Nửa thế kỷ đón chồng về đất mẹ

Nửa thế kỷ mòn mỏi trông ngóng, bà Nguyễn Thị Nghị (91 tuổi, trú tại phường An Tường, tỉnh Tuyên Quang) cuối cùng đã được đón chồng - Liệt sĩ Lê Xuân Hạnh trở về đất mẹ thân thương. Khoảnh khắc ấy khiến không ít người rưng rưng với tình yêu son sắt mà bà đã gìn giữ qua biết bao mùa xuân ly biệt.

Tháng Ba, hoa gạo nở rực đỏ trên khắp núi đồi, làng mạc - loài hoa gợi nhớ về những mùa giáp hạt khốn khó ngày xưa. Nhưng với bà Nguyễn Thị Nghị, hoa gạo không chỉ là ký ức đói nghèo, mà còn là dấu mốc của một cuộc chia ly định mệnh, một miền ký ức thiêng liêng và đau đáu. Đó là năm 1968, khi đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, ông Lê Xuân Hạnh như bao thanh niên yêu nước thời ấy không ngần ngại gác lại mái ấm gia đình, tình riêng và cuộc sống bình yên để lên đường nhập ngũ. Khi ấy, vợ ông - bà Nguyễn Thị Nghị đang mang thai người con út, trong khi đã có bốn con nhỏ. Dẫu khó khăn, bà không một lời oán trách, không ngăn cản chồng ra trận.

Bà Nghị lặng lẽ bên tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và Huân chương Kháng chiến hạng Ba của liệt sĩ Lê Xuân Hạnh – người chồng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bà Nghị xúc động kể lại những kỷ niệm về người chồng - liệt sĩ Lê Xuân Hạnh cho hai cháu nghe.

Gạt đi nỗi niềm riêng, bà Nghị ở lại quê nhà, tần tảo chắt chiu từng bữa cơm rau cháo nuôi con, ngày ngày ngóng chờ những cánh thư của chồng từ chiến trường gửi về. Thế nhưng, thư ông Hạnh gửi về ngày một thưa dần, rồi bặt hẳn giữa những ngày chiến sự ác liệt.
Tháng Ba năm 1975, khi hoa gạo nở đỏ bầm như máu dọc khắp các chiến trường, ông Hạnh cùng đồng đội hành quân thần tốc xuôi vào Nam, qua địa phận tỉnh Bình Thuận. Tại đây, đơn vị của ông bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch. Cuộc chiến diễn ra ác liệt và chênh lệch về lực lượng. Trong trận đánh cuối cùng ấy, ông đã anh dũng hy sinh - chỉ chưa đầy một tháng trước thời khắc đất nước hoàn toàn giải phóng.
Bà Nghị cầm trên tay giấy báo tử, ghi dòng chữ: “Liệt sĩ Lê Xuân Hạnh, hy sinh ngày 10-3-1975”. Bà Nghị chết lặng! Nỗi đau như hàng ngàn mũi dao cùng lúc cứa vào trái tim người vợ trẻ và năm đứa con thơ dại. Bà nhìn bé Nam được bố đặt tên trước khi ra chiến trường mà nước mắt cứ trào ra, nghẹn ngào không nói thành lời. Nén chặt nỗi đau, bà Nghị lặng lẽ gồng gánh tháng ngày, một mình nuôi năm đứa con khôn lớn và nuôi cả hy vọng tìm lại phần mộ của chồng.

Bà Nghị nghẹn ngào khi kể về ngày ngày ông Hạnh ra chiến trường.
Manh mối duy nhất bà có chỉ là: ông hy sinh tại mặt trận Bình Thuận, một địa danh xa lạ, mịt mờ đối với người phụ nữ lam lũ cả đời chỉ biết đến nếp nhà đơn sơ, giếng nước, bờ ao, chưa từng một lần bước chân khỏi quê nhà.

Hành trình tìm mộ liệt sĩ Lê Xuân Hạnh là một chặng đường gian nan, kéo dài suốt hàng chục năm. Không quản nắng mưa, gió bụi, mẹ và các con ông rong ruổi từ Bắc chí Nam, đặc biệt là vùng đất lửa Quảng Trị, lặng lẽ đi qua hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ. Từng tấm bia, từng hàng mộ vô danh đều được họ dừng lại dò tìm, lần theo từng manh mối dù nhỏ nhất. Có những chuyến đi ròng rã trong vô vọng, nhưng chưa bao giờ họ có ý định từ bỏ. Anh Lê Xuân Hà – người con trai thứ tư từng sống và làm việc tại Đức – đã quyết định trở về để cùng mẹ tiếp tục hành trình ấy. Anh nghẹn ngào chia sẻ: “Chỉ cần có chút manh mối về mộ phần của bố, dù mong manh đến đâu, anh em chúng tôi cũng sẵn sàng lên đường".

Anh Hà trong chuyến đi vào Bình Thuận tìm mộ cha.
Những chuyến đi triền miên trong khắc khoải trở thành một phần cuộc sống của gia đình bà Nghị, từ người vợ trẻ tiễn chồng ra trận, trở thành người mẹ tảo tần nuôi con, đến khi mái tóc bạc trắng, đôi mắt mờ đục, tấm lưng còng xuống theo năm tháng vẫn chưa một lần ngơi nghỉ niềm mong mỏi. Hy vọng chưa bao giờ tắt trong lòng bà và các con, như ngọn lửa âm ỉ cháy qua mùa đông dài dằng dặc của cuộc đời.
Và rồi, phép màu ấy cũng đến.Năm 2008, trong lúc đi tìm phần mộ gia đình bất ngờ nhận được tin: có một liệt sĩ tên Lê Xuân Hạnh đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc. Tin ấy như tia nắng xuyên qua màn sương dày đặc suốt hơn nửa thế kỷ đợi chờ. Niềm vui vỡ òa, nước mắt tuôn rơi, không ai cầm nổi. Ở tuổi 74, bà Nghị đã dành cả đời mình đi tìm dấu vết người thân yêu nghẹn ngào bật khóc: “Cho mẹ đi cùng, chờ gần nửa thế kỷ rồi... mẹ chỉ mong có ngày hôm nay thôi các con ơi!” Rồi bà quay mặt đi, giấu đôi mắt nhòe lệ vào khoảng trời xanh thẳm, nơi bà tin rằng, người chồng năm xưa vẫn dõi theo từng bước chân gia đình tìm về.

Anh Lê Xuân Hà thắp hương tưởng nhớ cha tại nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn.
Trong cái nắng gắt gao của thành phố biển, dáng bà Nghị liêu xiêu giữa biển trắng mộ phần. Đôi chân đã chẳng còn vững, bước từng bước run rẩy giữa hàng ngàn tấm bia thẳng tắp, đôi mắt mờ vẫn lần tìm phần mộ của chồng. Rồi khoảnh khắc ấy đến khi bàn tay gầy guộc, khô nẻ run run đặt lên tấm bia lạnh khắc dòng chữ “Liệt sĩ Lê Xuân Hạnh” - thời gian như nghẹn lại. Bà òa khóc. Nước mắt không còn trong trẻo, mà mặn đắng tháng năm, mặn cả hạnh phúc lẫn nỗi đau chắt chiu suốt một đời. Hơn nửa thế kỷ, bà mới được chạm vào nơi người chồng thân yêu yên nghỉ.

Năm mươi bảy mùa hoa gạo đã trôi qua. Hôm nay, giữa sắc trời tháng Ba rực đỏ, hoa gạo lại cháy lên như ngọn lửa thiêng - không còn để tiễn biệt, mà để đón người lính trở về. Trở về với đất mẹ, với cội nguồn yêu thương, nơi từng có những cái nắm tay nồng ấm suốt một đời đợi chờ.

Đông đảo Nhân dân cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành đã trang nghiêm có mặt để đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

Lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ Lê Xuân Hạnh và Nghi lễ phủ Quân kỳ được tổ chức trọng thể, thành kính theo nghi thức Quân đội.
Ngày 16 tháng 3 năm 2025, Lễ đón và an táng hài cốt liệt sĩ Lê Xuân Hạnh được tỉnh Tuyên Quang tổ chức trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Đoàn người dài tiễn đưa ông, có lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ban, ngành, lãnh đạo thành phố và đông đảo bà con lối xóm. Những nén tâm nhang được thắp lên, khói hương quyện vào không gian, sưởi ấm linh hồn người lính Cụ Hồ sau bao năm xa cách.
Bên linh cữu phủ lá Quốc kỳ đỏ thắm, bà Nghị không khóc. Không một tiếng nấc. Bà chỉ lặng lẽ quỳ sụp xuống, đôi tay gầy guộc vì tháng năm run run đưa ra, chạm nhẹ vào quan tài như muốn níu giữ chút hơi ấm cuối cùng của người chồng đã rời xa bà gần nửa thế kỷ.

Gia đình bà Nghị cùng các con cháu xúc động tham dự buổi lễ đón hài cốt người chồng - liệt sĩ Lê Xuân Hạnh trở về quê hương.
Sau nửa thế kỷ, hành trình trở về của người lính như một lời nhắc nhở thầm lặng về giá trị của hòa bình, sự hy sinh và lòng thủy chung son sắt. Dưới lòng đất mẹ, ông yên nghỉ giữa vòng tay đồng bào, còn bà Nghị không chỉ là hành trình tìm mộ chồng, mà còn là biểu tượng cho tình yêu, lòng thủy chung và nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam - những người mẹ, người vợ đã gánh cả hậu phương để giữ trọn niềm tin vào ngày toàn thắng.