Ðoàn Cải lương Hương Tràm - Nỗ lực 'giũa ngọc giữ vàng'

Tìm kiếm những tài năng nhí để đào tạo đã khó, việc giữ lại nhân tài tiếp nối và phát triển nghệ thuật cải lương của tỉnh càng là nỗi trăn trở của Ðoàn Cải lương Hương Tràm ở thời điểm hiện tại.

Trên cơ sở Kế hoạch số 78 của UBND tỉnh năm 2016 về thực hiện Ðề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2030; năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định cho phép Ðoàn Cải lương Hương Tràm (Ðoàn) tuyển sinh đào tạo năng khiếu ở độ tuổi dưới 15. Theo đó, Ðoàn bắt đầu tuyển sinh 6 tháng 1 lần.

Trong quá trình đào tạo vào thời điểm năm 2018, Ðoàn tìm được 3 em, mỗi em được hỗ trợ chi phí 1 triệu đồng/tháng. Từ năm 2018-2023, các em đều ở trong khu tập thể của Ðoàn để vừa học phổ thông, vừa được đào tạo tại chỗ. Ðến năm 2022, có 2 em không thể tiếp tục, còn 1 em đã không còn đam mê nên xin dừng. Công sức đào tạo suốt nhiều năm coi như đổ sông đổ biển. Dù nản đó, buồn đó, nhưng những người làm nghề tâm huyết tại Ðoàn vẫn vực dậy tinh thần, tiếp tục những đợt sàng lọc "tìm kiếm ngọc để giũa".

Trong năm 2024, Ðoàn chiêu sinh được 3 em ở độ tuổi từ 11-12 để đào tạo đến năm 15 tuổi. Cả 3 có điểm chung chính là niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật cải lương khi còn rất bé, nhờ vào sự hun đúc, bồi dưỡng của phụ huynh.

Từ trái qua: Nguyễn An An, Nguyễn Lê Yến Nhi và Huỳnh Nhân Phú, là 3 tài năng nhí đang được Ðoàn Cải lương Hương Tràm đào tạo. (Ảnh Ðoàn Cải lương Hương Tràm cung cấp)

Từ trái qua: Nguyễn An An, Nguyễn Lê Yến Nhi và Huỳnh Nhân Phú, là 3 tài năng nhí đang được Ðoàn Cải lương Hương Tràm đào tạo. (Ảnh Ðoàn Cải lương Hương Tràm cung cấp)

Em Huỳnh Nhân Phú, 11 tuổi, có cha là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Minh Hoàng, không giấu sự hào hứng khi được vào Ðoàn của cha mình: “Mẹ dạy con hát, vì cha bận đi diễn. Con thấy thích cải lương nên mẹ đăng ký cho đi thi. Chúng con được học ca, học cách bắt nhịp với đàn...”.

Cũng xuất thân con nhà nòi, em Nguyễn An An, 12 tuổi, con của Nghệ sĩ Kim Hiền, từ nhỏ đã được đi xem mẹ và các cô chú trong Ðoàn ca diễn nên tình cảm dành cho nghề hát của mẹ cũng dần hình thành và bám rễ vào tâm hồn non trẻ.

An An chia sẻ: “Mẹ tập cho con hát. Con thấy mẹ lên sân khấu rất đẹp. Mẹ hát thì khán giả vỗ tay. Con muốn được như mẹ. Con sẽ ráng cân bằng việc học văn hóa và học cải lương, để sau này theo nghề giống mẹ”.

Trong số 3 tài năng nhí, chỉ có 1 em không ở trong khu tập thể của Ðoàn và cha mẹ cũng không phải nghệ sĩ. Ðó là em Nguyễn Lê Yến Nhi, 12 tuổi. Vì bận việc học nên mỗi tuần cô bé được cha chở từ Rau Dừa (huyện Cái Nước) lên học chỉ 1 ngày, thay vì 2 ngày (thứ Bảy và Chủ nhật) như các bạn khác. Dù nhà xa, nhưng Yến Nhi vẫn cố gắng đến Ðoàn để học và theo kịp tiến độ với các bạn.

Yến Nhi kể: “Các bài ca của thầy cô dạy, con về nhà tập đi tập lại cho thuộc lòng và nhuần nhuyễn. Mẹ con cũng ngồi chỉnh thêm cho con. Con thấy thích cải lương, nhưng việc có theo nghề hay không thì con chưa biết. Cha con nói cứ học, khi lớn, nếu thích thì theo nghề, cha không cấm”.

Tìm được các mầm non kế thừa nghệ thuật cải lương khá khó, sau đó, Ðoàn phải mất thêm 4-5 năm đào tạo với tất cả tình thương và tâm huyết. Một cái khó nữa là, sau khi hết độ tuổi đào tạo (15 tuổi), các bạn nhỏ lại có những suy nghĩ riêng ở tuổi dậy thì, dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, nên việc tiếp tục theo học và giữ lửa với cải lương là hiếm hoi. Khi các em quyết định không theo nghề nữa, Ðoàn cũng phải tôn trọng quyết định, lại tiếp tục hành trình "đãi cát tìm vàng".

NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, không giấu nỗi buồn: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã tìm kiếm và đào tạo được nhiều thế hệ trẻ có giọng hát tốt, nhạy bén với sân khấu... Thế nhưng, việc giữ các bạn lại là không thể, vì không có ràng buộc nào với các bạn về pháp lý. Các bạn không thích nữa thì không thể ép. Bởi vậy, ngay trong khóa mới này, tôi cũng như anh em trong Ðoàn phải truyền tải những gì tinh túy nhất về cải lương, về nghệ thuật để các em hiểu, yêu và “ghiền” cái nghề này như thế hệ cha ông. Có thể trong những buổi biểu diễn, chúng tôi sẽ dành ít phút mở màn để giới thiệu về những nghệ sĩ nhí của Ðoàn để khán giả biết đến các em và biết thêm Ðoàn Cải lương Hương Tràm cũng có chức năng đào tạo, để thu hút nhân tài”.

NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, không giấu trăn trở về thế hệ kế thừa. (Ảnh Ðoàn Cải lương Hương Tràm cung cấp)

NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, không giấu trăn trở về thế hệ kế thừa. (Ảnh Ðoàn Cải lương Hương Tràm cung cấp)

Một trăn trở khác là khi giữ được nhân tài để đào tạo từ độ tuổi 18 trở lên là phải đưa các bạn trẻ theo học ở các trường cao đẳng, đại học... để từ đó thi vào ngạch biên chế Nhà nước, mới có chế độ ưu đãi và điều kiện để gắn kết. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lại chỉ thích ca hát, thay vì chấp nhận vừa học kiến thức vừa học hát.

NSƯT Lịch Sử chia sẻ: “Ðoàn cố gắng hết sức để tìm kiếm tài năng. Thực tế là có nhiều em giỏi, gia đình ủng hộ, Ðoàn tạo điều kiện hết sức. Ðào tạo cực khổ như thế thì phải có hướng đầu ra cho các em, mà đầu ra lại vướng phải cơ chế không mở. Chính các em cũng không muốn là viên chức Nhà nước, mà chỉ muốn hát, có bắt họ đi học cũng không được. Thành phần này lại là cốt lõi. Mục đích hiện tại chúng tôi hướng tới là khi phát hiện năng khiếu, phải cố gắng tạo điều kiện cho các bạn học văn hóa thật tốt”.

Ðào tạo lực lượng kế thừa cho cải lương phải có sự kiên trì, nhẫn nại, luôn gieo những điều tinh túy nhất cho các em để nhân đôi niềm đam mê. Ðể khi 18 tuổi, các em sẽ có được suy nghĩ: Không tình yêu nào bằng tình yêu sân khấu.

Song song đó, NSƯT Lịch Sử cũng đã xây dựng kế hoạch theo lộ trình để có thêm nhiều hướng mở, thu hút nhân lực cho nghệ thuật cải lương: "Tôi rất tâm huyết với vấn đề nhân lực. Bởi sau tôi, Hoa Phượng... thì các em mới chính là thế hệ kế thừa và phát triển Ðoàn Cải lương Hương Tràm. Tôi đang làm từng bước, hy vọng đến khi mình nghỉ hưu sẽ có được lớp nhân tài mới gắn bó và yêu thương cải lương, dốc sức cống hiến cho Ðoàn Cải lương Hương Tràm như thế hệ trước"./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/doan-cai-luong-huong-tram-no-luc-giua-ngoc-giu-vang--a33230.html
Zalo