Núi Báo Đông - niềm tự hào dân tộc

Sinh ra và lớn lên từ quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, càng tự hào hơn nơi nuôi dưỡng tôi trưởng thành là mảnh đất Thạch An anh hùng - nơi Bác Hồ 'chống gậy lên non xem trận địa...' trực tiếp ra trận, chỉ huy chiến dịch đánh tan cứ điểm Đông Khê của giặc Pháp, giải phóng đường số 4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: T.L

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: T.L

Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào hệ thống phòng ngự của quân Pháp trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, anh dũng và mưu trí (từ 16/9 đến 14/10/1950), chiến dịch đạt thắng lợi vang dội, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954); đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng.

Khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới 1950 nằm tại Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, cách thành phố Cao Bằng khoảng 60 km đi theo đường quốc lộ số 4. Đây là một khu di tích gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950. Trong quần thể khu di tích có núi Báo Đông là một tọa độ quan trọng, có đóng góp vô cùng lớn cho chiến thắng của Chiến dịch Biên giới 1950, một cứ địa, một vị trí thuận lợi cho sự quan sát và chỉ huy của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với độ cao và địa hình không thể thuận lợi hơn, ở đây có tầm nhìn vô cùng bao quát và rõ ràng phù hợp để quan sát và chỉ huy cuộc chiến, nhận thấy được tiềm năng của vùng núi, Bác Hồ đã trực tiếp quan sát và chỉ huy trong toàn bộ trận đánh ở khu vực này, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất Người trực tiếp ra trận, điều đó khẳng định được núi Báo Đông là một tọa độ vô cùng chiến lược, khẳng định được tầm quan trọng của trận đánh. Nhờ có sự đồng lòng của quân và dân ta và cứ điểm chiến lược nên cuộc tiến công của quân ta thuận lợi giành chiến thắng, tạo tiền đề cho những chiến thắng vang dội sau này.

Người dân Thạch An luôn mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn, không ngại khó, ngại khổ sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, một lòng vì Tổ quốc. Đã có rất nhiều tấm gương anh dũng của người dân tham gia, đóng góp sức mình vào cuộc chiến, tiêu biểu là tấm gương của cụ Nông Thị Nự, thôn Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) - một nhân công hỏa tuyến Chiến dịch Biên giới 1950, thời điểm ấy cụ là một thôn nữ tuổi đôi mươi, trong cao điểm người thanh niên năm ấy đã xung phong tham gia vào trận đánh, với nhiệm vụ vận chuyển gạo, tải đạn viện trợ cho quân ta. Trên tuyến đường gian nan, nguy hiểm đó nhưng những chị em nhân công như chị vẫn luôn vui vẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đã có rất nhiều tấm gương vô cùng anh dũng đã xông pha tham gia chiến dịch. Theo thống kê, thời điểm năm 1950, ở Cao Bằng có đến 78.824 người dân xung phong tham gia chiến sự, điều đó khẳng định rõ sự nhiệt huyết, tình yêu nước của người dân Cao Bằng, đó cũng là nhân tố vô cùng quan trọng, trực tiếp góp sức vào thắng lợi của chiến dịch, khẳng định được vai trò quan trọng của Cao Bằng và Thạch An trong Chiến dịch Biên giới 1950.

Di tích núi Báo Đông thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, xã Đức Long (Thạch An) là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục lịch sử cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng như đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Dưới chân núi Báo Đông hiện còn dấu tích của Sở Chỉ huy chiến dịch, Ban Tác chiến, Ban Quân báo hội họp bàn trận đánh và các khu tổng đài thông tin liên lạc, khu hậu cần phục vụ chiến dịch Biên giới năm 1950. Trên đỉnh núi có cụm tượng đài Bác Hồ đang quan sát, chỉ đạo mặt trận Đông Khê. Để lên được đỉnh núi Báo Đông, du khách phải trải qua gần 1.000 bậc đá. Từ vị trí này, du khách có thể phóng tầm nhìn vào khoảng không gian xanh tươi, ngắm nhìn núi non hùng vĩ, trùng điệp của mảnh đất Thạch An.

Những năm qua, Khu di tích lịch sử Đông khê luôn được nhân dân và chính quyền huyện Thạch An quan tâm gìn giữ và tôn tạo. Là người dân trong vùng di tích lịch sử chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ những di tích lịch sử để lưu giữ mang lại giá trị tích cực hiệu quả nhất, đặc biệt là các bạn trẻ. Mỗi bạn trẻ ngày nay có nhiệm vụ xây dựng ý thức bảo vệ lịch sử và di tích lịch sử dân tộc, luôn mang trong mình niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước, phấn đấu học tập, sẵn sàng cống hiến, bảo vệ Tổ quốc.

Trương Việt Hoàng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nui-bao-dong-niem-tu-hao-dan-toc-3173905.html
Zalo