Ông Trần Hồ Bắc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PTSC
Ngày 10/12, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) bổ nhiệm ông Trần Hồ Bắc làm Tổng giám đốc PTSC, thay thế ông Lê Mạnh Cường vừa được điều động làm Phó tổng Giám đốc PVN.
Theo Quyết định bổ nhiệm, ông Trần Hồ Bắc sẽ điều hành PTSC trong thời hạn 05 năm, bắt đầu từ ngày 6/12/2024. Cũng tại buổi lễ, Đảng ủy Tập đoàn Petrovietnam đã công bố Quyết định chuẩn y ông Trần Hồ Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Tổng giám đốc PTSC giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy PTSC nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngoài ra, HĐTV Tập đoàn Petrovietnam ủy quyền cho ông Trần Hồ Bắc, đại diện thực hiện quyền, trách nhiệm của Petrovietnam đối với 15% vốn điều lệ của PTSC thay cho ông Lê Mạnh Cường. Ông Trần Hồ Bắc sẽ là người đại diện theo pháp luật của PTSC.
Ông Trần Hồ Bắc sinh năm 1978, tại Nam Định. Với trình độ chuyên môn là kỹ sư cơ khí, thạc sĩ quản trị kinh doanh, ông Trần Hồ Bắc đã gắn bó với PTSC từ ngày đầu công tác và trải qua nhiều vị trí công việc ở Ban kỹ thuật Sản xuất, Trưởng Ban kỹ thuật sản xuất.
Tháng 8/2018, ông Bắc được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc PTSC và là nhân sự trẻ nhất trong Ban Tổng giám đốc Tổng công ty tại thời điểm đó. Tháng 8/2023, ông được bổ nhiệm lại chức vụ Phó Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2.
Trong thời gian làm Phó Tổng giám đốc, ông Bắc tham gia Tổ tham vấn của PVN về Luật Dầu khí (sửa đổi) cho Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan; tham vấn cho các cơ quan hữu quan về các hoạt động sản xuất, kinh doanh của PTSC, cũng như lĩnh vực dịch vụ ngành dầu khí liên quan đến các hợp tác liên chính phủ và các tập đoàn kinh tế đa quốc gia (bao gồm hợp đồng tổng thầu ở nước ngoài theo đúng thông lệ quốc tế)…
Ngày 1/12 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và PTSC đã tổ chức chuỗi sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC (TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là những sự kiện quan trọng đánh dấu mốc những bước tiến mới không chỉ đối với Petrovietnam, PTSC trong cả lĩnh vực năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí, điện gió ngoài khơi.
Đó là sự kiện PTSC hạ thủy và bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). Đây hợp đồng xuất khẩu chân đế điện gió ngoài khơi giá trị lớn đầu tiên của Việt Nam. Mỗi chân đế cao khoảng 85 mét và nặng khoảng 2.300 tấn, tạo ra hơn 3.000 việc làm với gần 100 nhà cung cấp trong nước.
Cùng ngày, PTSC ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho các khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương với quy mô lớn hơn.
Đơn vị khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 02 tại biển Baltic. Dự án Baltica 02 là một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp điện gió ngoài khơi sang châu Âu.
Ngoài ra, PTSC được trao hợp đồng FSO mỏ Lạc Đà Vàng, Lô 15-1/05 của Murphy Cửu Long Bắc. Các kho FSO (dịch vụ khai thác, cung cấp các kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu thô) của mỏ có sức chứa thiết kế 500.000 thùng dầu thô, dự kiến được đưa vào vận hành vào nửa cuối năm 2026. Trước đó, vào tháng 6/2024, PTSC đã ký hợp đồng tổng thầu EPCIC giàn xử lý trung tâm LDV-A cho dự án này. Dự án LDV-A cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với PTSC M&C khi đây là giàn xử lý trung tâm đầu tiên mà PTSC M&C sẽ tự thiết kế bởi các kỹ sư Việt Nam.
Cũng trong ngày 1/12, PTSC chính thức khởi công xây dựng giàn xử lý trung tâm Lô B - Ô Môn, có giá trị tổng thầu khoảng 1,2 tỷ USD. PTSC đã được giao thầu cho toàn bộ các gói tổng thầu phát triển phần thượng nguồn và trung nguồn (phần đường ống) của dự án. Trong đó, giàn công nghệ trung tâm (CPP) của dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, chạy thử tại Việt Nam.
Về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2024, PTSC ước đạt doanh thu hợp nhất khoảng 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ước đạt khoảng 1.100 tỷ đồng, lần lượt vượt 54,8% và 28,2% so với kế hoạch Hội đồng thành viên Tập đoàn giao, đồng thời hoàn thành kế hoạch quản trị của Tập đoàn.
Ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ cơ khí dầu khí có doanh thu tương đương năm ngoái, tất cả các lĩnh vực hoạt động khác của PTSC đều có sự tăng trưởng. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi tăng trưởng 32% so với năm ngoái. Doanh thu dịch vụ ngoài ngành tiếp tục chiếm tỷ trọng cao. Công tác đầu tư đạt kết quả tích cực, tăng 56% so với năm ngoái.
Kế hoạch trong năm 2025, PTSC dự kiến mục tiêu tổng doanh thu 22.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 40% so với kế hoạch năm 2024. Lãnh đạo PTSC cũng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục định hướng tăng cường đầu tư nên lợi nhuận giữ ở mức độ ổn định.