Phá thế khó cho HTX người khuyết tật

Rất nhiều HTX có thành viên và người lao động là người khuyết tật với số lượng nhất định, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Luật HTX năm 2023 sắp đi vào thực tiễn cùng với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội cho những HTX này.

HTX Tâm Ngọc (Hà Nội) có 36/41 thành viên là người khuyết tật đang đầu tư trong lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu, chăm sóc sắc đẹp, nhưng khi chia sẻ với VnBusiness, chị Trần Thị Thuần, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX, cho biết đến thời điểm này, HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ nào.

Khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ

Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động, HTX đang mong muốn mở rộng và phát triển sâu những ngành nghề trên, nên nhu cầu về nguồn vốn rất cao. Ban giám đốc HTX đã làm hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn phát triển nông nghiệp nhưng sau khi làm việc nhiều lần, thì được trả lời là ngân sách, nguồn vốn chưa về. Trong khi để triển khai một dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, HTX không thể “delay” mãi được.

Khi được hỏi, vậy làm cách nào để HTX phát triển sản xuất như ngày hôm nay? Chị Thuần chia sẻ, 100% vốn HTX có được là của thành viên góp hoặc đứng tên vay ngân hàng, vay người quen theo mối quan hệ cá nhân.

Cũng là một HTX có tỷ lệ thành viên lên đến 99% là người khuyết tật nhưng theo anh Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn Art (Hà Nội), HTX mới chỉ tiếp cận được những dự án hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đầu ra, xúc tiến thương mại, chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các gói hỗ trợ. HTX vẫn phải vay vốn ngân hàng với lãi cao từ các khoản vay của cá nhân.

HTX Tâm Ngọc là mô hình hỗ trợ người khuyết tật phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng tiêu biểu tại Hà Nội.

HTX Tâm Ngọc là mô hình hỗ trợ người khuyết tật phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng tiêu biểu tại Hà Nội.

Anh Cường cho biết hiện nay, một số tổ chức tín dụng hoặc các hội đoàn thể có những chính sách hỗ trợ cho một số chương trình, dự án sản xuất kinh doanh thủ công mỹ nghệ… Nhưng đa số vẫn có tâm lý e ngại cho người khuyết tật vay vốn vì lo HTX không có khả năng trả nợ.

Có thể thấy, dù có không ít đóng góp về mặt kinh tế và tạo ra những tác động xã hội tích cực nhưng vẫn còn đó những HTX khuyết tật gặp khó trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ khác nhau.

Chị Trần Thị Thuần chia sẻ, dù biết ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh sẽ có nhiều hiệu quả nhưng điều khiến HTX đau đầu không kém bên cạnh việc khó tiếp cận nguồn vốn là làm sao giúp các thành viên là người khuyết tật tiếp cận được những công nghệ mới hoặc có những máy móc, công nghệ phù hợp cả về giá lẫn khả năng vận hành của người khuyết tật hơn. Bởi hiện nay, máy móc, công nghệ, ứng dụng… phần lớn chỉ tập trung cho những người bình thường với giá thành khá cao.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, ước tính cả nước có 7,2 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 1,5 triệu người người trong độ tuổi còn khả năng lao động và gần 5 triệu người trong độ tuổi lao động (15 - 60 tuổi). Hiện nay, do yếu thế, dễ bị tổn thương nên khả năng tiếp cận việc làm trong các doanh nghiệp của người khuyết tật còn hạn chế. Trong khi nhiều lao động lại lựa chọn và thành công với mô hình kinh tế tập thể, HTX vì khu vực này ngoài phát triển kinh tế còn đề cao các yếu tố xã hội nên được đánh giá là phù hợp và vừa sức với những người khuyết tật.

Chính vì vậy, các HTX có thành viên, lao động là người khuyết tật là thành phần rất quan trọng vì vừa góp phần vào phát triển kinh tế, vừa tạo sự lan tỏa, có tính tác động đến xã hội và môi trường, thông qua đó tạo việc làm cho nhóm người yếu thế cũng như cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phục vụ nền kinh tế.

Là mô hình kinh tế tập thể nên HTX khuyết tật vẫn là một trong những đối tượng được tiếp cận các chính sách hỗ trợ trong Luật HTX, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hỗ trợ pháp lý, mặt bằng, hỗ trợ cải thiện môi trường sản xuất… Đặc biệt là những HTX khuyết tật thành lập được doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Vậy nhưng, theo các chuyên gia, nhìn chung HTX khuyết tật cũng bình đẳng như nhiều HTX khác như trong nhiều chính sách hỗ trợ hiện nay quy định rời rạc, thiếu thống nhất hoặc chỉ tập trung cho HTX nông nghiệp nên khiến các HTX khó tiếp cận được hỗ trợ. Trong khi đa phần HTX khuyết tật hiện nay hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp nên những chính sách như phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thậm chí là tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX… là điều xa vời.

Mở cơ hội

Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho các HTX khuyết tật, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Luật HTX năm 2023 sắp có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ tạo cơ hội cho những HTX đặc biệt này.

Ngay trong Chương 2 của Luật quy định những chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có những điều mới. Cụ thể, phần hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho HTX được quy định: “Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí”.

Vậy, chiếu theo Luật Người khuyết tật năm 2010, đơn vị nào có 30% thành viên, người lao động là người khuyết tật được miễn các loại thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị sử dụng toàn bộ lao động khuyết tật cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Người khuyết tật được chia thành 3 loại: khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, khuyết tật nhẹ. Đơn vị sử dụng lao động khuyết tật nhẹ được cho vay với lãi suất thấp đối với khoản vay là 2 tỷ đồng/dự án. Đối với đơn vị sử dụng lao động khuyết tật tham gia thành viên và người lao động được vay 100 triệu đồng.

Như vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá Luật HTX năm 2023 đang thông suốt với các luật, quy định liên quan về người khuyết tật, nên Liên minh HTX Việt Nam đang nghiên cứu, trong đó có thể kết hợp với Bộ LĐTB&XH để giúp các HTX khuyết tật đáp ứng được các điều kiện có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho thành viên, người lao động một cách hiệu quả.

Có thể thấy, việc hỗ trợ người khuyết tật được đưa vào chính sách quốc gia, cụ thể là Luật HTX 2023 được kỳ vọng sẽ khuyến khích những HTX này giải tỏa những vướng mắc trong vấn đề tài chính, việc làm…

Chị Trần Thị Thuần cho biết, HTX có thể tiếp cận được các cơ chế cho vay vốn, phí, thuế… như vậy là rất tốt nhưng quan trọng là sự triển khai, hợp tác của các ngành liên quan tại địa phương như thế nào để phát huy tính hiệu quả. Vì trước đó, không chỉ HTX Tâm Ngọc mà nhiều HTX khuyết tật khác cũng đã làm hồ sơ tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ nhưng đều vướng mắc về thủ tục hồ sơ, điều kiện cho vay.

PGS.TS. Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết một số chính sách như hỗ trợ về thuế phí, lệ phí; miễn giảm tiền sử dụng hoặc tiền thuê đất… cho HTX trong Luật HTX 2023 là thuộc nhóm chính sách phi vật chất khi tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX thực hiện tốt bản chất “kinh tế tập thể” theo Luật HTX.

Các chính sách này không cần nguồn lực vật chất trong thực hiện nên không bị giới hạn và cần được Nhà nước thực hiện rộng rãi chính sách hỗ trợ phi vật chất đối với tất cả các tổ chức tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề với các đối tượng thành viên, người lao động khác nhau để phát huy giá trị của chính sách nhà nước đối với mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/pha-the-kho-cho-htx-nguoi-khuyet-tat-1100570.html
Zalo