Nuôi tôm cân bằng sinh học, thích ứng với biển đổi khí hậu

Hiện nay, một số nông dân ở tỉnh Sóc Trăng đã thành công với kỹ thuật nuôi tôm theo hướng cân bằng sinh học, không sử dụng hóa chất nhằm làm giảm thiểu tác hại đối với môi trường. Đây là mô hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thách thức của biến đổi khí hậu

Theo đó, nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, sản xuất tôm giống và nuôi tôm công nghiệp thương phẩm ứng dụng công nghệ cao là 2 loại hình có nhiều triển vọng để đưa vùng ĐBSCL đứng đầu cả nước trong chiến lược phát triển ngành hàng tôm. Tuy nhiên, những năm gần đây ĐBSCL đang phải đối mặt với hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế thủy sản của địa phương. Trong đó, đã làm thay đổi các yếu tố môi trường sinh thái của động vật thủy sản ngoài tự nhiên và trong ao nuôi.

Mô hình nuôi tôm cân bằng sinh học của anh Hội giúp tôm nuôi khỏe mạnh

Mô hình nuôi tôm cân bằng sinh học của anh Hội giúp tôm nuôi khỏe mạnh

Bên cạnh đó, người nuôi tôm còn phải đối mặt với tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi. Và giá tôm nguyên liệu giảm mạnh từ đầu năm đến nay đã khiến cho nhiều hộ dân nuôi tôm lo lắng, thâm chí, có người buộc phải “treo ao” chờ giá tôm tăng rồi tính tiếp.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình, tính đến cuối tháng 5.2024 toàn tỉnh đã thả nuôi gần 14.000 ha (giảm hơn 4,6% só với cùng kỳ). Trong đó, diện tích thả nuôi tôm thẻ là hơn 11.000 ha, còn lại là tôm sú. Sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 14.000 tấn, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Theo thống kê, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng 400 ha, chiếm 2,5% so với tổng diện tích thả nuôi và cao hơn 117 ha so với cùng kỳ.

Nguyên nhân thiệt hại là do yếu tố môi trường (chiếm 152 ha), còn lại tôm nuôi mắc các bệnh như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, phân trắng và vi trùng bao tử… Kết quả giám định dịch bệnh trên tôm cũng phát hiện có nhiều ao tôm chết nhanh, chết bất thường có các triệu trứng lâm sang giống bệnh mờ đục trắng gan trên tôm thẻ chân trắng (TPD) khi tôm mới thả nuôi từ 3 – 7 ngày.

Ngoài việc chịu ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường nuôi tôm hay dịch bệnh, người nuôi tôm còn phải đối mặt với với những khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả thị trường tôm nguyên liệu với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan..., và ô nhiễm môi trường, nguồn nước cũng là thách thức lớn đối với người nuôi tôm.

Nuôi tôm cân bằng sinh học

Để thích ứng với thời tiết, người nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng và nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL nói chung đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm và cải tiến quy trình nuôi cho phù hợp với tình hình mới với quyết tâm phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm giúp bảo vệ môi trường nuôi không bị ô nhiễm

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm giúp bảo vệ môi trường nuôi không bị ô nhiễm

Mô hình nuôi tôm cân bằng sinh học, tái tạo môi trường sống, không thay nước, không sử dụng hóa chất có hại cho môi trường như Clorin, kháng sinh của gia đình anh Thái Văn Hội, ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã cho thấy hiệu quả cao.

Anh Hội cho biết, mô hình này đặc biệt chú trong đến quy trình chuẩn bị và khâu xử lý nước, cách ly dịch bệnh hoàn toàn dựa theo quy trình an toàn sinh học. Chủ động triệt tiêu nguyên nhân gây bệnh từ sớm, từ xa có hiệu quả cho tôm nuôi. “Trong bối cảnh dịch bệnh TPD hoành hành trên tôm nuôi, hầu hết các hộ xung quanh tạm nghỉ hoặc treo ao. Bản thân tôi, do thấy lãng phí tài sản đã đầu tư nên đã liên hệ với nhiều kỹ sư chuyên môn và được giới thiệu tham gia “Hội quán sinh hoạt cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm khu vực Sóc Trăng – CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững”, anh Hội nói.

Đồng thời, anh cho biết thêm, sau khi đi tham quan thực tế tại tỉnh Cà Mau, được sự hỗ trợ nhiệt tình và chuyên nghiệp của các kỹ sư phía “CLB nuôi trồng thủy sản bền vững” nên anh đã mạnh dạn bắt tay vào việc, với quyết tâm cải tạo môi trường để áp dụng quy trình nuôi mới, bắt đầu từ khâu chuẩn bị môi trường nước. “Sau khoảng 90 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng 22con/kg, mật độ 60 con/m2 và 33con/kg với mật độ 150 con/m2. Tôi thấy quá bất ngờ và phấn khởi. Khi làm theo quy trình “Nuôi tôm cân bằng sinh học - tái tạo môi trường sống”, tôi rất chủ động trong việc quản lý, xử lý môi trường. Quy trình này giảm công lao động, tiết kiệm nhiều chi phí nên tôi thấy rất yên tâm”, anh Hội chia sẻ thêm.

Ngoài ra, các kỹ sư của “CLB nuôi trồng thủy sản bền vững” còn thường xuyên hỗ trợ anh Hội khâu kiểm tra môi trường bằng các thiết bị đo hiện đại, chính xác giúp anh chủ động phòng ngừa và triệt tiêu nguyên nhân gây bệnh từ sớm từ xa.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tôm nuôi theo quy trình cân bằng sinh học giúp cho tôm nuôi bóng vỏ chắc thịt và có bộ râu dài hơn bình thường. Ngoài ra, quy trình nuôi này còn có nhiều tiện ích, ngoài bổ sung các khoáng chất, vitamin dưới dạng nano giúp tôm luôn hấp thu đầy đủ các khoáng chất cần thiết, thì quy trình nuôi này đặc biệt còn quan tâm đến việc giữ môi trường ổn định tránh gây stress cho tôm.

Anh Hội đang tạt chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước cho tôm nuôi

Anh Hội đang tạt chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước cho tôm nuôi

Theo anh Hội, trước những tác động bất thường của thời tiết đã làm cho môi trường thay đổi quá nhanh khiến tôm nuôi có hiện tượng bị stress, nổi đầu, giảm ăn… Từ khi áp dụng kỹ thuật nuôi mới, anh Hội luôn luôn giữ ổn định môi trường pH. Khi trời mưa lớn anh chỉ cần tạt 1l “BODE Nano siêu hạ phèn” là pH trong môi trường nước sẽ được giữ ổn định trong mưa và sau mưa. Trước đây, để giữ pH ổn định, anh Hội phải sẻ dụng 500kg vôi/1000m3. Việc xử lý này rất vất vả, tốn sức lao động nhưng tác dụng chậm, dẫn đến việc tôm nuôi bị stress.

Đồng thời, trong suốt quá trình nuôi, tôm không bị hiện tượng thiếu khoáng, khoáng BODE - Nano hữu cơ kích hoạt cơ chế hấp thụ kép, hấp thụ qua da và mang kết hợp hấp thu qua đường tiêu hóa. Điều này giúp môi trường nuôi không bị giảm pH, không bị sụt tảo, không xuất hiện nhớt bạt, nấm đồng tiền.

Từ khi anh Hội áp dụng mô hình nuôi này, đã có rất nhiều người đến tìm hiểu, học tập cách nuôi mới của anh Hội. Mục tiêu của anh là giúp người nuôi hướng đến việc ứng dụng, phát triển nghề nuôi tôm có trách nhiệm, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bền vững, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hướng tới mục tiêu nuôi tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế (ASC).

Trần Khải - CTV

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nuoi-tom-can-bang-sinh-hoc-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-218815.html
Zalo