Phản ứng các bên về việc Australia cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội

Quốc hội Australia hôm 28/11 đã thông qua đạo luật 'chưa từng có' trên thế giới, là cấm người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Đạo luật nhằm mục đích bảo vệ 'sức khỏe tâm thần và hạnh phúc' cho thanh thiếu niên nước này, song cũng đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ dư luận.

Đạo luật về mạng xã hội được thông qua với sự ủng hộ của cả 2 đảng lớn ở Australia. Theo luật, bất kỳ ai dưới 16 tuổi sẽ bị chặn sử dụng các nền tảng xã hội như TikTok, Instagram, Snapchat và Facebook - một động thái mà Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese và Liên đảng đánh giá là cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của trẻ em.

Các mạng xã hội Facebook, Instagram. Đồ họa: Axios.

Các mạng xã hội Facebook, Instagram. Đồ họa: Axios.

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết: “Các bậc phụ huynh nên có các cuộc thảo luận với con cái của họ. Một cuộc thảo luận sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn và ít gây hại hơn cho những người trẻ tuổi Australia. Các nền tảng xã hội phải có trách nhiệm xã hội trong việc đảm bảo sự an toàn của trẻ em là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi ủng hộ bạn là thông điệp của chúng tôi gửi đến các bậc phụ huynh”.

Theo luật, các công ty truyền thông xã hội có thể bị phạt tới 50 triệu AUD (33 triệu USD) nếu không thực hiện các biện pháp hợp lý để những người dưới 16 tuổi tránh xa các nền tảng của họ. Tuy nhiên, không có hình phạt nào đối với những người trẻ tuổi hoặc phụ huynh vi phạm luật. Các công ty truyền thông xã hội cũng sẽ không thể buộc người dùng cung cấp giấy tờ tùy thân do Chính phủ cấp, bao gồm cả thẻ căn cước kỹ thuật số, để xem tuổi của họ.

Ứng dụng nhắn tin, dịch vụ chơi game trực tuyến và dịch vụ có mục đích chính là hỗ trợ sức khỏe và giáo dục sẽ không nằm trong lệnh cấm, cũng như các trang web như YouTube không yêu cầu người dùng phải đăng nhập để truy cập nền tảng.

Phản ứng trước đạo luật, dư luận Australia đang có những ý kiến trái chiều. Thượng nghị sỹ Karen Grogan của Công đảng cho rằng luật này là một công cụ cần thiết, nhưng không phải là “thuốc chữa bách bệnh”.

Một số cho rằng, độ tuổi quy định cấm nên là dưới 14; một số khác cho rằng việc thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội nên là trách nhiệm quản lý của các bậc phụ huynh thay vì chính phủ: “Tôi không nghĩ luật thực sự là điều tốt. Theo tôi, việc trẻ em sử dụng mạng xã hội là trách nhiệm của phụ huynh. Phụ huynh vẫn tiếp tục sử dụng chúng và con cái của họ sẽ theo dõi họ làm điều đó, vậy thì mục đích thực sự là gì?”.

“Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi có trách nhiệm giám sát, không phải cảnh sát. Tôi nghĩ rằng có lẽ sự can thiệp của chính phủ là không cần thiết trên quy mô rộng lớn như vậy.”

“Đúng là có những nội dung trên mạng xã hội không phải là nội dung mà thanh thiếu niên nên xem, nhưng mặc dù vậy, tôi nghĩ biện pháp này hơi cực đoan vì nó hạn chế chúng ta tiếp nhận những điều tích cực từ mạng xã hội.”

Theo một cuộc khảo sát của YouGov được công bố hôm 26/11, có tới 77% người Australia ủng hộ lệnh cấm, tăng so với mức 61% trong cuộc khảo sát vào tháng 8.

Về phía các nền tảng xã hội, ông chủ mạng xã hội X – tỷ phú Elon Musk đã đăng lại một dòng tweet của Thủ tướng Albanese thông báo về dự luật, với nội dung “Có vẻ như đây là một cách gián tiếp để kiểm soát quyền truy cập internet của tất cả người Australia”.

Đại diện của công ty Meta (công ty mẹ của Facebook) khẳng định sẽ tôn trọng luật pháp của Australia, song lấy làm quan ngại về quy trình có vẻ như “vội vã” thông qua luật mà chưa xem xét đúng mức những gì mà các ông lớn công nghệ đã làm với mạng xã hội để đảm bảo đem lại trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi cũng như tiếng nói của trẻ vị thành niên.

Các quốc gia bao gồm Pháp và một số bang của Mỹ cũng từng đề xuất hoặc thông qua luật hạn chế trẻ vị thành niên truy cập mạng xã hội mà không có sự cho phép của cha mẹ, song lệnh cấm của Australia là tuyệt đối.

Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm nay cũng ngay lập tức yêu cầu Quốc hội xem xét một lệnh cấm tương tự Australia, dự trên ý kiến và sự đồng thuận của người dân nước này.

Dù lệnh cấm đã được thông qua, nhưng việc thực hiện lệnh cấm này tại Australia được cho là sẽ đối mặt nhiều thách thức. Nhiều người lo ngại rằng quá trình này diễn ra quá vội vã và nếu người dùng bị yêu cầu chứng minh độ tuổi, điều đó có thể dẫn đến việc các công ty truyền thông xã hội thu được những dữ liệu cá nhân có giá trị.

Đình Nam/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-cac-ben-ve-viec-australia-cam-tre-em-su-dung-mang-xa-hoi-post1138846.vov
Zalo