NSƯT Hoàng Hải 'kể khổ' khi đóng phim chiến tranh

Từ những năm tháng làm phim trong hoàn cảnh thiếu thốn, nguy hiểm đến lúc dòng phim này dần trở lại phòng vé hiện đại, các nghệ sĩ như NSND Lan Hương, Trương Ngọc Ánh, NSƯT Hoàng Hải hay Hồng Ánh đều mang trong mình những trải nghiệm sâu sắc, không thể nào quên.

Dòng phim chiến tranh cách mạng Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975 không chỉ là tài sản nghệ thuật – lịch sử đặc biệt, mà còn là nơi lưu giữ những ký ức sống động của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Trong khuôn khổ hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)”, diễn ra tại Liên hoan phim Châu Á – Đà Nẵng lần thứ III, nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên tiêu biểu đã cùng nhau nhìn lại hành trình gần nửa thế kỷ của dòng phim chiến tranh cách mạng. Từ những năm tháng làm phim trong hoàn cảnh thiếu thốn, nguy hiểm đến lúc dòng phim này dần trở lại phòng vé hiện đại, các nghệ sĩ như NSND Lan Hương, Trương Ngọc Ánh, NSƯT Hoàng Hải hay Hồng Ánh đều mang trong mình những trải nghiệm sâu sắc, không thể nào quên.

Đóng phim chiến tranh cực khổ và nguy hiểm

Trong lớp nghệ sĩ nam từng kinh qua nhiều bộ phim chiến tranh, NSƯT Hoàng Hải là gương mặt tiêu biểu. Anh từng trải qua những ngày quay đầy hiểm nguy – không chỉ trên màn ảnh, mà cả ngoài đời thực.

“Phim chiến tranh là sự cực khổ. Diễn viên nhận vai chiến tranh phải thực sự có tình yêu với nghề. Không chỉ mệt mỏi mà còn rất nguy hiểm. Nhưng chúng tôi làm phim như thắp một nén nhang gửi đến thế hệ cha ông”.

Anh nhớ như in kỷ niệm quay "Những người viết huyền thoại" tại Hà Tĩnh: “Chiều tối hôm đó, người dân vẫn còn đang xem. Có một cụ ông khoảng hơn 80 tuổi hỏi chúng tôi: ‘Làm gì mà nổ kinh thế?’. Chúng tôi trả lời: ‘Chúng con đang làm cảnh vượt qua cung đường chết’. Ông nói: 'Ở đó còn nhiều bom mìn chưa nổ, chỉ cần kích nổ dưới đất là mệt đấy'. Lúc đấy tôi cũng toát mồ hôi, hơi choáng váng”.

Chính những trải nghiệm ấy khiến anh càng trân trọng công sức của cả ê-kíp, và cũng bởi vậy, mỗi lần thấy phim bị lãng quên sau khi hoàn thành, trong anh lại dấy lên cảm giác tiếc nuối khó giấu.

NSƯT Hoàng Hải

NSƯT Hoàng Hải

“Tôi thấy rõ một thực trạng: phim chiến tranh làm rất cực, tốn nhiều công sức, tốn tiền, nguy hiểm nhưng nhiều phim chỉ chiếu vài buổi là đem cất. Tiếc lắm. Người trong nghề hay gọi đó là “phim cúng cụ” – tức chỉ chiếu trong tuần lễ phim, rồi cất kho, không được tiếp xúc với khán giả. Làm cực khổ mà không được đón nhận, thấy tiếc nuối vô cùng”, anh nói.

Tuy vậy, thành công gần đây của "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" hay "Đào, phở và piano" khiến anh khấp khởi hy vọng: “Người xem ùn ùn mua vé – đó là tín hiệu đáng mừng. Quan trọng nhất, sắp tới chúng ta phải làm phim chiến tranh để đến được với khán giả. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của người diễn viên như tôi”.

NSND Lan Hương từng đảm nhận hai vai diễn kinh điển trước và sau thời khắc đất nước thống nhất. Vai diễn đầu đời trong "Em bé Hà Nội" (1974) là dấu mốc đáng nhớ, nhưng chính khi nhìn lại từ "Mối tình đầu" (1977), bà mới cảm nhận rõ sự khác biệt giữa hai thời kỳ.

“Khi so sánh hai bộ phim chỉ cách nhau vài năm, tôi mới cảm nhận được sự khác biệt. Lúc nhỏ, khi tham gia đóng phim, tôi không cảm nhận được gì nhiều”, NSND Lan Hương nói.

NSND Lan Hương

NSND Lan Hương

Bà hồi tưởng, những bộ phim trước năm 1975 mang đậm không khí chiến sự, đến mức gần như ranh giới giữa phim và tài liệu trở nên mong manh: “Phim trước năm 1975 rất thật, sống động, đến mức khán giả thế giới xem còn tưởng là phim tài liệu, y như vừa được quay ngoài chiến trường”.

Trong khi đó, "Mối tình đầu" được làm trong tâm thế khác: “Bộ phim được nhìn bằng con mắt nghệ thuật nhiều hơn, bình tĩnh để làm nghệ thuật, làm phim hơn. Đạo diễn lúc đó nhìn về chiến tranh với con mắt nhân ái và công bằng hơn tất cả rồi”.

Chính sự chuyển mình ấy đã khơi mở cho một giai đoạn mới của dòng phim chiến tranh – trầm lắng hơn, nhân bản hơn.

Với Trương Ngọc Ánh – một trong những diễn viên nổi bật của điện ảnh Việt thời kỳ đổi mới – việc đóng phim chiến tranh là hành trình tái hiện lịch sử bằng xúc cảm và trách nhiệm.

Trong phim "Áo lụa Hà Đông", Trương Ngọc Ánh thủ vai người phụ nữ thời chiến – một vai diễn không có chiến công, không gươm súng, nhưng chất chứa đau thương và sức chịu đựng phi thường.

NSX, diễn viên Trương Ngọc Ánh

NSX, diễn viên Trương Ngọc Ánh

“Áo lụa Hà Đông là bộ phim khai thác những mảnh đời xung quanh cuộc chiến. Khi nhắc đến chiến tranh, người ta thường nói đến bom đạn, chiến công lừng lẫy. Còn tôi thì đóng vai một người phụ nữ thời chiến, chứng kiến những nỗi đau, sự hy sinh phi thường trong thời kỳ ấy”, cô nói.

Với cô, người phụ nữ trong chiến tranh không chỉ là nạn nhân mà còn là người lưu giữ bản sắc văn hóa, giá trị gia đình: “Chiếc áo dài trong phim không chỉ là kỷ vật của một cuộc hôn nhân, mà còn là biểu tượng của phụ nữ Việt qua nhiều thế hệ”.

Cô tin vào sức mạnh của điện ảnh trong việc khắc họa vẻ đẹp thầm lặng đó: “Tôi tin vào sức mạnh của điện ảnh – nó giúp những người phụ nữ sau cuộc chiến không bị lãng quên, những câu chuyện của họ sẽ còn lắng đọng mãi qua từng thước phim”.

Đã đến lúc phim chiến tranh là sản phẩm thương mại

Không sống trong thời chiến, nhưng nghệ sĩ Hồng Ánh đã để lại dấu ấn qua những vai diễn về số phận người phụ nữ trong chiến tranh như "Đời cát", "Người đàn bà mộng du". Câu hỏi “mình chưa từng trải qua chiến tranh thì làm sao nhập vai?” từng khiến chị trăn trở.

“Tôi thuộc thế hệ sinh sau chiến tranh, chưa từng trải qua mất mát trong thời chiến. Vậy vì sao tôi lại có thể thể hiện được những vai diễn như vậy? Đó cũng là câu hỏi lớn khi tôi nhận lời mời vào vai”, cô nói.

Hồng Ánh cho rằng, ký ức không nhất thiết phải đến từ trải nghiệm cá nhân, mà có thể được tiếp nhận qua thế hệ trước: “Cần có ký ức thật xung quanh mình – từ ông bà, cha mẹ, qua những câu chuyện mình được nghe kể. Bằng sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, bằng quan sát, lắng nghe, thấu hiểu, tôi mang cảm xúc đó vào nhân vật”.

Với Hồng Ánh, bản chất phim chiến tranh là câu chuyện về con người – về hạnh phúc, mất mát, tình yêu và sự sống: “Khi bước vào rạp xem phim chiến tranh, tôi luôn có một câu hỏi rất lớn là: vì sao thế hệ ông cha mình lại hy sinh nhiều đến thế? Từ đó, tôi càng thấy mình may mắn, hạnh phúc khi được sống trong hiện tại”.

Diễn viên Hồng Ánh

Diễn viên Hồng Ánh

Cô tin rằng, với thế hệ Gen Z, Alpha, dòng phim này vẫn còn giá trị nếu biết cách làm mới: “Họ cần một cách kể khác – có công nghệ, nhịp phim nhanh hơn, câu chuyện cá nhân rõ nét hơn. Khi họ xúc động, khi họ đồng cảm, tôi tin rằng những câu chuyện về chiến tranh vẫn lan tỏa được”.

Từ góc nhìn của một đạo diễn gắn bó với dòng phim này, NSƯT Đặng Thái Huyền chia sẻ quan điểm tương đồng nhưng đi xa hơn về tư duy và định vị lại thể loại. “Tôi và các đạo diễn vẫn thường nói với nhau rằng: đã đến lúc dòng phim chiến tranh không còn là ‘vùng cấm’ nữa. Không phải là nơi bất khả xâm phạm, mà là một vùng đất màu mỡ – nơi các nhà làm phim có thể đưa ra những góc nhìn cá nhân, quan điểm riêng, chạm tới những góc khuất của cuộc chiến mà trước đây chưa ai khai phá”.

Theo NSƯT Đặng Thái Huyền, hình tượng người lính ngày nay cũng không còn bị đóng khung trong chủ nghĩa anh hùng thuần túy: “Hình tượng người lính trước kia mang tính sử thi rất cao – bất khả tổn thương, bất khả xâm phạm. Còn bây giờ, người lính sau chiến tranh được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau – họ có những mất mát, tổn thương, những hy sinh không chỉ mang tính biểu tượng”.

NSƯT Đặng Thái Huyền cũng cho rằng việc công chiếu phim chiến tranh rộng rãi đã đặt các nhà làm phim vào thế phải “đối thoại sòng phẳng” với công chúng: “Ngày nay, khi phim chiến tranh công chiếu rộng rãi đến công chúng, buộc chúng ta phải đặt nó vào thế đối thoại sòng phẳng với khán giả. Phim là một sản phẩm thương mại, có thể bán vé, lưu hành – và sẵn sàng đón nhận phản ứng từ khán giả. Họ có thể thích, có thể không thích, có thể phản biện. Và nhà làm phim phải chấp nhận điều đó”.

Với đạo diễn Đặng Thái Huyền, sự đối thoại đó chính là tiền đề để dòng phim chiến tranh tiếp tục sống, tiếp tục thay đổi: “Tôi nghĩ, chính sự đối thoại sòng phẳng với khán giả ấy sẽ tạo cơ hội cho những người làm phim chiến tranh như chúng tôi có thể làm ra những tác phẩm tốt hơn”.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền nhớ mãi lời thầy dạy khi còn là sinh viên điện ảnh: “Làm phim, trước hết phải chọn đề tài mình thích. Chỉ khi mình thích, mình mới có thể truyền được tình yêu đó đến khán giả.” Và ở thời điểm hiện tại, chị cho rằng mình “đã làm được 50% điều thầy mong muốn” – nghĩa là: “Tôi đang làm những điều tôi thích, và đồng thời cũng hướng tới điều khán giả mong muốn”.

Không giấu kỳ vọng, đạo diễn Đặng Thái Huyền khẳng định: “Chúng tôi – những người làm phim về chiến tranh – đang muốn dòng phim cách mạng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ – những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, mang trong mình tư duy rất khác. Chúng tôi muốn đối thoại với họ”.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/nsut-hoang-hai-ke-kho-khi-dong-phim-chien-tranh-post1211792.vov
Zalo