Ô tô Nga được ưu đãi sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam

Các loại xe và linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy tại Việt Nam của liên doanh với Nga sẽ được ưu đãi thuế nhập khẩu kể từ ngày 6/1/2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 20/2024/QĐ-TTg ngày 21/11/2024 hướng dẫn thực hiện Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, Quyết định số 20/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về quy trình phân bổ hạn ngạch thuế quan, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, mức thuế suất thuế nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch thuế quan và cơ chế phối hợp quản lý giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện cơ chế nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với phương tiện vận tải có động cơ và bộ linh kiện SKD trong khuôn khổ Nghị định thư.

Các liên doanh nằm trong diện được hưởng ưu đãi là pháp nhân được thành lập theo các thỏa thuận được ký giữa các doanh nghiệp được ủy quyền của Liên bang Nga và các doanh nghiệp có quan tâm của Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

 Mẫu xe UAZ Hunter từng được nhập khẩu về Việt Nam vào năm 2017 với giá bán lẻ từ 360 triệu đồng - Ảnh: ĐT

Mẫu xe UAZ Hunter từng được nhập khẩu về Việt Nam vào năm 2017 với giá bán lẻ từ 360 triệu đồng - Ảnh: ĐT

Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ, mỗi doanh nghiệp được ủy quyền của Liên bang Nga chỉ được phép thành lập một liên doanh tại Việt Nam. Phần vốn do các doanh nghiệp Việt Nam trong liên doanh đóng góp phải đạt ít nhất 50% tổng vốn điều lệ của liên doanh. Các liên doanh phải được thành lập và hoạt động trong thời gian ít nhất 10 năm và không quá 30 năm, đồng thời các doanh nghiệp được ủy quyền của Liên bang Nga không được chuyển nhượng vốn trong các liên doanh cho bất cứ bên thứ ba của một nước thứ ba nào.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 3 doanh nghiệp được ủy quyền của Liên bang Nga nằm trong diện thành lập liên doanh tại Việt Nam, bao gồm: Nhà máy sản xuất ô tô GAZ, Công ty Thương mại Quốc tế Kamaz và Công ty Cổ phần đại chúng Ulyanovsky Avtomobilny Zavod (UAZ). Bên cạnh đó là các doanh nghiệp được bổ sung hoặc thay thế theo đề nghị của Bộ Công Thương Liên bang Nga và xác nhận của Bộ Công Thương Việt Nam.

Để được hưởng ưu đãi, các liên doanh sẽ phải đạt được tỷ lệ nội địa hóa theo yêu cầu vào năm 2025. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa của các dòng xe thể thao đa dụng (SUV) của hãng UAZ phải đạt tối thiểu 40%, các loại xe vận tải chở người từ 10 chỗ ngồi trở lệ bao gồm cả lái xe phải đạt 50%, các loại xe tải đạt 45% và xe chuyên dụng đạt 40%.

Quyết định cũng nêu rõ, nếu xe do các liên doanh sản xuất không đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa nêu trên trong vòng 10 năm kể từ ngày 5/10/2016 sẽ bị thu hồi ciấy phép thành lập/đăng ký kinh doanh.

Về thuế nhập khẩu, Quyết định số 20/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ mức thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan là 0% trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện dưới đây:

- Xuất xứ của các phương tiện vận tải có động cơ và xuất xứ các bộ linh kiện SKD do liên doanh nhập khẩu cho lắp ráp công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, nếu được dùng để lắp ráp thành các phương tiện vận tải có động cơ hoàn chỉnh trên lãnh thổ của Liên bang Nga, phải được xác nhận bằng giấy Chứng nhận xuất xứ được cấp có chỉ rõ hàm lượng giá trị gia tăng không ít hơn 55%.

Hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) được tính theo công thức: VAC = ((Trị giá FOB - Trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ)/Trị giá FOB)x 100%. Trong đó, trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ sẽ là trị giá CIF tại thời điểm nhập khẩu nguyên vật liệu tại một bên; hoặc giá mua hoặc có thể trả đầu tiên của nguyên vật liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một bên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến.

Trong lãnh thổ của Việt Nam hoặc Liên bang Nga, khi các nhà sản xuất của hàng hóa mua các nguyên vật liệu không có xuất xứ trong một bên đó, trị giá của những nguyên vật liệu đó sẽ không bao gồm phí vận chuyển, bảo hiểm, chi phí đóng gói và các chi phí phát sinh khác cho việc vận chuyển những vật liệu từ địa điểm của các nhà cung cấp đến nơi sản xuất.

- Tất cả các phương tiện vận tải có động cơ và bộ SKD do các liên doanh nhập khẩu vào Việt Nam phải là những hàng hóa mới, chưa qua sử dụng.

- Các phương tiện vận tải có động cơ do liên doanh nhập khẩu phải được sản xuất chế tạo không quá 2 năm tính đến năm cập cảng hoặc cửa khẩu Việt Nam.

Đối với mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch, trong trường hợp hàng hóa có Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (VN - EAEU FTA), mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan là mức thuế nhập khẩu hiện hành theo cam kết trong Hiệp định VN - EAEU FTA.

Trong trường hợp hàng hóa không kèm theo Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV, mức thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan được xác định theo các quy định về pháp luật thuế có liên quan của Việt Nam.

An Nhi

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/o-to-nga-duoc-uu-dai-san-xuat-lap-rap-tai-viet-nam-post322564.html
Zalo