Nước hồ Trị An đổi màu do tảo xanh lan rộng

.Hơn 3 tháng qua, mặt nước hồ Trị An thuộc khu vực ấp Bến Nôm, xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai xuất hiện hiện tượng nước đổi màu, mặt nước chuyển sang màu xanh đậm, có lớp màng mỏng như rêu gây tình trạng thiếu oxy trong nước và khi tiếp xúc trực tiếp với nước có thể gây ngứa, dị ứng.

Nước hồ tại khu vực ấp Bến Nôm, xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chuyển màu xanh đậm và nhiều cặn, màng rêu trong nước.

Nước hồ tại khu vực ấp Bến Nôm, xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chuyển màu xanh đậm và nhiều cặn, màng rêu trong nước.

Nguyên nhân chính là do sự phát triển mạnh của tảo xanh – loài sinh vật phù du có khả năng bùng phát nhanh trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài và nguồn nước có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Ghi nhận tại bến cá thuộc ấp Bến Nôm, xã Thống Nhất, mặt nước có màu xanh đậm, trong nước có nhiều lớp màng mỏng và có mùi tanh nồng. Một số ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản lâu năm tại khu vực cho biết, tình trạng này thường xuất hiện bắt đầu từ tháng 5 hàng năm và kéo dài tới khoảng tháng 9 khi mưa nhiều sẽ hết.

Ông Nguyễn Văn Vũ, ngụ xã Trị An, tỉnh Đồng Nai cho biết, tảo xanh thường bắng đầu xuất hiện vào khoảng tháng 5 hàng năm khiến nước hồ chuyển thành màu xanh đậm và có mùi tanh khó chịu. Nhiều ngư dân tại khu vực khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước bị ăn chân tay và gây ra các hiện tượng dị ứng.

“Vào mùa này hàng năm, tôi thường xuyên phải tạm dừng các hoạt động khai thác thủy sản trên lòng hồ, nguyên nhân là do khi da tiếp xúc với nước trong mùa tảo xanh sẽ bị ngứa, gây tình trạng lở loét nên buộc phải tạm ngưng hoạt động đánh bắt cá, khi các vết loét khỏi mới tiếp tục làm lại, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình”, ông Vũ cho biết.

Lớp tảo xanh dày đặc bao phủ khiến nước hồ Trị An tại khu vực ấp Bến Nôm, xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chuyển màu xanh đậm.

Lớp tảo xanh dày đặc bao phủ khiến nước hồ Trị An tại khu vực ấp Bến Nôm, xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chuyển màu xanh đậm.

Ông Trương Hoài Dương, ngụ xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, vào mùa tảo xanh phát triển dày đặc sẽ gây ra tình trạng thiếu ô xy trong nước khiến các loại cá trong hồ phải nổi lên. Tảo xanh chủ yếu phát triển ở vùng nước nông nên những khu vực này các loại thủy sản cũng hạn chế sinh sống, ngư dân phải đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, đâu cũng là hiện tượng tự nhiên xảy ra vào mùa nước cạn, khi nước hồ dâng lên, hiện tượng này cũng tự nhiên biến mất.

Theo ông Lê Thế Việt, Trưởng Phòng Kinh tế xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, hiện tượng tạo xanh phát triển mạnh khiến nước tại khu vực ấp Bến Nôm đổi màu là hiện tượng tự nhiên, thường xuất hiện vào mùa nước cạn từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Tảo xanh chỉ phát triển trong phạm vi hẹp, chủ yếu tại khu vực sát bờ, không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và hệ sinh thái thủy sinh trong khu vực. Những năm gần đây, hiện tượng tảo xanh phủ dày đặc gây đổi màu nước chỉ xảy ra tại khu vực ấp Bến Nôm.

Trưởng Phòng Kinh tế xã Thống Nhất cho biết, thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hiện tượng tảo xanh xuất hiện đã thu hút nhiều người dân và du khách đến tham quan, check in, khám phá hiện tượng tự nhiên này bởi vẻ đẹp hoang sơ và không phải ở đâu cũng có. Chính quyền xã Thống Nhất xem đây là điểm nhấn về cảnh quan thiên nhiên có tiềm năng để khai thác du lịch trong thời gian tới.

Lớp màng rêu dày đặc bám lên da khi ngư dân hoạt động khai thác thủy sản tại ấp Bến Nôm, xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Lớp màng rêu dày đặc bám lên da khi ngư dân hoạt động khai thác thủy sản tại ấp Bến Nôm, xã Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Xã Thống Nhất đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch địa phương gắn với hiện tượng này, đồng thời triển khai các biện pháp hướng dẫn, tuyên truyền người dân để đảm bảo an toàn và giữ gìn cảnh quan. Lãnh đạo xã Thống Nhất khuyến cáo người dân và du khách khi tham quan không nên tiếp xúc trực tiếp với mặt nước nhằm tránh nguy cơ kích ứng da và không làm biến dạng địa hình tự nhiên.

Bài, ảnh: Lê Xuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nuoc-ho-tri-an-doi-mau-do-tao-xanh-lan-rong-20250716170950023.htm
Zalo