Nửa đêm, vợ đã làm đúng một việc cứu chồng thoát khỏi 'cửa tử'

Phát hiện chồng đột ngột ngừng thở, vợ nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và qua hướng dẫn của tổng đài, bà cố gắng ép tim ngoài lồng ngực để hồi sức tim phổi cho chồng.

Cận kề cửa tử vì chủ quan

Bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ - Trưởng khoa Cấp cứu, Bênh viện Gia An 115 (TPHCM) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công một trường hợp ngưng tim do nhồi máu cơ tim.

Người đàn ông sinh năm 1972 đươc đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Theo lời kể của vợ bệnh nhân, hai ngày trước ông đã có dấu hiệu đau ngực nhưng chủ quan không đi khám. Tối 19/7, ông than đau ngực nhiều hơn, nên lên phòng ở tầng 3 ngủ sớm. Khoảng 10 phút sau, vợ vào phòng thì phát hiện chồng đã ngưng tim.

Ngay lập tức, người vợ gọi cấp cứu 115 và được tổng đài hướng dẫn cách ép tim ngay tại chỗ. Khi người bệnh đã ngừng tim gần 5 phút, ê-kíp cấp cứu có mặt, hồi sức tim phổi nâng cao cho bệnh nhân. Sau 10 phút, người bệnh có nhịp tim trở lại và được đưa vào viện.

Ê-kíp cấp cứu đến hồi sức tim phổi cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Ê-kíp cấp cứu đến hồi sức tim phổi cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Tuệ, đến hơn 23h, bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu. Tại đây, bác sĩ xác nhận tình trạng nhồi máu cơ tim nặng và chuyển người bệnh vào Hồi sức tích cực.

Đến 22/7, bệnh nhân đã ngưng được thuốc vận mạch, đang thở máy, tri giác chưa cải thiện nhiều, mở mắt tự nhiên, kích thích đau đáp ứng không chính xác, phản xạ yếu. Về vấn đề nhồi máu cơ tim, Khoa Cấp cứu đã hội chẩn Khoa Tim mạch can thiệp điều trị nội khoa vì đã quá chỉ định can thiệp mạch vành.

Không chủ quan với đau ngực

Qua trường hợp này, bác sĩ Tuệ khuyến cáo người dân nếu có cảm giác đau thắt ngực, đặc biệt kèm mệt, khó thở, vã mồ hôi… hãy đi khám ngay, không đợi đến khi quá muộn.

Gọi cấp cứu sớm có thể cứu mạng sống. Trường hợp này người vợ đã làm đúng khi gọi 115 ngay và thực hiện ép tim theo hướng dẫn. Mỗi phút ngưng tim trôi qua, cơ hội sống sót giảm 7-10%. Nếu không được ép tim kịp thời tại nhà, bệnh nhân này có thể đã không qua khỏi.

Bác sĩ Tuệ cho biết mỗi người nên học kỹ năng sơ cứu, đặc biệt là ép tim - CPR. Khi gặp tình huống nghi ngờ nhồi máu cơ tim hoặc ngưng tim, người thân nên gọi ngay 115 để được hướng dẫn sơ cứu ép tim.

Quy trình hồi sức tim phổi (CPR) dành cho người lớn:

1. Kiểm tra an toàn và gọi hỗ trợ

Đảm bảo khu vực xung quanh an toàn cho bạn và người bị nạn.

Kiểm tra xem người đó có phản ứng không: lay nhẹ vai và gọi to. Nếu không có phản ứng, lập tức gọi cấp cứu 115 hoặc nhờ người khác gọi. Nếu có máy sốc tim tự động (AED), lấy ngay để sẵn sàng sử dụng.

2. Ép tim ngoài lồng ngực:

- Đặt người bị nạn nằm ngửa trên bề mặt cứng. Quỳ bên cạnh, đặt gót bàn tay giữa ngực người bị nạn (vị trí dưới đường nối giữa hai núm vú, trên xương ức).

- Đặt bàn tay còn lại lên trên, đan các ngón tay vào nhau. Giữ khuỷu tay thẳng, vai thẳng trên ngực người bị nạn.

- Dùng sức toàn thân (không chỉ tay), ấn mạnh và sâu khoảng 5-6cm, sau đó thả ra để ngực trở về vị trí ban đầu.

- Ép ngực với tốc độ 100-120 lần/phút.

- Tiếp tục ép tim cho đến khi có dấu hiệu hồi phục, xe cứu thương đến, hoặc bạn kiệt sức.

3. Khai thông đường thở

- Đảm bảo đường thở thông thoáng để người bị nạn có thể thở.

- Đặt người bị nạn nằm ngửa, nhẹ nhàng ngửa đầu ra sau và nâng cằm lên (động tác “ngửa đầu - nâng cằm”).

- Lắng nghe tiếng thở trong vòng 5-10 giây. Nếu không nghe thấy hơi thở, chuyển sang hô hấp nhân tạo.

4. Hô hấp nhân tạo (thổi ngạt)

- Sau mỗi 30 lần ép tim, thực hiện 2 lần thổi ngạt.

- Ngửa đầu người bị nạn, nâng cằm, bịt mũi họ bằng hai ngón tay.

- Đặt miệng bạn kín miệng người bị nạn, thổi đều trong 1 giây, quan sát ngực họ phồng lên. Thổi thêm lần thứ hai.

Tiếp tục chu kỳ 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt cho đến khi người bị nạn hồi phục, có hỗ trợ y tế.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nua-dem-vo-nhanh-tri-cuu-chong-thoat-khoi-cua-tu-2424599.html
Zalo