Ông Lê Văn Minh - Người thương binh 'tàn nhưng không phế'

Dù là thương binh nặng, mất cả hai chân, ông Lê Văn Minh (67 tuổi, ngụ phường Phú Tân, tỉnh Vĩnh Long) vẫn không đầu hàng số phận. Với ý chí 'tàn nhưng không phế', ông vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Hàng ngày, mỗi khi qua lại địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (cũ), nay là xã Phú Túc, phường Phú Tân, tỉnh Vĩnh Long, mọi người thường thấy một người mất cả hai chân ngồi xe lăn bán từng tờ vé số. Đó chính là ông Lê Văn Minh, người thương binh 1/4, đã hơn 30 năm dãi nắng dầm mưa bán vé số để kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà không ỷ lại nguồn trợ cấp của Nhà nước.

Ông Lê Văn Minh cho biết, năm 1980, ông tham gia nhập ngũ tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 8 (Quân khu 9) và làm nhiệm vụ quốc tế tại đất bạn Campuchia. Năm 1985, khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát địa hình, ông chạm phải mìn KB58 và bị mất cả hai chân. Năm 1990, sau thời gian điều trị, an dưỡng theo chế độ chính sách, ông về quê nhà tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) sinh sống và kết hôn với bà Nguyễn Thị Hoàng Trương ở xã Phước Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cũ). Được Nhà nước cấp hơn 1.000 m² đất vườn tại xã Phước Thạnh và xây tặng một căn nhà tình nghĩa, vợ chồng ông Minh có điều kiện ổn định chỗ ở.

Ông Lê Văn Minh dù mất cả đôi chân nhưng đã hơn 30 năm đi bán vé số lưu động để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình

Ông Lê Văn Minh dù mất cả đôi chân nhưng đã hơn 30 năm đi bán vé số lưu động để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình

Là thương binh nặng, mất cả hai chân, việc đi lại, sinh hoạt cá nhân đối với ông vô cùng khó khăn, vất vả. Với nguồn trợ cấp dành cho thương binh 1/4 và người nuôi dưỡng, cũng tạm đủ sinh sống, nhưng ông không bằng lòng với thực tại mà quyết tâm lao động sản xuất để khẳng định, dù “tàn nhưng không phế”. Ông từng xin vào làm công nhân đan dây lát tại Xí nghiệp 30-4 (ở TP. Bến Tre cũ). Khi xí nghiệp giải thể, ông chuyển sang nghề bán vé số lưu động. Lúc đầu, ông sử dụng chiếc xe lăn tay để làm phương tiện hành nghề, sau đó tích góp được tiền và mua được xe lăn chạy điện để giảm vất vả.

Mỗi ngày, ông ngồi trên xe lăn, ngược xuôi khắp các nẻo đường cách nhà trong bán kính nhiều km để bán vé số. Nghề bán vé số lưu động đối với người khuyết tật rất nhọc nhằn, đặc biệt là khi trời nắng gắt hay mưa to, nhưng ông Lê Văn Minh vẫn không nản chí, quyết tâm kiếm tiền bằng lao động chân chính.

Cảm động trước nghị lực vươn lên của ông, người dân trong vùng nhiệt tình ủng hộ, mua vé số giúp ông. Mỗi ngày, ông bán được hơn 300 tờ vé số, thu nhập khoảng 300.000 đồng. Tính cả tiền trợ cấp và tiền bán vé số, mỗi tháng ông Minh có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, với diện tích đất tại nhà, vợ chồng ông trồng dừa xiêm, mỗi tháng thu thêm 2-3 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông hiện rất ổn định, có mức sống cao hơn trung bình khu dân cư.

"Tôi luôn nghĩ rằng, từ trước đến nay, mình phải tự vươn lên, đi làm để ổn định cuộc sống. Nhà nước có hỗ trợ, nhưng bản thân cũng phải chủ động lao động. Đi làm không chỉ để có thêm thu nhập mà còn giúp tôi rèn luyện sức khỏe. Dù cơ thể không còn lành lặn, nhưng tôi không cho phép mình bi quan, tàn nhưng không phế, phải cố gắng tự tạo dựng cuộc sống. May mắn là bà con hàng xóm, người đi đường luôn quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ tôi", ông Lê Văn Minh chia sẻ.

Ở tuổi gần 70 nhưng ông Lê Văn Minh vẫn tích cực lao động để kiếm tiền không thụ động sống nhờ nguồn trợ cấp thương binh

Ở tuổi gần 70 nhưng ông Lê Văn Minh vẫn tích cực lao động để kiếm tiền không thụ động sống nhờ nguồn trợ cấp thương binh

Hình ảnh người thương binh mất cả hai chân vẫn đi bán từng tờ vé số khiến nhiều người dân xứ dừa cảm động và nể phục về ý chí, nghị lực. Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông Lê Văn Minh vẫn vươn lên, kiếm đồng tiền từ sức lao động của mình mà không trông chờ ỷ lại vào chính sách.

Ông Huỳnh Ngọc Quang, người dân địa phương, rất nể phục tấm gương vượt khó của người thương binh loại nặng này: “Anh Minh là thương binh loại nặng, cụt hai chân, nhưng đã vượt khó kiếm tiền bằng việc bán từng tờ vé số để mưu sinh. Tấm gương của anh Minh, tôi rất nể phục, nhất là ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Vì có những người còn tay chân lành lặn mà chưa chắc gì vượt khó được như anh. Qua hình ảnh của anh Minh, tôi có đôi lời nhắn nhủ những người may mắn, tay chân lành lặn cần noi gương anh. Trường hợp này rất cá biệt, tôi rất trân trọng anh Minh”.

Ở tuổi gần 70, sức khỏe người thương binh 1/4 đã yếu, nhưng ông Lê Văn Minh vẫn lạc quan, cùng chiếc xe lăn xuôi ngược trên các nẻo đường. Những tờ vé số ông bán không chỉ giúp ông có đồng huê hồng ít ỏi mà còn là hy vọng mang lại may mắn cho người mua.

“Bây giờ còn sức khỏe thì cứ đi, mưa gió cũng vậy, tôi vẫn đi bán. Tuy có vất vả nhưng mình cố gắng vươn lên, tạo sức mạnh để đi làm. Khi nào tới tuổi, già yếu thì nghỉ ở nhà, chứ bây giờ còn sức khỏe thì cứ đi làm”, ông Minh nói.

Tấm gương vượt khó trên bước đường mưu sinh, lập nghiệp của thương binh Lê Văn Minh ở phường Phú Tân, tỉnh Vĩnh Long, đã khẳng định phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ - một tinh thần, ý chí lao động, tự lực vươn lên, một niềm tin vượt qua nghịch cảnh rất đáng trân trọng và biểu dương.

Chu Trinh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ong-le-van-minh-nguoi-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-post1216732.vov
Zalo