Ông Trump ký sắc lệnh dỡ bỏ trừng phạt Syria sau 20 năm
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp dỡ bỏ hàng loạt lệnh trừng phạt với Syria, mở đường cho chính quyền mới tại Damascus.
Theo chính quyền Mỹ, việc dỡ bỏ trừng phạt này không kèm theo điều kiện cụ thể, nhưng Washington hy vọng động thái kết thúc sự cô lập tài chính quốc tế của Syria sẽ khuyến khích chính phủ mới. Hiện ông Ahmed al-Sharaa (người lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad) lãnh đạo chính phủ Syria. Ông nỗ lực thực hiện các cam kết như chống khủng bố, hội nhập lực lượng người Kurd, tôn trọng quyền của các sắc tộc thiểu số và thiết lập quan hệ với Israel.
Ông Tom Barrack, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ kiêm Đặc phái viên về Syria, khẳng định: “Tổng thống và Ngoại trưởng không tìm cách xây dựng một quốc gia hay áp đặt mô hình dân chủ theo ý muốn của họ. Họ chỉ đang tạo ra cơ hội”.

Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thái tử Ả-rập Xê Út Mohammed Bin Salman cùng các quan chức khác tại Riyadh.
Kết thúc tình trạng khẩn cấp, mở đường giao dịch tài chính
Sắc lệnh của ông Trump chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến Syria - được ban hành từ năm 2004 - đồng thời hủy bỏ 5 sắc lệnh hành pháp khác vốn là nền tảng cho các chương trình trừng phạt trước đó.
“Sắc lệnh cũng sẽ chỉ đạo một số hành động nhất định liên quan đến việc miễn trừ các lệnh trừng phạt theo luật định hiện hành, kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác”, một quan chức Mỹ cho biết.
Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ cho phép các giao dịch và liên lạc quốc tế được thực hiện với chính phủ Syria và các thực thể do nhà nước Syria sở hữu, như Ngân hàng Trung ương và các tổ chức tài chính khác.
Ông Brad Smith, quyền Thứ trưởng phụ trách Tình báo Tài chính và Khủng bố thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho biết chính quyền nước này có thể tái áp đặt trừng phạt nếu phát hiện hành động từ chính quyền mới ở Syria gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ hoặc vi phạm các tiêu chí đã đề ra.
“Chúng tôi lạc quan về tương lai của Syria, nhưng cũng tỉnh táo trước các mối đe dọa còn tồn tại. Bộ Tài chính sẽ không ngần ngại sử dụng thẩm quyền để bảo vệ hệ thống tài chính Mỹ và quốc tế”, ông nói.
Một quan chức cấp cao khác cho biết Tổng thống Trump không có ý định dùng trừng phạt như một công cụ gây áp lực buộc Syria phải bình thường hóa quan hệ với Israel, hoặc tham gia Hiệp định Abraham – thỏa thuận năm 2020 giữa Israel, UAE và Bahrain.
“Muốn họ tham gia, phải khiến điều đó trở nên hấp dẫn về kinh tế, văn hóa và hòa bình”, vị quan chức này nói thêm.
Dù nhiều biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ, sắc lệnh vẫn giữ nguyên trừng phạt đối với cựu Tổng thống Bashar al-Assad, các thân tín và những cá nhân, tổ chức mà Mỹ cho là liên quan đến vi phạm nhân quyền, khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và buôn bán ma túy.
Ngoài ra, sắc lệnh cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ xem xét lại việc Syria có tiếp tục bị coi là “nhà tài trợ khủng bố” hay không, và đánh giá lại việc tổ chức Hay’at Tahrir al-Sham – lực lượng từng lật đổ ông Assad – có còn bị xem là tổ chức khủng bố hay không.