NSND TRỌNG PHÚC: Cánh chim không mỏi

Anh được yêu mến vì nhân cách và sức bền bỉ của người nghệ sĩ luôn dấn thân, cống hiến

Trong dòng chảy lịch sử của sân khấu cải lương hơn 100 năm, không ít nghệ sĩ đã để lại dấu ấn sâu đậm bằng tài năng và sự tận hiến không mỏi mệt. Giữa những tên tuổi ấy, NSND Trọng Phúc là trường hợp đặc biệt - một nghệ sĩ bước ra từ gian khó, từng bước khẳng định mình bằng chính giọng ca, nhân cách và tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật dân tộc.

Bền bỉ phấn đấu

Ít ai biết rằng người nghệ sĩ tài danh hôm nay từng có những năm tháng lặng lẽ, âm thầm làm công việc xếp ghế cho khán giả tại sân khấu Thảo Cầm Viên. Đảm nhận công việc "hát lót" giữa các chương trình ca nhạc hội chợ, Trọng Phúc khi ấy chỉ có đúng một bộ veston, vừa để đi hát vừa để biểu diễn.

Từ những ngày tháng không có gì ngoài đam mê, Trọng Phúc bén duyên với dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca. Anh được xem là phát hiện mới sau những đàn anh nổi danh như: Đình Văn, Ngọc Sơn, Tô Thanh Phương, Đào Đức... Các album nhạc do Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông phát hành đã trở thành cầu nối đưa giọng hát trầm ấm, mộc mạc nhưng sâu lắng của anh đến với trái tim công chúng khắp nơi.

Sau đó là những chuyến bay xa đưa tiếng hát đến với khán giả kiều bào tại các quốc gia có đông người Việt sinh sống, đến đâu anh cũng nhận được sự yêu thương của công chúng. Từng xem anh diễn vở "Bên cầu dệt lụa", "Ngao Sò Ốc Hến" tại Nhà hát Charenton Paris (Pháp), tôi cảm nhận được sự mến mộ của đông đảo kiều bào dành cho anh. Đáp lại sự yêu mến ấy của họ là sự khiêm tốn, nhã nhặn và tinh thần cầu thị của người nghệ sĩ này.

NSND Ngọc Giàu nhận xét: Có thể nói âm nhạc chỉ là bước khởi đầu. Trọng Phúc dường như vẫn chưa tìm thấy "mảnh đất sống" đích thực cho ngọn lửa nghệ thuật trong tim mình. Cho đến khi dấn thân vào con đường làm kép hát, Trọng Phúc mới thật sự tỏa sáng.

NSND Trọng Phúc tặng quà cho các hộ nông dân nghèo tại Gia Lai trong chuyến về nguồn do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM tổ chức

NSND Trọng Phúc tặng quà cho các hộ nông dân nghèo tại Gia Lai trong chuyến về nguồn do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM tổ chức

Tỏa sáng theo cách riêng

Nghệ thuật cải lương đã mở ra một cánh cửa khác, nơi Trọng Phúc tìm thấy bản ngã sáng tạo. Với chất giọng trầm ấm, mượt mà như suối ngầm, cùng khả năng diễn xuất giàu nội tâm, Trọng Phúc dần trở thành một "nhân tố riêng biệt" trên sân khấu cải lương sau năm 1975.

Thật vậy, khó có thể nhầm lẫn giọng ca của anh với các nghệ sĩ khác - đó là giọng ca của sự trải nghiệm, của tinh thần dấn thân với nghề, vừa hào sảng vừa da diết, vừa bình dị mà cũng rất mực sang trọng. Sinh thời, cố NSƯT Thanh Sang, khi xem Trọng Phúc diễn vai Trần Minh - vai để đời của ông trong vở "Bên cầu dệt lụa" - đã tấm tắc khen: "Sàn diễn cải lương đã có một hậu bối mà tôi trân quý".

Trong sự nghiệp hàng trăm vai diễn, Trọng Phúc đã hóa thân thành đủ kiểu nhân vật - từ những chàng trai miền quê chân chất đến các nhân vật lịch sử, đặc biệt là những con người sinh ra trong bối cảnh chiến tranh, nơi bi kịch và lý tưởng giao thoa trong một nốt nhạc dài của thân phận. Khán giả nhớ nhất anh diễn vai Sáu Thành trong vở "Chiến binh" và vai bộ đội Liêm, yêu nồng nhiệt, hăng say nơi chiến trường trong vở "Tình yêu thời chiến" - một bản dựng đẹp của NSND Trần Ngọc Giàu, một tác phẩm mới hiếm hoi trong giai đoạn khan hiếm kịch bản của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Chính từ những vai diễn ấy, anh trở thành gương mặt không thể thiếu khi nhắc đến những thành tựu của cải lương hiện đại. Sự nghiêm túc, tính bền bỉ trong nghề của anh không chỉ tạo nên những nhân vật sống động, mà còn truyền cảm hứng cho lớp nghệ sĩ trẻ - những người nhìn vào Trọng Phúc để hiểu rằng nghệ thuật không chỉ là ánh đèn sân khấu, mà là hành trình vượt khó bằng niềm tin và sự tử tế với nghề.

Với vai trò giám khảo nhiều mùa của cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" - một sân chơi uy tín nhằm phát hiện những giọng ca triển vọng cho sân khấu cải lương - NSND Trọng Phúc luôn mang đến sự công tâm, tinh tế và đầy khích lệ. Anh không chỉ đánh giá về giọng ca mà còn nhìn thấy tiềm năng, cá tính nghệ thuật của từng thí sinh để từ đó giúp họ phát huy sở trường, khắc phục điểm yếu. Anh còn tham gia Hội đồng Nghệ thuật cuộc thi Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền - Cần Thơ.

Chia sẻ về vai trò "người thầy" của mình, anh từng nói: "Mỗi gương mặt trẻ bước ra từ "Chuông vàng vọng cổ" như một mầm non mới của sân khấu. Đi lên từ gian khó, nên tôi hiểu rõ giá trị của niềm tin và cơ hội. Được thấy các em trưởng thành từng ngày là điều khiến tôi hạnh phúc".

Câu nói ấy cũng như cách anh đồng hành lặng lẽ cùng thế hệ kế cận đã chứng minh rằng Trọng Phúc không chỉ giữ lửa cho riêng mình, mà còn truyền lửa cho thế hệ đi sau - những người đang đi trên con đường nghệ thuật đầy chông gai.

Chân dung NSND Trọng Phúc

Chân dung NSND Trọng Phúc

Sống trọn vẹn với nghề

Hiện nay, NSND Trọng Phúc đang dồn tâm huyết cho vai diễn mới - người soạn giả cách mạng trong tác phẩm cải lương "Lửa Sài Gòn", một vở diễn trọng điểm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng, vở diễn là một bức tranh sống động về tầng lớp nghệ sĩ - chiến sĩ trong kháng chiến, những người dùng lời ca, tiếng hát để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.

Trong "Lửa Sài Gòn", Trọng Phúc không chỉ diễn vai một người viết tuồng mà như thể anh đang kể lại chính hành trình của bản thân: Người nghệ sĩ cả đời đi tìm cái đẹp, đi qua những đoạn đường gập ghềnh của số phận để giữ vững niềm tin vào sân khấu dân tộc. Giọng ca của anh - khi cất lên trên nền nhạc ngũ cung và tiếng đờn kìm - không đơn thuần là âm thanh, mà là chứng tích của một thời, một thế hệ, một lý tưởng đáng trân quý khi nhìn lại cột mốc 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NSND Trọng Phúc còn tích cực tham gia các hoạt động về nguồn, gắn kết giữa nghệ thuật và truyền thống uống nước nhớ nguồn. Mới đây, anh vừa cùng 100 văn nghệ sĩ TP HCM tham gia chuyến hành trình "Theo dấu chân Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975" - một chuyến đi nhiều cảm xúc do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM tổ chức. "Tận mắt chứng kiến những dấu tích của một thời máu lửa, tôi càng thấm thía vì sao chúng ta phải giữ gìn cải lương - một loại hình nghệ thuật đã đồng hành với dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước. Cải lương không thể tách rời lịch sử, vì bản thân nó đã là lịch sử sống. Chuyến đi đã cho tôi chất liệu để sáng tạo vai diễn người soạn giả trong vở "Lửa Sài Gòn" - NSND Trọng Phúc chia sẻ.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhận xét: "NSND Trọng Phúc là minh chứng sống cho giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương, một loại hình nghệ thuật cần trái tim yêu thương và lòng kiên trì hơn bất cứ điều gì khác. Ở thời điểm mà sân khấu truyền thống gặp nhiều thách thức, hình ảnh một Trọng Phúc lặng lẽ bước lên sàn diễn mỗi tối như một lời khẳng định: cải lương vẫn sống, vẫn đẹp, vẫn có người dám sống vì nó.

Và "Lửa Sài Gòn" - vai diễn mới của anh - chính là ánh lửa được tiếp tục thắp lên từ những ngày đầu gian khó. Một ngọn lửa không tắt. Một người nghệ sĩ không mỏi. Một dòng chảy nghệ thuật vẫn âm ỉ cháy, rực rỡ và bền lâu như chính tâm huyết của NSND Trọng Phúc.

Trọng Phúc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân không chỉ vì tài năng, mà bởi anh là một hình mẫu nghệ sĩ sống trọn vẹn. Anh không phô trương, không ồn ào, không tạo sóng bằng thị phi, mà bền bỉ giữ nghề như giữ một ngọn lửa thiêng. Trên sân khấu, anh là vai diễn; ngoài đời, anh là người anh, người thầy, người đồng nghiệp hiền hòa, tận tụy được mọi người yêu mến.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nsnd-trong-phuc-canh-chim-khong-moi-196250705201921937.htm
Zalo