Phải làm gì khi bị truy thu thuế bán hàng online?

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Vậy, những trường hợp tổ chức, cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử mà không không khai, đăng ký hay nộp thuế sẽ bị xử lý như thế nào?

“Đã 15 năm nay, tôi kinh doanh online quần áo, mỹ phẩm trên một sàn thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến thư Én bạc, Mua rẻ, Lazada, và sau này mở thêm trên Shopee. Ngoài ra, tôi cũng có bán hàng thông qua một page trên Facebook và Tiktok.

Mới đây, bên chi cục thuế gọi cho tôi, mời đến để hỏi về việc kê khai thuế kinh doanh online và nói là có thể sẽ bị truy thu thuế kinh doanh online. Mặc dù thông qua báo, đài, tôi có nghe nói về việc cá nhân kinh doanh online sẽ phải nộp thuế, song không biết cụ thể ra sao. Và việc tôi bán hàng đã 15 năm, thì liệu tôi có bị truy thu không? Cơ quan thuế lấy số liệu về doanh thu của tôi ở đâu và bằng cách nào để tính số tiền tôi phải nộp?”.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều câu hỏi của độc giả mà chúng tôi nhận được, liên quan đến việc thu thuế thu nhập bán hàng online. Theo một báo cáo, trong 3 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP. Hà Nội thông báo truy thu 41 cá nhân có thu nhập từ TMĐT. 28 người đã nộp thuế 9,8 tỷ đồng; 01 cá nhân kê khai tiền thuế dự kiến và chậm nộp 8,5 tỷ. Ngoài ra, trên 6.510 cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn TMĐT được cơ quan thuế Hà Nội đưa vào diện theo dõi, giám sát dữ liệu hóa đơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Luật sư Mai Tiến Dũng (Công ty Luật TNHH Practical Law - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích như sau:

Pháp luật về thuế quy định, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh, không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không, không thuộc đối tượng được miễn thuế thì sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật như: Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài.

Quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế số 38 nêu rõ cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, kinh doanh trực tuyến chưa đăng ký thuế. Vẫn còn các trường hợp chưa tuân thủ quy định của pháp luật về thuế.

1. Cá nhân kinh doanh online có phải nộp thuế không?

Việc rà soát kê khai, nộp thuế của các cá nhân bán hàng online được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh gia tăng các hoạt động TMĐT, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream. Do đó, luật sư Mai Tiến Dũng khẳng định rằng, việc truy thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh online là đúng quy định pháp luật về thuế.

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, kể từ ngày 05/12/2020 các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Ngân hàng cũng phải có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế…

Cụ thể, Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về người nộp thuế như sau:

“1. Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Chương I Thông tư này là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là cá nhân kinh doanh). …

2. Người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều này không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống”.

Luật sư Dũng cho biết, như vậy, cá nhân kinh doanh online có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Ngược lại, cá nhân kinh doanh online có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp hai loại thuế này. Đồng thời lưu ý, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế đầy đủ, chính xác và trung thực, nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ thuế theo quy định.

Hai phương pháp kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân phổ biến là phương pháp khoán và phương pháp tổ chức khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán: Theo Khoản 1, Điều 7, Thông tư 40/2021/TT-BTC, phương pháp khoán được áp dụng đối với những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không nộp thuế theo phương pháp kê khai đồng thời không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh. Trên thực tế, trừ trường hợp bán hàng qua các sàn TMĐT thì phần lớn các hộ, cá nhân bán hàng online đều nộp thuế theo phương pháp này.

Đối tượng nộp thuế theo phương pháp tổ chức khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân: Đối tượng áp dụng phương pháp tổ chức khai, nộp thuế thay cho cá nhân là trường hợp bán hàng qua các sàn giao dịch TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada,... được quy định cụ thể tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2, Điều 1, Thông tư 100/2021/TT-BTC: “Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự”.

Như vậy, đối với trường hợp trên, tổ chức thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân theo tháng hoặc theo quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

2. Phải làm gì khi bị truy thu thuế bán hàng online?

Căn cứ theo Khoản 3, Điều 10, Thông tư 40/2021/TT-BTC, số thuế TNCN và số thuế GTGT mà hộ, cá nhân bán hàng online được xác định theo công thức:

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.

Trong đó:

Tỷ lệ thuế TNCN: Áp dụng theo hướng dẫn tại Phụ lục I, ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Cụ thể: Hộ, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều ngành nghề, lĩnh vực thì kê khai và tính thuế theo tỷ lệ tính thuế trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.

Doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ, cá nhân kinh doanh bao gồm: Thuế của toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Các khoản trợ giá, phí thu thêm, phụ trội, phụ thu được hưởng theo quy định; Các khoản bồi thường do vi phạm hợp đồng, bồi thường khác.

Trường hợp nếu thuộc đối tượng đóng thuế mà hộ, cá nhân kinh doanh online không đóng thuế hoặc đóng thuế muộn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật theo Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Tại khoản 2, Điều 59, Luật Quản lý thuế năm 2019, mức tính tiền nộp chậm bằng 0,03% ngày tính trên số thuế chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp sẽ được tính liên tục từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp thuế đến ngày liền kề trước ngày người nộp thuế chuyển tiền nộp chậm vào ngân sách nhà nước.

Luật sư Dũng một lần nữa khẳng định, việc truy thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh online là đúng quy định pháp luật về thuế, các năm 2021,2022,2023 các cá nhân, đơn vị kinh doanh online đã được cơ quan thuế làm việc đề nghị giải trình và đưa vào diện theo dõi và truy thu số tiền thuế giai đoạn trước.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/phai-lam-gi-khi-bi-truy-thu-thue-ban-hang-online-437368.html
Zalo