OPEC+ có ảnh hưởng thế nào đến giá dầu và kinh tế toàn cầu?

Vào ngày 2/6 tới, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+, sẽ tiến hành cuộc họp bàn về chính sách sản lượng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới gần đây tụt dốc vì căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông xuống thang và có những dấu hiệu cho thấy sự ảm đạm của triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Hãng tin Reuters đã điểm lại những điều cần biết về OPEC+ và vai trò của liên minh này:

OPEC VÀ OPEC+ LÀ GÌ?

OPEC được thành lập vào năm 1960 tại Baghdad bởi Iraq, Iran, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela, với mục đích điều phối các chính sách dầu lửa, đảm bảo giá dầu công bằng và ổn định. Hiện nay, tổ chức này bao gồm 12 quốc gia, chủ yếu các nước ở khu vực Trung Đông và châu Phi, chiếm khoảng 30% sản lượng dầu của thế giới.

Theo thời gian, đã xuất hiện một số thách thức đối với ảnh hưởng của OPEC trên thị trường dầu lửa toàn cầu, và thực tế này đã dẫn đến những vết rạn trong nội bộ nhóm. Gần đây hơn, nỗ lực toàn cầu hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch được cho là có thể gây suy giảm vị thế và ảnh hưởng của OPEC.

OPEC thành lập liên minh OPEC+ với 10 nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới ngoài OPEC, bao gồm Nga, vào cuối năm 2016. OPEC+ chiếm khoảng 41% sản lượng dầu thô toàn cầu. Mục tiêu chính của liên minh là điều tiết việc cung cấp dầu cho thị trường toàn cầu. Thủ lĩnh không chính thức của liên minh này là Saudi Arabia và Nga, hai nước lần lượt có sản lượng 9 triệu và 9,3 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Angola, nước gia nhập OPEC năm 2007, đã rời khỏi khối vào đầu năm nay, với lý do bất đồng về hạn ngạch sản lượng. Tiếp đó, Ecuador rời OPEC vào năm 2020 và Qatar rút lui vào năm 2019.

OPEC ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ DẦU TOÀN CẦU NHƯ THẾ NÀO?

OPEC cho biết xuất khẩu dầu của các quốc gia thành viên trong tổ chức này chiếm khoảng 49% lượng dầu thô xuất khẩu toàn cầu. OPEC ước tính các nước thành viên nắm giữ khoảng 80% trữ lượng dầu đã được chứng minh của thế giới.

Do OPEC chiếm thị phần lớn nên các quyết định mà tổ chức này đưa ra có thể ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu. Các thành viên của nhóm thường xuyên có các cuộc họp để quyết định lượng dầu sẽ bán ra trên thị trường toàn cầu. Kết quả là, khi OPEC giảm nguồn cung để ứng phó với nhu cầu giảm, giá dầu có xu hướng tăng. Ngược lại, giá dầu có xu hướng giảm khi OPEC quyết định cung cấp thêm dầu cho thị trường.

Liên minh OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng 5,86 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu. Lượng cắt giảm này bao gồm kế hoạch giảm 3,66 triệu thùng/ngày của các thành viên OPEC+ cho đến cuối năm 2024. Ngoài ra, kế hoạch cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của một số thành viên sẽ hết hạn vào cuối tháng 6.

Theo tiết lộ của nguồn thạo tin với Reuters, trong cuộc họp vào ngày 2/6, OPEC+ có thể gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm vài tháng. Việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện này được dẫn đầu bởi Saudi Arabia - nước “gánh” mức giảm 1 triệu thùng/ngày.

Bất chấp việc OPEC+ cắt giảm sản lượng mạnh tay, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đang giao dịch ở ngưỡng 81 USD/thùng, gần mức thấp nhất trong năm nay, giảm gần 11% so với mức đỉnh 91 USD trong tháng 4. Nguyên nhân khiến giá dầu giảm là lượng dầu tồn trữ toàn cầu tăng và lo ngại về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu.

CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA OPEC ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU?

Một số đợt cắt giảm nguồn cung dầu của OPEC trong lịch sử đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc chiến tranh giữa các nước Arab với Israel vào năm 1973, các thành viên Arab của OPEC đã áp lệnh cấm vận dầu lửa đối với Mỹ - để trả đũa quyết định của Mỹ về tái cung cấp cho quân đội Israel - và các quốc gia khác ủng hộ Israel. Lệnh cấm vận này cấm xuất khẩu xăng dầu sang các quốc gia đó, đồng thời cắt giảm sản lượng dầu thô trong OPEC.

Việc thế giới Arab đưa ra lệnh cấm vận dầu lửa đã gây áp lực lớn lên nền kinh tế Mỹ ở thời điểm đó, khi nền kinh tế vốn đã căng thẳng và đang ngày càng phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Giá dầu tăng vọt khiến chi phí nhiên liệu tăng cao đối với người tiêu dùng Mỹ và dẫn tới tình trạng thiếu nhiên liệu ở Mỹ. Lệnh cấm vận này đã đẩy Mỹ và các nền kinh tế khác khác đến bờ vực suy thoái toàn cầu.

Vào năm 2020, trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, giá dầu thô sụt giảm do nhu cầu lao dốc. Trong bối cảnh đó, OPEC+ đã giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, nhằm vực dậy giá dầu.

Hiện nay, giá xăng dầu đang là một chủ đề chính trị quan trọng ở Mỹ nơi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay. Chính phủ Mỹ đã liên tục kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu ra thị trường để kéo giá dầu xuống, qua đó giải tỏa bớt áp lực lạm phát ở Mỹ.

Tuy nhiên, OPEC nói rằng công việc của họ là điều tiết cung cầu chứ không phải giá cả. Theo nhiều ước tính khác nhau, các thành viên của OPEC+ có mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn thu ngân sách từ dầu lửa. Chẳng hạn, ngân sách của Chính phủ Saudi Arabia cân bằng ở mức giá dầu từ 90-100 USD/thùng.

THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN VỀ NĂNG LỰC SẢN XUẤT

Bên cạnh việc cắt giảm sản lượng dầu, cuộc họp sắp tới của OPEC+ dự kiến sẽ tranh luận về số liệu năng lực sản xuất dầu của các thành viên trong năm nay - một vấn đề vốn đã gây tranh cãi từ lâu.

OPEC+ đã thuê ba công ty nghiên cứu độc lập là IHS, WoodMac và Rystad đánh giá năng lực sản xuất của tất cả các thành viên OPEC+ đến cuối tháng 6 năm nay. Số liệu uớc tính về năng lực khai thác dầu của mỗi thành viên sẽ giúp OPEC+ thiết lập số liệu về mức sản lượng cơ sở của mỗi nước, để từ đó mỗi nước thực hiện việc cắt giảm sản lượng dầu.

Các quốc gia thành viên của OPEC+ đều có xu hướng đấu tranh để đạt được ước tính năng lực sản xuất cao hơn nhằm đạt được mức sản lượng cơ sở cao hơn. Với sản lượng cơ sở cao hơn, họ sẽ được khai thác nhiều dầu hơn sau khi áp mức cắt giảm. Sản lượng dầu nhiều hơn đồng nghĩa doanh thu lớn hơn.

Sự cần thiết phải có hạn ngạch mới đã tăng lên khi các thành viên như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq tăng năng lực sản xuất dầu, trong khi nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEC là Saudi Arabia lại giảm bớt việc bổ sung sản lượng tiềm năng. Nga, một thành viên chủ chốt của OPEC+, trên thực tế đã bị giảm năng lực sản xuất dầu do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

OPEC HIỆN NAY ĐANG CÓ NHỮNG THÀNH VIÊN NÀO?

Các thành viên hiện tại của OPEC bao gồm: Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Iraq, Iran, Algeria, Libya, Nigeria, Congo, Guinea Xích đạo, Gabon và Venezuela.

Các quốc gia ngoài OPEC trong OPEC+ gồm Nga, Azerbaijan, Kazakhstan, Bahrain, Brunei, Malaysia, Mexico, Oman, Nam Sudan và Sudan.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/opec-co-anh-huong-the-nao-den-gia-dau-va-kinh-te-toan-cau.htm
Zalo