Phải quý trọng của công

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: 'Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí'. Công cuộc chống lãng phí mà Đảng ta đang chủ trương lãnh đạo thực hiện cần phải được thực hiện từ ý thức quý trọng tài sản công ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi tổ chức, cá nhân.

Thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các quy định của pháp luật, các cấp ủy đảng, chính quyền đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán; mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; công tác quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn, tài sản nhà nước có chuyển biến tích cực. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước được triển khai; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”. Lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước…

Do đó, để xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trước hết cần tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân trong mỗi cơ quan, đơn vị. Ý thức quý trọng của công cần được thực hiện nền nếp hằng ngày từ bên trong mỗi cơ quan, đơn vị và bắt đầu từ mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về sử dụng, quản lý tài sản công nhằm khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công. Bên cạnh đó cần kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các hành vi làm thất thoát, lãng phí tài sản công.

Dương Cầm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phai-quy-trong-cua-cong-202349.html
Zalo