Nữ nhân viên ngân hàng ở Đồng Nai kêu oan trong vụ án lừa đảo hơn 6,1 tỷ đồng

Bị truy tố về tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng', bà Nguyễn Thị Lan Hương, nhân viên tín dụng tại Agribank Tân Phú (Đồng Nai) gửi đơn đến các cấp kêu oan.

“Tôi làm đúng, làm đủ các quy định của pháp luật, thậm chí còn hơn cả phạm vi nhiệm vụ của ngành ngân hàng, nhưng lại bị khởi tố, truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là bị oan. Tôi khẳng định mình không có tội”, bà Lan Hương, không giấu nổi xúc động.

Dùng “sổ hồng" giả chiếm đoạt tài sản

Trong vụ án, bị can Nguyễn Thị Khánh (ngụ xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) giả, chiếm đoạt 6,195 tỷ đồng, có bốn lãnh đạo, nhân viên của Agribank Tân Phú bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự, vì gây thiệt hại cho ngân hàng 3,7 tỷ đồng.

VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành Cáo trạng truy tố các bị can là lãnh đạo, nhân viên ngân hàng về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Ảnh: CTV)

VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành Cáo trạng truy tố các bị can là lãnh đạo, nhân viên ngân hàng về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Ảnh: CTV)

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2022, do cần tiền sử dụng cá nhân, Nguyễn Thị Khánh đã thông qua mạng internet đặt đối tượng không rõ thông tin, lai lịch làm giả "sổ hồng" và sử dụng các "sổ hồng" giả này để chuyển nhượng, thế chấp, vay vốn tại ngân hàng, chiếm đoạt tổng số tiền 6,195 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức.

Riêng đối với Agribank Tân Phú, Khánh sử dụng 16 "sổ hồng" giả, đứng tên Khánh và 15 người khác do Khánh nhờ đứng tên để làm thủ tục vay 3,7 tỷ đồng.

Bà Lan Hương là người được lãnh đạo Chi nhánh Agribank Tân Phú giao tiếp nhận, xử lý 12 hồ sơ vay của Khánh. Các hồ sơ vay còn lại được giao cho 2 nhân viên ngân hàng khác. 12 hồ sơ mà bà Lan Hương tiếp nhận được giải ngân trong thời gian từ ngày 19/4/2022 đến ngày 27/4/2022.

Thời gian đầu, các khoản vay này được khách hàng trả lãi đầy đủ.

Vụ việc chỉ bị phát giác khi ông Đỗ Trí Trung, là 1 trong 12 người mà bà Lan Hương làm hồ sơ vay đến hoàn tất khoản vay, đồng thời nộp hồ sơ xin làm khoản vay mới.

Trong quá trình xử lý hồ sơ cho khoản vay mới này, bà Lan Hương một lần nữa kiểm tra "sổ hồng" trên ứng dụng DNAI.LIS, thì phát hiện sổ hồng đứng tên ông Đỗ Trí Trung đang thế chấp ở một nơi khác.

Ngay khi có thông tin, vào ngày 13/5/2023, Agribank Tân Phú đã cho rà soát lại toàn bộ hồ sơ thông qua ứng dụng DNAI.LIS và phát hiện, các "sổ hồng" liên quan khoản vay của Nguyễn Thị Khánh và 15 hồ sơ vay mà Khánh gửi cho ngân hàng nghi là giả.

Ngày 28/5/2023, Nguyễn Thị Khánh bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bà Lan Hương: Tôi đã làm đầy đủ trách nhiệm

Nói về quy trình thực tế đối với 12 khoản vay do mình được giao nhiệm vụ phụ trách, bà Lan Hương cho biết, sau khi được lãnh đạo phân công, bà đã truy cập ứng dụng DNAI.LIS. Đây là ứng dụng di động do Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai phát triển, nhằm giúp người dân tra cứu thông tin quy hoạch, tình trạng pháp lý của đất đai trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, việc mình bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là oan sai.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, việc mình bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là oan sai.

Sau kiểm tra, bà Hương xác định khách hàng thuộc đối tượng vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55).

Khi được lãnh đạo ngân hàng đồng ý chủ trương cho vay, bà đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại địa chỉ thường trú của khách hàng.

Mặc dù Nghị định 55 không yêu cầu với khách hàng bảo đảm khoản vay bằng “sổ hồng”, nhưng để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, bà Lan Hương vẫn hướng dẫn khách điền đầy đủ thông tin và mang hồ sơ ra UBND xã Núi Tượng ký xác nhận trên các giấy tờ như: xác nhận “sổ hồng”; phương án sử dụng vốn vay; giấy cam kết xử lý tài sản và giấy ủy quyền…vv.

Sau khi hoàn tất các bước trên, bà trình hồ sơ cho bộ phận thẩm định. Các khoản vay sau đó đã được lãnh đạo ngân hàng phê duyệt và tiến hành giải ngân.

Theo cáo trạng, lãnh đạo ngân hàng đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc chỉ đạo nhân viên quan hệ khách hàng kiểm tra thông tin 16 “sổ hồng” tại Văn phòng đăng ký đất đai, cũng như thiếu sót trong quản lý, kiểm tra quy trình cho vay.

Còn đối với 3 nhân viên ngân hàng, trong đó có bà Lan Hương, cáo trạng cho rằng họ đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi không trực tiếp kiểm tra thông tin “sổ hồng” tại Văn phòng đăng ký đất đai, đơn vị có thẩm quyền cung cấp thông tin đất đai, dẫn đến không phát hiện được “sổ hồng” giả. Việc đề xuất cho vay trong trường hợp này bị xem là chưa hoàn thành trách nhiệm, dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng.

Bà Lan Hương khẳng định mình bị oan, bởi bà đã hoàn thành mọi thủ tục, quy trình và làm đầy đủ trách nhiệm công việc được giao.

Theo bà, cả cáo trạng và kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đều xác định, đối tượng và hạn mức cho vay của ngân hàng là đúng với Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết luận giám định cũng xác định quy trình tiếp nhận, kiểm tra, đề xuất, thẩm định và phê duyệt đối với 16 hồ sơ vay là đúng với mức cho vay và biện pháp bảo đảm tiền vay theo Nghị định 55.

Nhưng cáo trạng lại quy kết bà đã không làm hết nhiệm vụ vì đã “không kiểm tra “sổ hồng” tại Văn phòng đăng ký đất đai”?

Trong khi đó Nghị định 55 không bắt buộc ngân hàng hay nhân viên ngân hàng như bà phải thực hiện bước xác minh này. Theo quy định, để đảm bảo khoản vay, khách hàng thuộc đối tượng của Nghị định 55 chỉ cần nộp “sổ hồng” hoặc “giấy xác nhận đất không có tranh chấp” do UBND cấp xã ký.

Theo bà Lan Hương, việc thực hiện quy trình, quy định với các khoản vay là đúng với quy định của ngân hàng và Nghị định 55 của Chính phủ.

Theo bà Lan Hương, việc thực hiện quy trình, quy định với các khoản vay là đúng với quy định của ngân hàng và Nghị định 55 của Chính phủ.

Bà Lan Hương khẳng định, bà đã hoàn thành tất cả quy trình, nhiệm vụ của mình, bao gồm: tiếp nhận hồ sơ ban đầu, kiểm tra thông tin vay vốn, hướng dẫn khách hàng bổ sung hồ sơ và lập đề xuất cho vay theo đúng Nghị định 55.

Còn việc thẩm định cuối cùng để quyết định một hồ sơ có đủ điều kiện vay hay không, không thuộc phạm vi nhiệm vụ của bà.

Luật sư: Một quan hệ dân sự bị “hình sự hóa”

Khi vụ án bị khởi tố điều tra, để giảm thiểu ảnh hưởng đến ngân hàng, những cán bộ ký tên trên các hồ sơ vay đã tự xoay sở tiền để hoàn trả lại số tiền mà Nguyễn Thị Khánh và những người đứng tên khác đã vay của ngân hàng và bị coi là chiếm đoạt.

Nhưng đến ngày 18/10/2024, họ vẫn bị khởi tố, điều tra, bắt tạm giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Luật sư Trần Thái Bình - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, bản chất của các hồ sơ vay là "khoản vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 55". Mục đích Ngân hàng cầm giữ "sổ hồng" của khách là để ràng buộc trách nhiệm của người vay đối với nghĩa vụ trả nợ.

Nếu khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng không có quyền xử lý các "sổ hồng" đang cầm giữ, mà buộc phải khởi kiện ra tòa bằng một vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Khi khách hàng không trả nợ được theo bản án thì ngân hàng có quyền kê biên tài sản để xử lý nợ.

Vẫn theo luật sư Trần Thái Bình, trong vụ án này, hành vi của bà Nguyễn Thị Lan Hương đã bị “hình sự hóa”, vì đây thuần túy là một quan hệ dân sự.

Nhóm PV/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nu-nhan-vien-ngan-hang-o-dong-nai-keu-oan-trong-vu-an-lua-dao-hon-61-ty-dong-post1215143.vov
Zalo