Nữ Giáo sư Fei-Fei Li và hành trình trở thành chủ nhân giải khoa học trị giá triệu USD
Nhà khoa học người Mỹ được mệnh danh là 'mẹ đỡ đầu' của AI, nổi tiếng với đóng góp đột phá trong lĩnh vực thị giác máy tính - Giáo sư Fei-Fei Li (Đại học Stanford, Mỹ) chia sẻ bà rất hạnh phúc khi nhận Giải thưởng Chính VinFuture 2024.
VinFuture 2024 là giải thưởng đầu tiên nhận ra và tôn vinh 3 nền tảng của AI
Không kịp có mặt tại Việt Nam để nhận giải VinFuture 2024, chia sẻ từ quê nhà, Giáo sư Fei-Fei Li cho biết, bà thực sự ngạc nhiên và vinh dự khi đạt giải thưởng khoa học uy tín của Việt Nam.
Sự phấn khích lớn nhất với nhà khoa học này chính là, VinFuture có lẽ là giải thưởng đầu tiên nhận ra và tôn vinh 3 yếu tố quan trọng trong sự phát triển củatTrí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại: Phần cứng, dữ liệu lớn và các thuật toán học sâu. Việc vinh danh các cá nhân đến từ cả 3 lĩnh vực đã khẳng định tầm quan trọng của sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố này.
Giáo sư Fei-Fei Li cho biết, mỗi người trong số các nhà khoa học được vinh danh Giải thưởng Chính VinFuture đều đại diện cho một yếu tố then chốt của công nghệ tính toán quan trọng mà chúng ta gọi là AI hiện đại. Sự đóng góp quan trọng của ông Jensen Huang và NVIDIA trong lĩnh vực phần cứng máy tính đã đặt nền móng vững chắc cho tiến bộ AI.
Trong khi đó, Giáo sư Geoffrey Hinton, Giáo sư Yoshua Bengio và Giáo sư Yann LeCun là những người tiên phong trong nghiên cứu thuật toán học sâu cùng mạng nơ-ron (mạng thần kinh nhân tạo) suốt thập kỷ qua.
"Tôi tự hào khi góp phần đưa dữ liệu lớn vào thế giới AI, trở thành mảnh ghép không thể thiếu giúp định hình bức tranh toàn cảnh này. Giải VinFuture công nhận mạnh mẽ về tầm quan trọng của những đổi mới và khám phá mang lại lợi ích bền vững cho nhân loại. Và tôi tự hào được là một phần của điều đó", Giáo sư Fei-Fei Li bày tỏ.
Hành trình từ một người nhập cư thành nhà khoa học top 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất về AI của Time
Chia sẻ về hành trình từ một người nhập cư trở thành nhà khoa học được vinh danh trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất về AI của Time, Giáo sư Fei-Fei Li cho biết, hồi nhỏ, bà đã rất say mê khoa học và luôn tò mò về cách vận hành của thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề có thể đến từ thử thách của cuộc sống nhập cư, hay thậm chí đơn giản là áp lực học tập, lựa chọn nghề nghiệp, công việc và vô số trở ngại khác.
"Tôi biết ơn những người đã luôn tin tưởng và cổ vũ tôi, giúp tôi biến điều tưởng chừng như xa vời trở thành hiện thực, và cũng tự hào vì đã giữ vững được ngọn lửa đam mê qua bao sóng gió", bà nói.
Chia sẻ về dự án ImageNet và những ảnh hưởng sâu rộng của dự án, Giáo sư cho hay, khi bà và các sinh viên của mình khởi xướng dự án ImageNet - dự án dữ liệu lớn đầu tiên dành cho AI - nhóm không nghĩ đến việc sẽ nhận được giải thưởng hay tạo nên cuộc cách mạng. Thay vào đó, họ tin vào khoa học và trên hết, tin vào sự hiếu kỳ của người làm khoa học.
ImageNet là một cơ sở dữ liệu hình ảnh quy mô lớn chứa một lượng lớn hình ảnh được kiểm soát và chú thích bởi con người. Cơ sở dữ liệu này đã có tác động lớn trong việc thúc đẩy nghiên cứu phần mềm thị giác máy tính.
Giáo sư khẳng định: "Trái tim tôi luôn kiên định trong việc theo đuổi vấn đề cốt lõi: Đó là trí tuệ thị giác thông qua nhận dạng hình ảnh hay nhận dạng vật thể. Cùng với các sinh viên của mình, tôi biết rằng dữ liệu lớn đóng vai trò vô cùng quan trọng, vượt xa mọi tưởng tượng, trong việc thúc đẩy các thuật toán học máy".
Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2024 cho biết, tác động của AI đối với xã hội là vô hạn. AI là công nghệ có thể chạm đến mọi lĩnh vực. AI có thể thay đổi cách chúng ta làm việc và sống, từ hỗ trợ giáo viên làm việc hiệu quả hơn, nâng cao năng lực học tập của học sinh, đến giúp đỡ bác sĩ và y tá giám sát an toàn bệnh nhân, tóm tắt hồ sơ bệnh án, phát hiện thuốc mới.
Bên cạnh đó, AI còn góp phần tối ưu hóa quá trình sản xuất năng lượng hay ứng dụng trong nông nghiệp…
"Tôi cho rằng chúng ta cần nhận thức rõ về tiềm năng to lớn mà công nghệ này mang lại cho toàn nhân loại. Do đó, tôi mong được thấy các quốc gia như Việt Nam đầu tư vào hệ sinh thái AI, bởi đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngày nay. Để làm được điều đó, cần tích hợp AI vào khu vực công, trong giáo dục, đặc biệt là từ cấp tiểu học đến trung học", Giáo sư nói.
Ngoài ra, bà cũng cho rằng, Việt Nam cần có nền văn hóa khởi nghiệp vững mạnh, chính sách kinh tế phù hợp để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong AI. Đồng thời, những biện pháp kiểm soát an toàn cần được triển khai để bảo đảm AI được áp dụng một cách có trách nhiệm, đặc biệt trong lĩnh vực ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của con người.
"AI là công nghệ toàn cầu. Các vấn đề như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ đại dương và tính bền vững… cũng đều là thách thức toàn cầu. Càng hợp tác, càng chia sẻ kiến thức và tài nguyên, chúng ta sẽ càng có lợi thế để cùng hướng tới tương lai thịnh vượng và tốt đẹp hơn", Chủ nhân VinFuture 2024 bày tỏ.