềm năng mở rộng bảo tồn theo chuẩn quốc gia.

Phát biểu tại buổi họp báo vào cuối tháng 4/2024, Bộ trưởng Môi trường khi đó khẳng định, Nhật Bản cần khơi dậy vai trò chủ động của từng cộng đồng, từng tổ chức nhỏ, nếu thực sự muốn bảo tồn thiên nhiên như một phần của tương lai phát triển. Ông nói: “Ở Nhật Bản, chúng tôi có quan điểm truyền thống rằng con người là một phần của thiên nhiên. Sự mất mát đa dạng sinh học không chỉ đồng nghĩa với việc mất đi các loài hoang dã mà còn cả sự sống và phúc lợi của con người”.

Bảo tồn hiệu quả ngoài hệ thống chính thức

Nguồn: Zenbird

Nguồn: Zenbird

Luật cũng tạo điều kiện pháp lý cho việc mở rộng các khu vực bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn chính thức (OECM) - một khái niệm do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phát triển, hiện đang trở thành xu thế toàn cầu trong thực thi mục tiêu 30x30 (bảo vệ 30% diện tích đất và biển quốc gia vào năm 2030).

Ngay từ năm 2023, Nhật Bản đã tiên phong triển khai mô hình OECM thông qua chương trình chứng nhận “Các khu vực tự nhiên được quản lý bền vững và được chứng nhận cấp quốc gia” (Nationally certified sustainably managed natural sites). Chương trình này công nhận những khu vực do doanh nghiệp, cộng đồng hoặc tổ chức tư nhân quản lý, đáp ứng tiêu chuẩn bảo tồn sinh học tương đương với các khu bảo tồn chính thức. Tính đến tháng 3/2025, Nhật Bản đã chứng nhận 328 khu vực bảo tồn ngoài hệ thống Vườn Quốc gia, với tổng diện tích gần 93.000ha. Những khu vực này rất đa dạng, từ rừng Satoyama do cộng đồng chăm sóc, đất nông nghiệp xen kẽ sinh cảnh tự nhiên, đồi núi được quản lý bền vững, cho đến cả khuôn viên trường đại học như Đại học Keio Shonan Fujisawa (SFC). Dù không nằm trong các khu bảo tồn chính thức, tất cả đều có giá trị sinh học cao và đang được bảo vệ hiệu quả thông qua các hoạt động của địa phương, doanh nghiệp hoặc tổ chức xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản, khoảng 20,5% diện tích đất liền và 13,3% diện tích biển đã được bảo vệ tính đến đầu năm 2023. Kế hoạch hiện tại là đạt 30% vào năm 2030, một mục tiêu đầy thách thức nhưng khả thi nếu luật mới giúp huy động thêm các lực lượng phi chính phủ và tư nhân cùng tham gia.

Cơ hội và động lực cho doanh nghiệp địa phương

Đáng chú ý, luật không chỉ tạo hành lang pháp lý mà còn mở ra cơ chế khuyến khích tài chính - môi trường cho các doanh nghiệp. Những đơn vị được chứng nhận có thể tiếp cận các ưu đãi về thuế, tín dụng sinh thái (biodiversity credits), hoặc tham gia hệ thống báo cáo theo khung TNFD (Taskforce on nature - related financial disclosures), vốn là hệ chuẩn quốc tế đang được nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư lớn áp dụng.

Theo báo cáo từ Keidanren, liên đoàn doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, chế biến nông sản, và dịch vụ công cộng đặc biệt quan tâm đến cơ hội này, nhất là trong bối cảnh ESG (môi trường - xã hội - quản trị) ngày càng trở thành tiêu chuẩn trong thu hút đầu tư.

“Luật này cho phép chúng tôi thực hiện các sáng kiến môi trường một cách rõ ràng, có chứng nhận và có thể được đánh giá như một phần trong giá trị thương hiệu,” đại diện tập đoàn Sumitomo Forestry phát biểu trong một hội nghị ESG tháng 6/2024 tại Tokyo.

Ảnh minh họa. Nguồn: class-earth.com

Ảnh minh họa. Nguồn: class-earth.com

Quản trị đa tầng và định hình vai trò của cộng đồng trong bảo tồn

Một điểm đột phá khác của luật là thúc đẩy quản trị đa tầng và phối hợp liên ngành. Thay vì trông chờ vào các chương trình từ trung ương, luật khuyến khích các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hợp tác cộng đồng với doanh nghiệp, trường học và các nhóm tình nguyện địa phương. Chính quyền trung ương đóng vai trò hướng dẫn kỹ thuật, xác nhận và giám sát thực thi.

Ví dụ tiêu biểu là tỉnh Okinawa, nơi chính quyền địa phương phối hợp với cộng đồng để giới hạn số lượng khách đến đảo Iriomote, một điểm nóng về đa dạng sinh học. Kế hoạch này đã được chứng nhận vào tháng 12/2024 và đưa vào thực hiện từ đầu năm nay, giới hạn 1.200 khách/ngày để bảo vệ loài mèo hoang Iriomote đặc hữu, vốn chỉ còn vài trăm cá thể.

Trên bình diện rộng hơn, luật đánh dấu sự chuyển dịch quan điểm về bảo tồn thiên nhiên: không còn giới hạn trong ranh giới khu bảo tồn, mà lan tỏa đến từng đơn vị sinh thái có giá trị, từ công viên đô thị, vùng nông nghiệp sinh thái, đến khuôn viên trường học và không gian tín ngưỡng.

Chuyên gia Hiroshi Nakamura từ Đại học Tokyo nhận xét: “Luật không chỉ là một công cụ pháp lý mà còn là tuyên ngôn về sự thay đổi cấu trúc quản trị môi trường, từ nhà nước độc quyền sang cộng đồng chia sẻ”.

Bằng cách kết nối trách nhiệm bảo tồn với quyền lợi kinh tế và sự tham gia của toàn xã hội, luật có tiềm năng tạo nên mô hình quản trị sinh thái vừa toàn diện, vừa bền vững, đó là tăng trưởng gắn với bảo tồn, thịnh vượng gắn với sinh thái.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-quoc-te-ve-bao-ton-tu-nhien-nhat-ban-thuc-day-da-dang-sinh-hoc-tu-cap-dia-phuong-10381252.html
Zalo