Ô tô bị hư hỏng do mưa bão, ngập lụt có được bảo hiểm bồi thường?
Mỗi mùa mưa bão đến gần là mỗi lần các chủ xe thấp thỏm lo lắng rằng liệu xe ngập nước, chết máy giữa phố có được bồi thường bảo hiểm hay không.
Việt Nam đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão 2025. Các cơn bão và trận mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường ở các thành phố lớn chìm trong biển nước. Tình trạng ô tô chết máy, ngập sâu, thậm chí hư hỏng hoàn toàn diễn ra ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, không phải chủ xe nào cũng hiểu rõ quyền lợi bảo hiểm trong những tình huống này, đặc biệt là khi phân biệt giữa bảo hiểm bắt buộc và các loại bảo hiểm tự nguyện như bảo hiểm vật chất hay thủy kích.
Phân biệt rõ giữa "bắt buộc" và "tự nguyện"
Theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ, chủ xe ô tô đang tham gia giao thông tại Việt Nam buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Đây là loại hình bảo hiểm được thiết kế nhằm chi trả cho thiệt hại về người và tài sản của bên thứ 3, tức là người khác (trong trường hợp xe gây tai nạn). Ngoài ra, bảo hiểm này cũng bao gồm phần chi trả cho hành khách bị thương vong khi đang ngồi trên xe.

Ô tô bị hư hỏng do mưa bão, ngập lụt có được bảo hiểm bồi thường?
Điều đó đồng nghĩa với việc: nếu ô tô của bạn bị ngập nước, chết máy, thậm chí hư hỏng hoàn toàn trong cơn mưa lớn nhưng không gây tai nạn cho người khác, thì bảo hiểm bắt buộc sẽ không bồi thường cho bạn.
Vậy làm sao để được bảo hiểm chi trả trong những tình huống ngập lụt, thiên tai?
Mưa bão, ngập lụt: Chỉ bảo hiểm vật chất và thủy kích mới chi trả
Để được bảo hiểm bồi thường trong các tình huống xe bị thiệt hại do mưa bão, ngập lụt, chủ xe phải tham gia các loại bảo hiểm tự nguyện, phổ biến nhất là bảo hiểm vật chất xe và bảo hiểm thủy kích.
Các loại bảo hiểm này thường được triển khai dưới dạng gói toàn diện, bồi thường cho chủ xe trong những tình huống như:
- Tai nạn bất ngờ như va chạm, đổ, chìm, rơi xe;
- Thiệt hại do thiên tai như bão, lũ, ngập nước, cây đổ;
- Hỏa hoạn, cháy nổ;
- Mất cắp hoặc mất xe toàn bộ;
- Và đặc biệt là các trường hợp thủy kích, tức nước tràn vào buồng máy khiến xe hư hỏng nghiêm trọng.

Bạn nên mua bảo hiểm vật chất xe và bảo hiểm thủy kích
Các công ty bảo hiểm lớn đều có gói bảo hiểm bao gồm các quyền lợi này. Tuy nhiên, chủ xe cần đọc kỹ hợp đồng, bởi nhiều trường hợp phải mua thêm phụ lục riêng (như điều khoản BS02) mới được bảo hiểm trong trường hợp thủy kích. Đây là chi tiết quan trọng mà không ít người bỏ qua, để rồi sau đó không được bồi thường dù xe bị hư hại nặng do ngập nước.
Theo pháp luật hiện hành, các tình huống được xem là “tai họa bất khả kháng do thiên nhiên” như mưa lớn, lũ lụt, bão sẽ được bảo hiểm vật chất chi trả nếu chủ xe đã tham gia đúng loại hình bảo hiểm.
Nói cách khác, xe bị hư hỏng do mưa bão, ngập lụt hoàn toàn có thể được bồi thường, miễn là:
Chủ xe đã tham gia bảo hiểm vật chất hoặc thủy kích;
Không cố tình điều khiển xe đi vào khu vực ngập sâu khi đã có cảnh báo;
Không tự ý đề máy lại khi xe đã chết máy do ngập;
Tuân thủ đúng quy trình khai báo và yêu cầu bồi thường với công ty bảo hiểm.
Quy trình nhận bồi thường khi xe bị hư hỏng do mưa bão
Khi không may xe bị hư hại trong mưa bão, chủ xe cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:
- Liên hệ ngay với công ty bảo hiểm để khai báo sự cố và yêu cầu cứu hộ, nếu xe không thể di chuyển.
- Chụp ảnh hiện trường rõ ràng, bao gồm tình trạng ngập nước, mức thiệt hại, và vị trí xe.
- Không khởi động lại xe nếu đã chết máy vì điều này có thể khiến thiệt hại nghiêm trọng hơn và bị từ chối bảo hiểm.
- Làm hồ sơ yêu cầu bồi thường, bao gồm các giấy tờ cơ bản như hợp đồng bảo hiểm, đăng ký xe, giấy phép lái xe và biên bản giám định thiệt hại.
- Đưa xe đến gara trong hệ thống liên kết của công ty bảo hiểm, hoặc có thể được hỗ trợ cứu hộ miễn phí tùy gói bảo hiểm.

Các công ty bảo hiểm hiện nay đều rút ngắn quy trình xử lý hồ sơ
Các công ty bảo hiểm hiện nay đều rút ngắn quy trình xử lý hồ sơ và áp dụng hình thức bồi thường tạm ứng trong một số trường hợp khẩn cấp, đặc biệt trong mùa mưa bão cao điểm như hiện nay.
Việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bắt buộc theo luật định, nhưng không đủ để bảo vệ chiếc xe của bạn khỏi những rủi ro do mưa bão gây ra. Do đó, nếu thường xuyên sử dụng xe trong mùa mưa, chủ xe nên chủ động tìm hiểu và đăng ký bảo hiểm vật chất và bảo hiểm thủy kích.