Nước đi bất ngờ của Seven & i Holdings
Ban lãnh đạo Seven & i Holdings - công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven - đang khẩn trương triển khai kế hoạch tư nhân hóa bằng cách mua lại cổ phiếu, nhằm tránh bị Alimentation Couche-Tard thâu tóm.
Thời gian vừa qua, thị trường tài chính Nhật Bản chứng kiến cuộc chiến gay gắt giữa các bên nhằm giành quyền kiểm soát Seven & i Holdings - một trong những “đế chế” bán lẻ lớn nhất xứ Hoa anh đào. Trong đó, Alimentation Couche-Tard (ACT) của Canada - công ty mẹ của Circle K - đã đưa ra hai đề nghị chỉ trong thời gian ngắn để mua lại Seven & i Holdings.
Đề nghị mới nhất được ACT gửi cho Seven & i Holdings là trả mức giá 18,19 USD/cổ phiếu, tổng giá trị 7.200 tỷ Yên (khoảng 47 tỷ USD), cao hơn 20% so với mức giá chào mua trước đó cũng như thị giá cổ phiếu hiện tại trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Seven & i Holdings từ chối đề nghị này và cho rằng mức giá đó chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp.
Được biết, năm 2021, Seven & i Holdings đã mua lại Speedway, công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi tại các trạm xăng ở Mỹ, với giá 21 tỷ USD. Seven & i Holdings còn sở hữu nhiều siêu thị, một ngân hàng và chuỗi nhà hàng.
Đối phó với nguy cơ bị thâu tóm, Seven & i Holdings đã lên kế hoạch tư nhân hóa Công ty, thực hiện thông qua một liên minh mới bao gồm gia đình sáng lập Ito, Tập đoàn thương mại Itochu và các tập đoàn tài chính.
Ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Sumitomo Mitsui, Mitsubishi và Mizuho bày tỏ sự quan tâm đến việc tài trợ cho thương vụ tư nhân hóa Seven & i Holdings. Đặc biệt, sự tham gia của Itochu - tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng đối thủ FamilyMart - đã thu hút nhiều sự chú ý. Việc hợp tác giữa hai chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu có thể sẽ tạo ra những sự thay đổi đáng kể trong tương lai.
Ông Naoki Fujiwara, Giám đốc quỹ cao cấp tại Shinkin Asset Management nhận định: “Đây là thời điểm bước ngoặt đối với tương lai của Seven & i Holdings. Việc tư nhân hóa không chỉ giúp Công ty tránh được áp lực thâu tóm từ bên ngoài, mà còn tạo điều kiện để đẩy mạnh cải cách mà không phải lo lắng về những đánh giá ngắn hạn từ thị trường chứng khoán”.
Theo kế hoạch, Itochu, gia đình Ito và các nhà đầu tư hiện tại sẽ đóng góp 3.000 tỷ Yên bằng tiền mặt và vốn chủ sở hữu, trong khi 3 ngân hàng cung cấp nguồn tài trợ tới 6.000 tỷ Yên. Tổng số tiền cho thương vụ tư nhân hóa Seven & i Holdings là 9.000 tỷ Yên (khoảng 58 tỷ USD), lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Thông tin từ NHK cho biết, gia đình Ito, đang nắm giữ 8,5% cổ phần Seven & i Holdings, đã thành lập một công ty đặc biệt để thực hiện kế hoạch chào mua toàn bộ Công ty. Họ đang trong quá trình đàm phán để huy động hơn 8.000 tỷ Yên từ các ngân hàng và tổ chức tài chính, với mục tiêu hoàn tất thương vụ vào cuối tháng 2 của năm tài chính sắp tới, sớm hơn đáng kể so với lịch trình đề xuất của ACT.
Thông tin về kế hoạch tư nhân hóa đã tạo ra làn sóng mua cổ phiếu Seven & i Holdings trên thị trường chứng khoán Tokyo, giúp giá bật tăng 11% trong phiên giao dịch ngày 20/11, trước khi điều chỉnh và đóng cửa ở mức tăng 6,52%.
Một nguồn tin cho hay, sau khi mua lại toàn bộ Seven & i Holdings, các chủ sở hữu mới sẽ triển khai kế hoạch tách mảng kinh doanh 7-Eleven, cửa hàng tiện lợi và trạm xăng khỏi các hoạt động bán lẻ có biên lợi nhuận thấp hơn.
Tại Việt Nam, 7-Eleven xuất hiện cửa hàng đầu tiên từ năm 2017, với sự hợp tác giữa công ty con của 7-Eleven Nhật Bản có văn phòng đặt tại Mỹ và liên doanh mới là Seven System Vietnam.
Tính đến nay, 7-Eleven có hơn 100 cửa hàng tại Việt Nam, tập trung ở TP.HCM. Con số này còn khiêm tốn so với tham vọng mở khoảng 1.000 cửa hàng trong 10 năm của Công ty.
Thời điểm mới ra mắt, 7-Eleven thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam danh mục hơn 100 món ăn và được làm mới mỗi ngày. Chuỗi cửa hàng 24/24 này được kỳ vọng trở thành điểm hẹn ẩm thực mới cho giới trẻ và là địa điểm cung cấp bữa trưa công sở.
Theo ông Ryuichi Isaka, Chủ tịch Seven & i Holdings, định hướng đến năm 2030, Công ty sẽ tăng gấp đôi doanh số lên 197 tỷ USD bằng cách mở rộng ra các thị trường nước ngoài như Việt Nam và Australia. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch lấy lại thế mạnh trong nước bằng các sản phẩm thực phẩm tươi sống để thu hút khách hàng và tăng biên lợi nhuận.