Ong bắp cày có thể 'uống' lượng cồn đến 80% mà không bị 'say xỉn'

Các thí nghiệm cho thấy ong bắp cày phương Đông - sinh sống ở khắp châu Á, châu Phi và châu Âu - có thể 'làm chủ' nồng độ ethanol lên tới 80%.

Ong bắp cày phương Đông có thể đã trải qua quá trình đột biến gen để “có mối quan hệ cùng có lợi” với men và “làm chủ” được rượu. (Nguồn: National Geographic)

Ong bắp cày phương Đông có thể đã trải qua quá trình đột biến gen để “có mối quan hệ cùng có lợi” với men và “làm chủ” được rượu. (Nguồn: National Geographic)

Con người thường uống rượu - có thể uống cho đến say mềm - để vui vẻ và giảm căng thẳng. Nhưng khi động vật “say xỉn,” thì đó là về lượng calo.

Trong tự nhiên, trái cây, mật hoa và các loại thực vật khác có thể tạo ra ethanol khi chúng thối rữa và lên men. Và hàng tá động vật - từ voi châu Phi đến khoảng 55 loài chim - biết rằng thực phẩm lên men là nguồn dinh dưỡng hiệu quả.

Trên thực tế, ethanol chứa hàm lượng calo gần gấp đôi so với đường. Tất nhiên, “nạp” quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

Nhưng cảnh báo này rõ ràng là không dành cho ong bắp cày phương Đông.

Các thí nghiệm cho thấy ong bắp cày phương Đông - sinh sống ở khắp châu Á, châu Phi và châu Âu - có thể “làm chủ” nồng độ ethanol lên tới 80%.

Trong khi đó, hầu hết các loài động vật có xương sống đều bị ảnh hưởng xấu sau khi tiêu thụ nồng độ ethanol trên 4%.

Vậy tại sao những con ong bắp cày này lại có khả năng chịu đựng cao như vậy? Có thể là vì chúng có “mối quan hệ cùng có lợi” với men bia trong tự nhiên - giống với loại mà chúng ta dùng để ủ bia và nướng bánh.

Men không thể tồn tại trong thời tiết lạnh, vì vậy chúng sống và sinh sản trong bụng ong bắp cày trong mùa Đông. Đổi lại, men cung cấp năng lượng cho ong bắp cày bằng cách lên men trái cây mà chúng ăn.

Để thích ứng với các “kỹ năng lên men” của men, ong bắp cày có thể đã tiến hóa để mang nhiều bản sao của một gene có khả năng chịu được rượu - theo nghiên cứu được công bố ngày 21/10 vừa qua trên Biên bản của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.

Có rất nhiều lý do khiến các nhà khoa học nghiên cứu về côn trùng say rượu: Cả côn trùng và các loài linh trưởng có thể đã ăn trái cây lên men trong hàng triệu năm.

“Giả thuyết về khỉ say rượu” cho rằng chế độ ăn giàu ethanol của tổ tiên chúng ta có thể liên quan đến mối quan hệ phức tạp mà con người vẫn duy trì với chất này cho đến ngày nay.

Đó là lý do tại sao hiểu được đặc điểm di truyền của cách ong bắp cày phương Đông tiêu hóa nhiều ethanol có thể dẫn đến phương pháp điều trị tốt hơn cho chứng rối loạn sử dụng rượu - vốn ảnh hưởng đến gần 30 triệu người Mỹ.

Phục hồi “đáng kinh ngạc”

Khi trưởng nhóm nghiên cứu Sofia Bouchebti, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Ben Gurion của Israel, cùng các đồng nghiệp cho hơn 2.000 con ong bắp cày phương Đông ăn dung dịch ethanol giống rượu ngải tây 80%, bà cho biết "chúng không thể bay bình thường hoặc đi thẳng."

Tất nhiên, điều này xảy ra với cả những người [uống rượu] giỏi nhất trong chúng ta. Nhưng điều thực sự khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc là cách côn trùng “hồi” lại sau đó.

“Có lần tôi còn thấy một vài con ong nằm ngửa. Tôi khá chắc là chúng sắp chết, nhưng khi tôi kiểm tra lại sau vài phút, chúng đã hồi phục hoàn toàn” - Bouchebti nói.

 Ba con ong bắp cày phương Đông trưởng thành ăn một quả sung chín - một "nguồn tiềm năng" để sản xuất ethanol tự nhiên. (Nguồn: National Geographic)

Ba con ong bắp cày phương Đông trưởng thành ăn một quả sung chín - một "nguồn tiềm năng" để sản xuất ethanol tự nhiên. (Nguồn: National Geographic)

Điều thực sự đáng chú ý là trong khi ong bắp cày say rượu chuyển hóa ethanol và tiếp tục xây tổ mà không bị ảnh hưởng, thì ong mật châu Âu - được cho chế độ ăn có cồn tương tự - không những không hoạt động mà còn chết trong vòng 24 giờ.

Bouchebti cho biết nồng độ ethanol thấp có lợi cho động vật, nhưng ở nồng độ cao hơn, rượu sẽ trở nên độc hại - như những con ong mật chết cho thấy.

Đây là lý do tại sao các nhà khoa học chỉ sử dụng nồng độ ethanol là 20% trong các thí nghiệm ban đầu của họ - đó là giới hạn mà men bia có thể sản xuất một cách tự nhiên.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên vì không có bất kỳ tác động tiêu cực nào ở nồng độ này, vì vậy chúng tôi quyết định tăng nồng độ để xác định nồng độ tối đa mà ong bắp cày có thể chịu được - kết quả là 80%” - Bouchebti nói.

Bouchebti cho biết: “Điều tôi thực sự muốn hiểu bây giờ là tại sao [ong bắp cày phương Đông] lại thích nghi được với nồng cao như vậy.”

Lý do có thể là việc uống ethanol, có đặc tính kháng khuẩn, có thể giúp côn trùng khỏe mạnh và sạch sẽ - đặc biệt khi ong bắp cày phương Đông thường “nhặt nhạnh” những mẩu thịt thối rữa để làm thức ăn cho ấu trùng của chúng.

Nghiên cứu thú vị

"Thật là một nghiên cứu thú vị!" - nhà côn trùng học Chris Alice Kratzer nói. Bà không hề ngạc nhiên khi một số loài ong bắp cày đã tiến hóa với khả năng chuyển hóa ethanol.

“Nhiều loại trái cây chín vào mùa Thu, trùng với thời điểm đỉnh cao của sự phát triển đàn ong bắp cày ở vùng khí hậu ôn đới” - Kratzer, tác giả của “The Social Wasps of North America” (Tạm dịch: “Những chú ong bắp cày Bắc Mỹ”), cho biết.

“Khả năng hấp thụ chất lỏng từ trái cây thối rữa rất quan trọng đối với sự sống còn của chúng.”

Ong bắp cày là loài côn trùng đặc biệt “khét tiếng,” chúng thường tụ tập trong các vườn cây ăn quả và ăn những quả thối rữa cho đến khi không thể bay thẳng được nữa, thậm chí đôi khi chúng còn đâm vào nhau giữa không trung.

Điều thú vị là ong bắp cày phương Đông dường như làm như vậy mà không hề gây ra nhiều tiếng vo ve - bà Kratzer cho biết./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ong-bap-cay-co-the-uong-luong-con-den-80-ma-khong-bi-say-xin-post995392.vnp
Zalo