'Nút thắt' cần gỡ cho hàng ngàn căn nhà trên kênh rạch

Giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi là nguyên tắc đền bù theo Luật Đất đai số 31/2024/QH15, trở thành 'nút thắt' trong công tác đền bù, giải tỏa nhất là địa phương đang có hàng ngàn căn nhà trên kênh rạch như TPHCM. Nguyên tắc này không những làm chậm chương trình cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị mà quyền lợi người dân cũng bị ảnh hưởng.

“Khoảng trắng” trong quy định

Với nét đặc trưng đô thị “trên bến dưới thuyền”, nhiều người dân TPHCM từ lâu đã xây dựng nhà cửa cặp theo kênh rạch để thuận lợi cho việc sinh hoạt, đi lại. Theo thời gian, nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, sinh hoạt ngày càng tăng, người dân đóng cừ lấn dần ra mặt nước để mở rộng nhà ở. Trên các tuyến kênh Đôi (quận 8), kênh Tẻ (quận 4), rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp)… đã hình thành dãy nhà nổi kéo dài hàng kilomet. Những căn nhà đứng trên mặt nước đang trở thành “điểm nghẽn” trong công tác cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị.

 Những căn nhà nằm trên rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TPHCM)

Những căn nhà nằm trên rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TPHCM)

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM, chỉ riêng 5 dự án cải tạo kênh rạch thành phố nằm trong chương trình cải tạo, chỉnh trang là rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, bờ Bắc rạch Đôi, kênh Tẻ, kênh Hy Vọng có tổng số trên 6.000 căn nhà phải giải tỏa. Trong đó, tại rạch Xuyên Tâm giải tỏa 2.122 căn nhà và bờ Bắc kênh Đôi giải tỏa 1.578 căn...

Hầu hết nhà trên kênh rạch chỉ có một diện tích nhỏ gắn liền với đất, còn phần lớn đứng trên mặt nước. Khi số nhân khẩu tăng lên, người dân lại đóng cừ, cơi nới mở rộng nhà ra mặt nước bằng những vật liệu thô sơ, tạm bợ. Kết quả kiểm kê của UBND quận 8 tại dự án bờ Bắc kênh Đôi cho thấy, trong số 1.000 căn phải giải tỏa trắng thì có đến 90% không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM), Khoản 2, Điều 91, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 quy định, nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (có hiệu lực từ ngày 1-8 tới), việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Việc giải tỏa, đền bù nhà trên kênh rạch từ lâu đã trở thành vấn đề nan giải đối với TPHCM, nay theo quy định của Luật Đất đai mới, công tác giải tỏa hàng ngàn căn nhà trên kênh rạch không có giấy chứng nhận quyền sử dụng càng khó khăn hơn.

Nghị định cần quy định cụ thể

Thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực vận dụng, đưa ra nhiều quy định để đẩy nhanh công tác đền bù, giải tỏa nhà ở trên kênh rạch. Căn cứ Luật Đất đai số 45/2003/QH13, UBND TPHCM ban hành Quyết định 28/2018/QĐ-UBND (về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM) quy định chi tiết về hỗ trợ đất ở đối với gia đình, cá nhân sử dụng đất lấn chiếm kênh rạch. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đền bù giải tỏa, tái định cư đối với nhà ở trên kênh rạch vẫn chậm, không đúng tiến độ.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo kênh rạch, TPHCM đã dành trên 11.000 tỷ đồng để hỗ trợ đền bù giải tỏa, tái định cư cho 2 dự án rạch Xuyên Tâm và bờ Bắc kênh Đôi.

Mới đây, thành phố mạnh dạn đề xuất thí điểm hộ dân ở trên kênh rạch khi giải tỏa được mua, thuê nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để nhà ở của người dân trên kênh rạch có đủ điều kiện pháp lý và được bồi thường, hỗ trợ hợp lý, Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai số 31/2024/QH15 cần quy định cụ thể hơn.

Theo luật sư Trần Đình Dũng, mặc dù TPHCM đã linh hoạt, chủ động trong ban hành văn bản, áp dụng quy định có lợi để hỗ trợ bồi thường đối với nhà ở trên kênh rạch, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề căn bản về chỗ tái định cư, nơi ở mới. Theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 cũng như Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (mới), để người dân trên kênh rạch có chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ rất khó thực hiện. Gỡ nút thắt này, trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai của Chính phủ sắp tới cần quy định về trường hợp nhà ở, công trình kiến trúc trên kênh rạch, sông hồ (mặt nước) để các tỉnh, thành có cơ sở xây dựng phương án giải tỏa, bồi thường hợp lý.

Luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, thành phố đã nỗ lực để đưa nhà ở trên kênh rạch, không có giấy chứng nhận vào diện được hỗ trợ đền bù khi giải tỏa, nhưng tỷ lệ hỗ trợ còn quá thấp. Theo quy định hiện nay, hỗ trợ đất ở đối với gia đình, cá nhân sử dụng đất lấn chiếm, nếu sử dụng trước ngày 15-10-1993 bằng 40% đơn giá đất ở để tính bồi thường, diện tích hỗ trợ là diện tích đất ở thực tế sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND TPHCM; đất sử dụng từ 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 sẽ được hỗ trợ về đất bằng 30% đơn giá đất ở. Trong khi đơn giá đền bù chưa sát với thị trường, chỉ ở mức 30-40%, nhiều gia đình sống trên kênh rạch khi giải tỏa sẽ không đủ điều kiện để mua nhà, căn hộ, tạo lập chỗ ở mới.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nut-that-can-go-cho-hang-ngan-can-nha-tren-kenh-rach-post747642.html
Zalo