Nước ở trung và hạ lưu sông Cả đang lên, người dân Nghệ An tiếp tục chạy lũ

Sau một đêm trắng chạy lũ, sáng 23/7, nước sông Cả tại các huyện miền núi Nghệ An tiếp tục dâng cao. Ở vùng hạ du các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Cả, chính quyền và lực lượng chức năng khẩn trương di dời người dân cùng tài sản đến nơi an toàn.

Lũ sông Cả tiếp tục dâng ở trung và hạ lưu

Nằm sát sông Cả, xã Tương Dương đang gánh chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng trực tiếp từ việc xả lũ của các nhà máy thủy điện thượng nguồn. Ngay trong đêm 22/7, hàng loạt bản làng ven sông buộc phải di dời khẩn cấp để tránh lũ. Chính quyền địa phương phải họp khẩn xuyên đêm nhằm triển khai các phương án ứng phó.

Người dân xã Mường Xén, Nghệ An đã có một đêm không ngủ. Ảnh: CTV.

Người dân xã Mường Xén, Nghệ An đã có một đêm không ngủ. Ảnh: CTV.

Theo báo cáo nhanh sáng 23/7, toàn xã Tương Dương có 21 thôn, bản bị ngập sâu và bị cô lập hoàn toàn. Chính quyền đã phải tổ chức di dời khẩn cấp 2.210 hộ dân, trong đó có tới 1.738 hộ bị ngập hoàn toàn. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi 3 cây cầu treo dân sinh gồm: cầu Đền Vạn Cửa Rào, cầu bản Chắn và cầu bản Lau. Quốc lộ 7A – tuyến huyết mạch qua địa bàn – bị tê liệt, nhiều đoạn ngập sâu đến 2 mét, giao thông hoàn toàn bị chia cắt.

Ông Lê Văn Lương – Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương – cho biết, lũ trên sông Cả vẫn tiếp tục dâng cao do Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ dự kiến tăng thêm lưu lượng xả lũ. "Người dân lại một lần nữa tất tả di dời lên các khu vực cao hơn. Mục tiêu cao nhất lúc này là đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con. Còn tài sản thì rất khó giữ được, nhiều nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi", ông Lương nói.

Trung tâm xã Tương Dương, Nghệ An bị ngập lụt nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV.

Trung tâm xã Tương Dương, Nghệ An bị ngập lụt nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV.

Tại xã Mường Xén, trong đêm 22/7, người dân cũng khẩn cấp chạy lũ, nhưng nước lên quá nhanh khiến nhiều người không kịp trở tay. Sau 23h, lũ đổ về ồ ạt, nhiều hộ chỉ biết bất lực nhìn dòng nước nhấn chìm tài sản. Đến sáng 23/7, mực nước sông Nậm Mộ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, do nước từ các khe suối tiếp tục đổ về. Thống kê nhanh cho thấy đã có 528 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp.

Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén Nguyễn Viết Hùng cho biết, đến sáng 23/7, đã có 9 khối, bản nằm trong vùng lòng hồ và khu vực hạ du Thủy điện Nậm Mộ bị ngập sâu từ 1 đến 3,5 m. Nhiều bản vẫn đang bị cô lập do sạt lở đường giao thông và nước lũ dâng cao tràn qua mặt đường.

Để đảm bảo an toàn, ngành điện đã chủ động cắt điện toàn xã, trong khi thông tin liên lạc bị gián đoạn nghiêm trọng do mưa lũ kéo dài.

Hàng ngàn hộ dân xã Tương Dương ngập sâu trong lũ. Ảnh: CTV.

Hàng ngàn hộ dân xã Tương Dương ngập sâu trong lũ. Ảnh: CTV.

Cũng theo ông Hùng, toàn bộ hệ thống chính trị và lực lượng tại chỗ đang khẩn trương tỏa xuống các bản làng để hỗ trợ người dân sơ tán người và tài sản. Dự báo lũ còn tiếp tục lên do các thủy điện có khả năng tăng lưu lượng xả, vì vậy công tác ứng phó đang được triển khai quyết liệt, xuyên trưa, xuyên đêm.

Công tác phòng, chống lũ lụt ở các xã miền núi Nghệ An đang diễn ra hết sức khẩn trương, cấp bách. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là giao thông bị chia cắt khiến việc tiếp cận các bản, làng bị gián đoạn. Cùng với đó, điện lưới ở nhiều xã bị cắt tạm thời, thông tin liên lạc gián đoạn… càng khiến công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả thêm phần gian nan.

Quốc lộ 7A lên các xã miền núi Nghệ An bị chia cắt hoàn toàn do lũ. Ảnh: CTV.

Quốc lộ 7A lên các xã miền núi Nghệ An bị chia cắt hoàn toàn do lũ. Ảnh: CTV.

Trung tâm xã Tương Dương sáng 23/7.

Trung tâm xã Tương Dương sáng 23/7.

Trung tâm xã Tương Dương lúc 6h sáng 23/7.

Trung tâm xã Tương Dương lúc 6h sáng 23/7.

Người dân chủ động di dời tài sản lên thuyền tránh lũ.

Người dân chủ động di dời tài sản lên thuyền tránh lũ.

Người dân mang trâu đi chạy lũ.

Người dân mang trâu đi chạy lũ.

9h sáng ngày 23/7, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lũ trên thượng nguồn sông Cả (Nghệ An) đã đạt đỉnh tại trạm Mường Xén và đang có xu hướng giảm.

Cụ thể, đỉnh lũ ghi nhận lúc 1h sáng tại trạm Mường Xén đạt mức 145,89m, vượt báo động 3 khoảng 3,89m và cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2011 khoảng 0,4m.

Trong khi đó, khu vực trung và hạ lưu sông Cả mực nước vẫn tiếp tục lên. Tại trạm Thạch Giám, mực nước lúc 7h sáng đã vượt báo động 3 tới 6,73m, cao hơn đỉnh lũ năm 2018 khoảng 3,91m. Trạm Con Cuông cũng ghi nhận lũ vượt báo động 3 khoảng 2,7m, vượt mức lịch sử năm 1975 khoảng 0,66m. Trạm Dừa đang trên báo động 1 khoảng 0,8m, còn tại trạm Nam Đàn, mực nước vẫn dưới báo động 1.

Dự báo từ nay đến ngày 25/7, lũ hạ lưu sông Cả tiếp tục lên. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ hạ lưu sông Cả tại trạm Nam Đàn lên mức báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt diện rộng kéo dài vùng hạ lưu sông Cả.

Nước về lòng hồ Bản Vẽ vượt tần suất lũ kiểm tra

Sáng 23/7, Công ty Thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) phát đi thông cáo báo chí về việc vận hành hồ chứa để ứng phó mưa lũ do bão số 3 gây ra.

Theo đơn vị này, lũ bắt đầu xuất hiện từ 4h sáng 22/7 với lưu lượng 583m³/s, sau đó tăng nhanh, đạt 1.500m³/s vào lúc 10h. Ngay sau đó, lúc 10h15, công ty nhận được lệnh xả lũ điều tiết từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An xả tràn sáng 23/7.

Thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An xả tràn sáng 23/7.

Đến 16h, hồ bắt đầu xả điều tiết với tổng lưu lượng 845m³/s. Mực nước hồ lúc này đạt 191,23m (vẫn dưới mức đón lũ là 191,5m).

Lúc 2h sáng 23/7, đỉnh lũ về hồ lên tới 12.800m³/s. Thời điểm này, hồ xả 3.285m³/s, cắt giảm tới 74% lưu lượng đỉnh lũ, góp phần hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du.

Việc cắt giảm lũ cho hạ du khiến mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ tăng nhanh, buộc hồ phải chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình.

Tuy nhiên, do vùng hạ du đang ngập lụt nghiêm trọng, công ty đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và đề nghị chuyển sang chế độ vận hành bất thường nhằm hạn chế xả nước, góp phần giảm ngập lụt cho hạ du.

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất Nghệ An và Bắc Trung Bộ, với công suất thiết kế 320MW và diện tích lưu vực trên 8.700 km².

Thông báo nhấn mạnh: "Đây là trận lũ đặc biệt lớn, vượt lưu lượng kiểm tra 10.500 m³/s – tần suất 5.000 năm mới xảy ra một lần. Công ty đã vận hành với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, đồng thời đóng góp quan trọng trong việc cắt giảm lũ cho vùng hạ du".

Theo thông báo khẩn của UBND tỉnh Nghệ An tối 22/7, lưu lượng nước về thượng lưu hồ Bản Vẽ đạt 9.543 m³/s, gần bằng đỉnh lũ kiểm tra 10.500 m³/s.

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp do ảnh hưởng bão số 3, sáng 23/7, tỉnh Nghệ An đã cử 3 đoàn công tác khẩn cấp đến các điểm xung yếu tại miền Tây để chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh trực tiếp có mặt tại xã Con Cuông kiểm tra hiện trường. Hai đoàn còn lại do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cùng Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Quốc Việt dẫn đầu.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh này đã có 1 người chết, 1 mất tích và 1 người bị thương do ảnh hưởng của mưa lũ từ bão số 3.

Hoàng Trinh - V. Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nuoc-o-trung-va-ha-luu-song-ca-dang-len-nguoi-dan-nghe-an-tiep-tuc-chay-lu-169250723113325663.htm
Zalo