Nuôi sâu canxi - giải pháp tối ưu lợi nhuận trong chăn nuôi

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Chi phí thức ăn tăng cao, ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi và yêu cầu về phát triển bền vững, mô hình nuôi sâu canxi đang nổi lên như một giải pháp hiệu quả giúp nông dân cải thiện thu nhập. Mô hình này không chỉ giải quyết vấn đề thức ăn cho vật nuôi mà còn giảm thiểu rác thải hữu cơ, mang lại lợi ích kép về kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.Một trong những người tiên phong áp dụng mô hình nuôi sâu canxi tại tỉnh Tiền Giang là anh Phạm Văn Ba - một nông dân ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau khi tham gia mô hình nuôi sâu canxi do Ban Quản lý Dự án xử lý rác thải tỉnh Tiền Giang triển khai, anh Ba đã có những trải nghiệm thực tế về mô hình này.

Anh Phạm Văn Ba áp dụng mô hình nuôi sâu canxi làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi, nhằm giảm chi phí thức ăn công nghiệp.

Anh Phạm Văn Ba áp dụng mô hình nuôi sâu canxi làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi, nhằm giảm chi phí thức ăn công nghiệp.

Theo anh, sau gần 2 năm tham gia mô hình, anh đã đạt được những kết quả khả quan. Mỗi đợt nuôi với diện tích khoảng 40 m², với mật độ nuôi sâu canxi bình quân khoảng 100 gram trứng, sau 30 ngày thu được từ 150 - 200 kg sâu canxi trưởng thành.

Lợi thế về năng suất cao, thời gian nuôi ngắn, mô hình nuôi sâu canxi có thể đáp ứng nguồn thức ăn cho chăn nuôi chỉ sau 12 - 14 ngày nuôi và tỷ lệ sinh trưởng của sâu cũng rất nhanh, giúp nông dân giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn thức ăn trong chăn nuôi, đặc biệt là trong các mùa cao điểm. Anh Ba cho biết, mô hình nuôi sâu canxi mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

“Sâu canxi là nguồn thức ăn giá rẻ, bổ dưỡng cho đàn vịt và cá của gia đình tôi, giúp quá trình chăn nuôi dễ dàng hơn, ít bệnh tật. Từ nguồn thức ăn này, tôi đã giảm được khoảng 30% lượng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi năm” - anh Ba chia sẻ.

Không chỉ giảm chi phí, mô hình này còn giúp vật nuôi của anh phát triển nhanh, giúp rút ngắn thời gian nuôi. Trong sâu canxi có thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là protein thô chiếm tới 70% trọng lượng khô của chúng. Đây là một nguồn thức ăn lý tưởng cho gia cầm và thủy sản, giúp vật nuôi có chất lượng thịt thơm ngon hơn so với khi nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.

Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn về giá cả thịt gia cầm hoặc khi cần “neo” đàn chờ giá tốt, việc sử dụng sâu canxi làm thức ăn là giải pháp duy trì, giảm thiểu chi phí nuôi mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của vật nuôi.

Đồng thời, mô hình này không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn, dễ triển khai và không cần xây dựng chuồng trại phức tạp. Nông dân chỉ cần chuẩn bị bể nuôi và có nguồn rác thải hữu cơ là có thể bắt đầu nuôi sâu.

Ban Quản lý Dự án xử lý rác thải tỉnh Tiền Giang đã triển khai tuyên truyền kỹ thuật mô hình nuôi sâu canxi tại 9 xã: Hòa Định, Mỹ Tịnh An, Xuân Đông (huyện Chợ Gạo); Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Phú An (huyện Cai Lậy); Tân Hương, Long An, Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành). Trong đó, Ban Quản lý Dự án đã hỗ trợ cho 112 hội viên, nông dân tiếp cận thực hiện mô hình, kết quả có 105 mô hình nuôi sâu canxi thành công, đạt tỷ lệ trên 93%.

Mặt khác, ưu điểm nổi bật của mô hình nuôi sâu canxi chính là khả năng xử lý rác thải hữu cơ. Với sự gia tăng của các mô hình nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tại các vùng nông thôn, lượng rác thải hữu cơ, bao gồm thực phẩm thừa, các phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi, đang là một vấn đề nan giải.

Tuy nhiên, sâu canxi lại có thể tận dụng chính những nguồn rác thải này làm thức ăn, giúp giảm thiểu đáng kể lượng rác thải; đồng thời biến chúng thành nguồn dinh dưỡng dồi dào cho vật nuôi. Điều này giúp giảm chi phí và tăng năng suất, giá trị thương phẩm cho vật nuôi.

Cán bộ điều phối Dự án xử lý rác thải thuộc Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Đặng Hồng Hà khẳng định, mô hình nuôi sâu canxi đã giúp nhiều hộ dân tại địa phương xử lý lượng rác thải lớn trong chăn nuôi. Mô hình không chỉ góp phần cải thiện năng suất chăn nuôi mà còn làm sạch môi trường xung quanh; đồng thời mang lại nguồn thức ăn an toàn và bền vững cho vật nuôi, giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc sử dụng thức ăn công nghiệp.

“Ông Đặng Hồng Sơn, một nông dân tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho là một ví dụ điển hình. Trước đây, ông làm nghề nuôi cá, nuôi ếch, nhưng sau khi được Ban Quản lý Dự án xử lý rác thải tỉnh, cũng như cán bộ Hội Nông dân các cấp hướng dẫn về mô hình nuôi sâu canxi, giúp giảm phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, nhờ đó tiết kiệm được chi phí và năng suất chăn nuôi cũng tăng lên rõ rệt, cải thiện thu nhập đáng kể” - cán bộ Đặng Hồng Hà cho biết thêm.

Với những lợi ích về kinh tế và bảo vệ môi trường, mô hình nuôi sâu canxi có khả năng trở thành xu hướng phát triển nguồn thức ăn mới trong ngành chăn nuôi. Được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, mô hình đang ngày càng được nhân rộng và áp dụng ở nhiều địa phương, không chỉ cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi tỉnh nhà trong tương lai.

LÊ MINH - T.H

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202411/nuoi-sau-canxi-giai-phap-toi-uu-loi-nhuan-trong-chan-nuoi-1027406/
Zalo