Phần 1: 'Hạt nhân chính trị'

Cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí không chỉ chấp hành đúng các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, hơn thế nữa, cần phát huy chuẩn mực đạo đức của người làm báo cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngày 12.6.2024, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, lãnh đạo chủ chốt nhấn mạnh là “làm tốt công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh, xử lý hiệu quả thông tin xấu, sai sự thật, thông tin chống phá của các thế lực thù địch...

Chấn chỉnh tình trạng một số cơ quan báo chí chấp hành không nghiêm quy định thông tin, tuyên truyền; đưa các tin, bài thiếu kiểm chứng, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, gây hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội”.

Năm 2020, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt cuốn sách “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí”. Cuốn sách phản ánh khá đầy đủ, chân thực về công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí trong tình hình hiện nay.

Tọa đàm “Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại” tại Hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022 do Báo Nhân Dân phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 11.2022. Ảnh: Đ.H.T

Tọa đàm “Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại” tại Hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022 do Báo Nhân Dân phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 11.2022. Ảnh: Đ.H.T

Trước hết cần biết, ngày 1.8.2007, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng. Trong phần đánh giá về hoạt động báo chí, Nghị quyết 16 nêu: “Báo chí tiếp tục phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ người làm báo và số lượng người đọc; cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính được tăng cuờng; tác động, ảnh hưởng của báo chí được mở rộng. Phần lớn báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, chống “diễn biến hòa bình”... góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước… Tuy nhiên, trong hoạt động báo chí, một số yếu kém, khuyết điểm được nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm khắc phục, có mặt, có lúc, có nơi còn trầm trọng hơn. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng. Các cơ quan báo chí quan trọng của Đảng, Nhà nước chậm đổi mới, nội dung và hình thức chưa hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền không cao, chưa chi phối, làm chủ thông tin và định hướng được dư luận xã hội. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí còn nhiều hạn chế. Hệ thống đài phát thanh, truyền hình phát triển thiếu quy hoạch, gây lãng phí, tốn kém lớn”.

“Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ” - Nghị quyết 16 nêu.

Đối với công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí, Nghị quyết 16 yêu cầu: “Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động báo chí”.

Trước đó, tháng 4.2006, Ban Bí thư ban hành Quy định số 165-QĐ/TW, về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí. Quyết định 165 nêu rõ: “Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên và những người lao động khác trong cơ quan thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo, đài, tạp chí; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng, rèn luyện đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022 do Báo Nhân Dân phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 11.2022. Ảnh: Đ.H.T

Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022 do Báo Nhân Dân phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 11.2022. Ảnh: Đ.H.T

Theo ông Lê Mạnh Hùng (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thời điểm năm 2019), cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa diễn ra ngày càng phức tạp, gay gắt cùng sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông trên internet đã đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động báo chí để đáp ứng những đòi hỏi của công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới. Để thực sự là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng, phát huy vai trò trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của mình, về những vấn đề mới, phát sinh từ thực tiễn để đề xuất nội dung, giải pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng. Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải thật sự coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí.

Hơn bao giờ hết, việc xây dựng Đảng về đạo đức trong các cơ quan báo chí cần được quan tâm thực hiện. Cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí không chỉ chấp hành đúng các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, hơn thế nữa, cần phát huy chuẩn mực đạo đức của người làm báo cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị để phát huy văn hóa báo chí cách mạng, thích ứng với xu hướng báo chí đa phương tiện, sử dụng trí tuệ nhân tạo và cung cấp định hướng nội dung trong thế giới phẳng, vững vàng vượt qua thách thức của truyền thông xã hội đang có xu hướng chi phối, thậm chí có hiện tượng bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức không kiểm chứng và giả mạo. Người làm báo phải đủ bản lĩnh, năng lực đấu tranh với luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trước yêu cầu mới, công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung. Thứ nhất, phải quán triệt đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đối với các cơ quan báo chí, công tác xây dựng Đảng góp phần bảo đảm nguyên tắc là luôn luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, truyền thông. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí chính là yêu cầu có ý nghĩa quyết định để hoạt động báo chí bảo đảm tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Thứ hai, với vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, các cơ quan báo chí phải coi trọng công tác tư tưởng. Các cơ quan báo chí phải thể hiện rõ vai trò tiên phong, chủ lực trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, giữ vững sự đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan báo chí. Quan tâm, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng các mô hình tổ chức đảng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của các loại hình cơ quan báo chí, đổi mới và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm. Tăng cường kỷ luật thông tin, phát ngôn, phát huy vai trò tổ chức đảng trong cơ quan báo chí đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ năm, thường xuyên chăm lo xây dựng, quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; có nghiệp vụ tinh thông; có tấm lòng trung thực, nhân ái; có trách nhiệm xã hội công dân bảo vệ, cổ vũ cái đúng, cái tốt; dũng cảm đấu tranh chống cái xấu, cái ác; góp phần xây dựng xã hội văn minh.

Việt Đông

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phan-1-hat-nhan-chinh-tri-a174389.html
Zalo