NTK Công Trí bị phát hiện liên quan đến đường dây 'Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy': Hành vi này phải chịu hình phạt ra sao?
Ngày 23/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an phường Tân Hòa (Công an TPHCM) phát hiện Trần Phú Long (36 tuổi) và Nguyễn Công Trí (47 tuổi, thường gọi là nhà thiết kế Nguyễn Công Trí) có liên quan đến đường dây mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước đó, ngày 12/6, Công an TPHCM kiểm tra hành chính căn nhà trên đường Lạc Long Quân (nay là địa bàn phường Tân Hòa, TPHCM), bắt quả tang đối tượng Nguyễn Quốc Trung (SN 1991) có hành vi tàng trữ và mua bán cần sa, cocain.
Trung khai mua bán qua mạng xã hội Telegram/Signal, sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng trung gian. Qua truy xét công an phát hiện các đối tượng liên quan gồm: Phùng Vĩnh Lâm (giao hàng), Nguyễn Đức Trung (mua đi bán lại), Bùi Công Thịnh (giao hàng cho "Chú Tếu"), Cao Thanh Xuân Thảo (sử dụng cần sa).
Mở rộng truy xét đường dây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an phường Tân Hòa, Công an TPHCM tiếp tục phát hiện Trần Phú Long (SN 1989) và Nguyễn Công Trí (SN 1978, nghề nghiệp: thiết kế thời trang – thường được biết đến với tên gọi Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí) có liên quan và cùng nhau sử dụng trái phép chất ma túy vào tối 23/6 tại nhà riêng ở phường Tân Hưng, TPHCM.
Kiểm tra nơi ở của Trí và Long, cơ quan Công an phát hiện nhiều đồ vật nghi vấn như đĩa sứ, tờ tiền cuộn tròn, thẻ nhựa. Tại cơ quan công an, các đối tượng này khai nhận đây là dụng cụ để sử dụng ma túy.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" được coi là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 255 Bộ luật Hình sự.
"Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" được hiểu là việc chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác, hoặc chỉ đạo việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, cũng như tìm người sử dụng chất ma túy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Người thực hiện các hành vi trên theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác cũng sẽ bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Bao gồm: đưa ma túy vào cơ thể người khác, cung cấp ma túy cho người khác sử dụng, chuẩn bị ma túy dưới mọi hình thức (mua, xin, tàng trữ, sản xuất...) nhằm mục đích đưa vào cơ thể người khác, chuẩn bị địa điểm (thuê, mượn, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu hoặc quản lý của mình) hoặc chuẩn bị dụng cụ, phương tiện sử dụng ma túy, và tìm người sử dụng ma túy.
Khung hình phạt cho tội danh này rất nghiêm khắc. Cụ thể:
Từ 2 năm đến 7 năm tù: Đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào.
Từ 7 năm đến 15 năm tù: Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như phạm tội 2 lần trở lên, đối với 2 người trở lên, đối với người từ đủ 13 đến dưới 18 tuổi, đối với phụ nữ có thai, đối với người đang cai nghiện, gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 31% đến 60%, gây bệnh nguy hiểm cho người khác, hoặc tái phạm nguy hiểm.
Từ 15 năm đến 20 năm tù: Nếu gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61% trở lên hoặc gây chết người; gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây bệnh nguy hiểm cho 2 người trở lên; hoặc đối với người dưới 13 tuổi. 20 năm tù hoặc tù chung thân: Nếu gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên; hoặc làm chết 2 người trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vụ án này một lần nữa cho thấy ma túy là tệ nạn xã hội nguy hiểm, có thể xâm nhập vào mọi tầng lớp, không loại trừ bất kỳ ai. Đáng chú ý, nhiều người có học thức, có thành tựu nhất định trong xã hội nhưng lại không làm chủ được bản thân, sa đà vào ma túy, khiến tương lai và sự nghiệp bị hủy hoại.