Pháp đặc biệt quan tâm các dự án metro, đường sắt tốc độ cao của Việt Nam

Đại sứ Pháp cho biết, Pháp theo dõi sát sao cuộc gọi thầu cho các tuyến metro sắp tới tại Hà Nội, TPHCM, đồng thời đặc biệt quan tâm đến các dự án phát triển đường sắt tại Việt Nam trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao.

Hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhân dịp kỉ niệm ngày Quốc khánh Pháp 14/7, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn về quan hệ hai nước.

Nêu rõ ý nghĩa của Quốc khánh Pháp, Đại sứ Olivier Brochet cho biết, ngày 14/7 là dịp để tưởng niệm sự kiện chiếm ngục Bastille (1789), đánh dấu sự chấm dứt chế độ cũ ở Pháp. Một năm sau đó vào ngày 14/7/1790 - ngày diễn ra “lễ hội cộng hòa”, tượng trưng cho sự đoàn kết của người dân Pháp dưới một chế độ mới.

Đại sứ Pháp Olivier Brochet trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phạm Hải

Đại sứ Pháp Olivier Brochet trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phạm Hải

"Ngày lễ này được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới. Và tại Việt Nam, chúng tôi cũng kỷ niệm với một ý nghĩa rất đặc biệt tôn vinh tình hữu nghị, là dịp để nhìn lại quan hệ hai nước chúng ta hơn 5 thập kỷ qua", Đại sứ chia sẻ.

Năm nay Đại sứ quán sẽ tổ chức lễ Quốc khánh Pháp với quy mô như trước đại dịch Covid-19. "

Chúng tôi vui mừng chào đón những vị khách người Việt Nam từ giới ngoại giao, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp lớn, cộng đồng người Pháp tại Việt Nam. Ngoài ra sẽ có một bất ngờ khi có một ca sĩ Việt Nam sẽ tham gia trình diễn những bản nhạc Pháp bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt. Tôi xin chia sẻ một chút thông tin như vậy để đến ngày hôm đó sẽ tạo sự bất ngờ", Đại sứ bật mí.

3 TỪ KHÓA CỦA QUAN HỆ VIỆT - PHÁP

Về quan hệ Việt Nam-Pháp đặc biệt, Đại sứ Olivier Brochet thể khái quát bằng 3 từ khóa: Tình hữu nghị - Quan hệ đối tác - Sự tin cậy.

Tình hữu nghị, hai nước gắn bó với nhau với một bề dày lịch sử, trải qua thăng trầm, chính điều này tạo nên nét nổi bật trong quan hệ hai nước. Hai nước đều trân trọng sự đặc biệt này, thể hiện qua việc cùng nhau nhìn lại quá khứ một cách bình tâm và thiện chí, kể cả những giai đoạn bi thương nhất trong lịch sử, để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp.

Tháng 5/2024, Bộ trưởng Quân đội Pháp đến Điện Biên Phủ dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử. Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Macron và Tổng Bí thư Tô Lâm cùng trồng cây hữu nghị trong khuôn viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần Quảng trường Ba Đình – nơi cách đây 80 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, đây là thành quả quan trọng nhất trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm hồi tháng 10/2024. Pháp và Việt Nam đã có sự phối hợp nhịp nhàng để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực được nêu trong Tuyên bố Đối tác Chiến lược toàn diện và được hiện thực hóa bằng một loạt văn kiện được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp vừa qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5. Ảnh: Phạm Hải

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5. Ảnh: Phạm Hải

Đại sứ cho biết, 30 văn kiện bao phủ toàn bộ các lĩnh vực trong hợp tác song phương. Tiêu biểu là các thỏa thuận về quốc phòng với một ý định thư tăng cường hợp tác giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng; phát triển bền vững với hợp tác về chuyển đổi năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt; đổi mới sáng tạo, trong đó có cả y tế và thỏa thuận liên chính phủ về nghiên cứu khoa học.

Sự tin cậy, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được chọn là điểm đến đầu tiên của Tổng thống Macron trong chuyến công du Đông Nam Á. Thể hiện sự coi trọng đặc biệt, đánh giá cao mà Tổng thống dành cho Việt Nam. Tổng thống muốn chia sẻ với Việt Nam những quan điểm về tình hình quốc tế và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác dựa trên niềm tin.

Thương mại luôn là một trong những trụ cột chủ đạo, phản ánh chiều sâu và hiệu quả thực chất của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Đại sứ Olivier Brochet thông tin, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Pháp vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, cả về cơ cấu mặt hàng lẫn tiềm năng hợp tác.

Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam cũng đã tăng lên và xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp thì tăng rất mạnh. Các mặt hàng chủ lực mà Pháp xuất sang Việt Nam chủ yếu là hàng không, y tế, dược phẩm.

Tại Đông Nam Á chỉ có hai nước có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, trong đó có Việt Nam (EVFTA). Ông Olivier Brochet cho rằng đây là hiệp định quan trọng vì hướng đến sự cân bằng cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Đại sứ nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng hy vọng rằng hiệp định này không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thỏa thuận thương mại khác được ký trong những điều kiện thiếu thuận lợi. Và quan trọng nhất, cả hai bên cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết trong EVFTA, điều mà cho đến nay vẫn đang được bảo đảm".

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần cảnh giác với các rào cản phi thuế quan. Trong trường hợp các rào cản phi thuế quan được áp dụng thiếu minh bạch thì sẽ làm ảnh hưởng tới giá trị thực của hiệp định này.

Các doanh nghiệp Pháp mong muốn tham gia hợp tác cùng Việt Nam trong các dự án chiến lược, với cam kết không chỉ mang đến công nghệ tốt nhất mà còn sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, chuyên gia công nghệ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giao lưu với sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5. Ảnh: Phạm Hải

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giao lưu với sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5. Ảnh: Phạm Hải

Phát biểu tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ, Tổng thống Macron đã có phát biểu định hướng về tương lai của quan hệ hai nước và vai trò của thế hệ trẻ. Pháp cũng những chương trình học bổng dành cho sinh viên Việt Nam, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới được thụ hưởng các học bổng của Chính phủ Pháp.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Đại sứ đánh giá cao những mục tiêu, quyết tâm cao mà Việt Nam đề ra, bởi đây là nhu cầu chính đáng để phát triển đất nước, cải thiện cuộc sống người dân. Pháp ủng hộ hết mình để Việt Nam thực hiện các mục tiêu này.

Đại sứ nêu ra một số dự án nổi bật trong phát triển bền vững mà Pháp đã hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam, như dự án tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến metro số 1 tại TPHCM, mang lại sự tiện lợi cho người dân và giúp Việt Nam trong quá trình chuyển dịch bền vững.

Người dân di chuyển trên tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Người dân di chuyển trên tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Ông khẳng định, các dự án được triển khai rất thành công, đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người dân, nhiều quan chức Pháp khi thăm Việt Nam đều thăm các công trình này.

"Chúng tôi hy vọng phần ngầm cũng sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất cũng như dự án nối dài của tuyến metro này cũng sẽ được sớm triển khai và hoàn thành để đi vào phục vụ người dân Hà Nội.

Chúng tôi cũng theo dõi sát sao việc mời thầu cho các tuyến metro sắp tới tại Hà Nội, TPHCM, đồng thời đặc biệt quan tâm đến tất cả dự án liên quan hệ thống phát triển đường sắt tại Việt Nam trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao", Đại sứ cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc tại Tổng công ty Đường sắt quốc gia Pháp ở thủ đô Paris. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc tại Tổng công ty Đường sắt quốc gia Pháp ở thủ đô Paris. Ảnh: TTXVN

Trong chuyến công tác tới Pháp hồi tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Tổng công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), Thủ tướng đề nghị phía Pháp và SNCF tiếp tục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, góp phần xây dựng, phát triển ngành công nghiệp đường sắt tại Việt Nam.

Trần Thường

Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phap-dac-biet-quan-tam-cac-du-an-metro-duong-sat-toc-do-cao-cua-viet-nam-2420999.html
Zalo