Ông Trump ra lệnh hoãn viện trợ vũ khí cho Ukraine giữa lúc Mỹ lo kho dự trữ cạn kiệt
Tổng thống Trump ra lệnh tạm dừng cung cấp hệ thống phòng không Patriot, bom và tên lửa chính xác cho Ukraine do lo ngại kho dự trữ quân sự Mỹ cạn kiệt. Quyết định này làm dấy lên lo ngại về tác động trên chiến trường và tương lai viện trợ Mỹ.

Quân đội Ukraine lắp đặt vũ khí để hỗ trợ phòng không tại Ukraine vào tháng 5. Ảnh: Getty.
Mỹ tạm ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine vì lo ngại kho dự trữ cạn kiệt
Nhà Trắng hôm 1/7 (giờ Mỹ) nói rằng Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng việc chuyển giao một số hệ thống đánh chặn phòng không, bom dẫn đường chính xác và tên lửa cho Ukraine, do Lầu Năm Góc lo ngại rằng kho vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt đến mức báo động.
Trong số các loại vũ khí bị đình chỉ có các tên lửa đánh chặn cho hệ thống phòng không Patriot, đạn pháo dẫn đường chính xác và tên lửa mà không quân Ukraine phóng từ các tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, theo các quan chức Lầu Năm Góc. Đây là những vũ khí then chốt giúp Ukraine chống chọi các đợt tấn công ngày càng dữ dội của Nga – đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến đã kéo dài hơn 3 năm.
Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu loại vũ khí bị ảnh hưởng hoặc việc tạm dừng sẽ tác động đến chiến trường nhanh đến mức nào. Một số quan chức Mỹ cho biết lô vũ khí này chưa được lên lịch chuyển đến Ukraine trong vài tháng tới. Chỉ mới tuần trước, sau cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị NATO ở The Hague, ông Trump còn nói rằng ông sẵn sàng bán thêm vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, khi đó, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch cho việc tạm ngừng.
Các quan chức trong chính quyền Trump cho biết lý do chính của việc trì hoãn là lo ngại về tình trạng thiếu hụt đạn dược và hệ thống phòng thủ mà Mỹ hoặc đồng minh có thể cần nếu xảy ra khủng hoảng ở các khu vực khác trên thế giới.
Một số hệ thống này vốn được lên kế hoạch chuyển cho Ukraine trong vòng một năm tới. Tuy nhiên, tín hiệu mà động thái này gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể là: Mỹ đang dần rút khỏi vai trò nhà cung cấp vũ khí tiên tiến chính cho Ukraine. Điều đó có thể khiến ông Putin kéo dài đàm phán ngừng bắn, với kỳ vọng rằng Ukraine sớm sẽ thiếu đạn dược và hệ thống phòng không.
Nhà Trắng cho biết đây là quyết định xuất phát từ lợi ích quốc gia. "Quyết định này được đưa ra nhằm đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu, sau khi Bộ Quốc phòng rà soát việc hỗ trợ quân sự cho các nước trên toàn cầu", phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly tuyên bố. "Sức mạnh của quân đội Mỹ vẫn là điều không ai có thể nghi ngờ, cứ hỏi Iran thì biết".

Các bệ phóng tên lửa Patriot đã giúp Ukraine tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga, nhưng chúng nằm trong số những vũ khí đang bị dừng cung cấp. Ảnh: Getty.
Động thái này được xem là một thắng lợi chính trị cho Phó Tổng thống J.D. Vance và một số quan chức từng nhiều lần chất vấn giá trị của việc Mỹ hỗ trợ Ukraine – một quốc gia không phải thành viên NATO. Khi chiến tranh bắt đầu, Ngoại trưởng Marco Rubio (lúc đó còn là Thượng nghị sĩ) từng là người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc trang bị vũ khí cho Ukraine.
Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ Dân chủ đã cảnh báo rằng việc tạm dừng này có thể làm suy yếu năng lực phòng thủ của Ukraine trên chiến trường.
"Lầu Năm Góc đang làm suy yếu đáng kể năng lực phòng không của Ukraine, ngay khi Nga liên tục dội bom các thành phố mỗi đêm, khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương", Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (bang New Hampshire), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nhận định.
Mối lo ngại về việc cạn kiệt kho dự trữ vũ khí không phải mới xuất hiện, cũng không chỉ giới hạn ở chính quyền Trump. Cuối nhiệm kỳ Tổng thống Biden, nhiều quan chức cũng lo rằng các nhà sản xuất vũ khí Mỹ và châu Âu không thể đáp ứng nhu cầu, không chỉ với các hệ thống hiện đại mà cả những trang bị cơ bản như đạn pháo.
Trong 2 năm qua, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine vũ khí từ hai nguồn chính – cả hai đều được thiết lập từ thời chính quyền Biden và ban đầu nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ đảng Cộng hòa tại Quốc hội.
Một phần vũ khí được lấy từ kho dự trữ hiện có của Lầu Năm Góc, và Quốc hội sẽ hoàn trả ngân sách để mua bổ sung – thường là các phiên bản cập nhật. Phần còn lại đến từ chương trình Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), nơi Lầu Năm Góc tài trợ để các nhà thầu quân sự Mỹ sản xuất vũ khí cho Ukraine. Những đơn hàng này có thể mất vài tháng hoặc cả năm mới giao đủ.
Hầu hết số vũ khí từ kho của Lầu Năm Góc đã được chuyển đi, với phần cuối dự kiến giao vào cuối mùa hè năm nay. Các đơn hàng theo hợp đồng vẫn sẽ tiếp tục chuyển đến Ukraine sang năm sau.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu vũ khí trong lệnh tạm dừng đến từ mỗi nguồn nêu trên. Trước đó, Politico đã đưa tin về việc Mỹ ngừng một số đợt chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Khi ông Zelensky đến thăm Washington lần đầu, chưa đầy một năm sau khi chiến tranh bùng nổ, ông đã được đón tiếp như người hùng, phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện và được Tổng thống Biden hứa hỗ trợ "chừng nào còn cần thiết".
Nhưng sự nhiệt tình đó giờ đây đã phai nhạt. Khi các gói viện trợ cuối cùng từ thời Biden cạn dần, sự ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cũng dần biến mất.
Chính quyền Trump hiện chưa đề xuất bất kỳ gói hỗ trợ quân sự mới nào cho Ukraine.