PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: Nếu chỉ khen thì chưa phải là truyền thông chính sách

Theo PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, báo chí phải có quan điểm, chính kiến rõ ràng, có tính định hướng cao, phải 'xung trận' vào những vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống mà dư luận quan tâm...

Thời gian qua báo chí đã đóng góp quan trọng cho công tác truyền thông chính sách đến người dân, doanh nghiệp cũng như phản biện, góp ý để cơ quan nhà nước tiếp thu, kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình mới.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024), Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, về vai trò của báo chí trong công tác truyền thông chính sách…

 PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: QH

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: QH

Góp phần giải quyết nhiều phát sinh, vướng mắc trong đời sống

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí đối với truyền thông chính sách của nước ta thời gian qua?

+ PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: Báo chí có vai trò không thể thay thế trong việc định hướng dư luận xã hội, góp phần thúc đẩy giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống. Như chúng ta thấy, quá trình mỗi một chính sách từ lúc hoạch định, đến khi xây dựng, công bố và đi vào thực thi đều có sự tham gia mật thiết báo chí.

Trong đó, báo chí có vai trò là cầu nối đưa thông tin về chính sách đến người dân, tuyên truyền, thuyết phục để người dân dần thay đổi nhận thức, hành vi theo đúng pháp luật. Ở chiều ngược lại, báo chí là kênh thông tin để cơ quan nhà nước tiếp nhận ý kiến của dư luận để điều chỉnh, xây dựng chính sách cho phù hợp với tình hình mới.

Tôi lấy ví dụ, thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng trên khắp cả nước, báo chí đã vào cuộc đưa tin, mổ xẻ những tồn tại, bất cập và đề xuất các giải pháp để công tác phòng cháy chữa cháy được tốt hơn. Điều đáng mừng, từ tính cấp thiết của thực tiễn cuộc sống và kế hoạch xây dựng pháp luật, Chính phủ đã sớm trình Quốc hội xem xét Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong kỳ họp này.

. Thủ tướng đã có chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách, thế nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương còn xem nhẹ, thiếu chủ động trong truyền thông chính sách. Ông có nhìn nhận gì về việc này?

+ Tôi nhớ mấy năm trước nhờ sự phát hiện của báo chí mà quy định "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được cộng điểm thưởng khi thi đại học" được loại bỏ khỏi dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Rõ ràng chính sách đó là xa thực tế, thiếu nhạy cảm chính trị, bị dư luận phản ứng. Tuy nhiên, việc phát hiện kịp thời, loại bỏ quy định đó là minh chứng báo chí đã tham gia phản biện, xây dựng chính sách hiệu quả.

Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan dự thảo đừng "ngại" bị góp ý, đừng ngại ý kiến phản biện, mà ngược lại nên vui vì được góp ý thẳng thắn. Cái hợp lý thì tiếp thu, cái chưa hợp lý thì giải trình đầy đủ, rõ ràng.

Đấy là xây dựng chính sách, còn triển khai chính sách cũng có những bất cập. Vẫn có nơi còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách, thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả, để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng sau đó cũng đã ban hành Chỉ thị 7/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách để khắc phục tình trạng trên. Trong đó, chỉ thị xác định rõ truyền thông chính sách là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan này phải có nhân sự, nguồn lực làm truyền thông chính sách.

 Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: HOÀNG GIANG

Truyền thông chính sách là phản biện để xây dựng, hoàn thiện chính sách

. Là đại biểu Quốc hội có nhiều năm công tác trực tiếp trong lĩnh vực báo chí, ông có gợi mở gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng?

+ Tôi cho rằng cơ quan báo chí cần phải giữ vững giá trị cốt lõi của mình là tìm kiếm, nói lên sự thật, vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Báo chí phải có quan điểm, chính kiến rõ ràng, có tính định hướng cao, phải "xung trận" vào những vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống mà dư luận quan tâm, nâng cao chất lượng thông tin.

Khi báo chí có thông tin kịp thời, tin cậy, chất lượng thì sẽ thu hút được bạn đọc, tạo nguồn thu bền vững để phát triển.

Đối với công tác truyền thông chính sách, mỗi cơ quan báo chí cần căn cứ vào đặc thù của đơn vị mình để xây dựng kế hoạch một cách bài bản. Có những sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn, mang tính phân tích, phản biện, đánh giá, dự báo giúp người dân hiểu được tác động của chính sách này với cuộc sống như thế nào, giải quyết được điều gì, ảnh hưởng tới họ ra sao…

. Vậy ông có đề xuất gì với các cơ quan nhà nước để thực hiện hiệu quả hơn công tác này?

+ Vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 05/2024 (có hiệu lực từ 1-8-2024) với kỳ vọng sẽ khắc phục được một số vướng mắc, khó khăn, lúng túng của các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật. Đây là điều kiện thuận lợi để Nhà nước tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần quan tâm tháo gỡ về cơ chế tài chính và chính sách thuế cho báo chí.

Để truyền thông chính sách hiệu quả, theo tôi việc tăng ngân sách cho truyền thông là cần thiết nhưng chi tiền như thế nào lại là bài toán không dễ. Bởi vì cứ đếm đầu báo đặt hàng theo đúng quy định ngân sách hiện nay thì rất nhiều bài na ná nhau. Như thế sẽ tốn ngân sách mà hiệu quả không cao.

Mặt khác, truyền thông chính sách không phải là minh họa chính sách mà còn là phản biện để xây dựng và hoàn thiện chính sách. Các bộ ngành có đặt hàng những bài phản biện chính sách hay không?

Nếu toàn bài khen, bài thông tin đơn thuần thì chưa phải là truyền thông chính sách đúng nghĩa vì mục tiêu giải quyết vướng mắc, ách tắc, thủ tục làm khó người dân và doanh nghiệp sẽ vẫn bị bỏ lại bên lề. Chưa kể, nếu báo chí chỉ toàn khen thì liệu có đúng với tinh thần phát huy “tự phê bình và phê bình” mà Đảng đã đề ra?

. Xin cảm ơn ông!

TRỌNG PHÚ thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/pgsts-do-chi-nghia-neu-chi-khen-thi-chua-phai-la-truyen-thong-chinh-sach-post796643.html
Zalo