Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế

Đất nước đang bước vào vận hội mới khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và nông dân vẫn làm trung tâm, nông nghiệp làm động lực, nông thôn là nền tảng.

Đường giao thông về xã nông thôn mới kiểu mẫu Hòa Tú 1 (Cần Thơ). Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN

Đường giao thông về xã nông thôn mới kiểu mẫu Hòa Tú 1 (Cần Thơ). Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN

Trong đại dịch COVID-19 và sau đại dịch với hậu quả kéo dài, nếu không có nông nghiệp sẽ khó có thể giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là bảo đảm lương thực, thực phẩm trong lúc khó khăn.

Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới có 79% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên, hiện nay còn nhiều vùng có tỉ lệ nghèo trên 50%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2030 đặt mục tiêu đầu tư xây dựng nông thôn mới, đảm bảo triển khai hiệu quả các chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kết quả thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, được người dân đồng thuận cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; điều kiện sống người dân cải thiện rõ nét, nhất là các địa bàn khó khăn; hạ tầng nông thôn phát triển đồng bộ, dịch vụ thiết yếu được mở rộng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, góp phần thu hẹp khảng cách phát triển và chênh lệch vùng miền.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình linh hoạt, tăng cường phân cấp cho địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu - nguồn lực - tổ chức thực hiện; công tác truyền thông, giám sát, phản biện được chú trọng, đã tiếp cận các xu thế phát triển mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, du lịch nông thôn, dinh dưỡng, đào tạo nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030.

Mặt khác, các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", cuộc vận động "Toàn dân xây dựng nong thôn mới, đô thị văn minh"… có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, đã có hàng triệu hộ dân tự nguyện hiến hơn 98,2 triệu m² đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và ngày công xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống đường giao thông đồng bộ tại xã Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Hệ thống đường giao thông đồng bộ tại xã Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh cho rằng: Hai chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo nói chung trên địa bàn cả nước, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với hai Chương trình mục tiêu quốc gia này, tỉnh Tuyên Quang thời gian qua đã quyết liệt chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, thành lập các ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phân bổ vốn, huy động các nguồn lực tại địa phương, tổ chức triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, người dân sinh sống ở những vùng xa xôi, nền kinh tế xuất phát thấp và nguồn lực của địa phương hạn chế. Vì vậy, tổng kết 5 năm vừa qua, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn khiêm tốn và cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để đạt được mục tiêu đề ra...

Về định hướng chương trình giai đoạn 2026 - 2035, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới hiện đại, toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao thu nhập, chất lượng sống và khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người dân nông thôn, từng bước tiệm cận mức sống đô thị; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, đậm bản sắc văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; hình thành cộng đồng nông thôn văn minh, nhân văn, gắn kết và hạnh phúc.

Cả nước phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân từ 1 đến 1,5%/năm, xã nghèo giảm ít nhất 3%/năm. Đến năm 2030, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 35% số xã nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 10% số xã nông thôn mới hiện đại. Cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí nông thôn mới. Có khoảng 6 - 8/34 đơn vị cấp tỉnh được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mưới, trong đó, có 2 - 3 đơn vị cấp tỉnh được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, có được kết quả trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", đó là sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. Phong trào phải thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với làm tốt công tác chăm lo an sinh xã hội, tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua; sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong tổ chức, triển khai phong trào thi đua với tinh thần huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt thì nơi đó phong trào thi đua thực sự hiệu quả, thiết thực và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thời gian tới các địa phương cần làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và nhân dân, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tổ chức phong trào thi đua cần có tiêu chí thiết thực, cụ thể, nội dung trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, là động lực của phong trào thi đua, phù hợp với tình hình thực tiễn của bộ, ban, ngành, địa phương; thường xuyên đối mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình tố chức triển khai thực hiện nhằm huy động đông đảo các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua, kịp thời nắm bắt những kiến nghị, đề xuất, phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, lập được thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả lan tỏả sâu rộng trong cộng đồng và xã hội.

Cả nước phấn đấu đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2030; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn quốc giảm còn dưới 1%. Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới hiện đại. Có khoảng 12 - 14 đơn vị cấp tỉnh được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó có 50% đơn vị cấp tỉnh được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại.

V.T/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nong-nghiep-van-la-tru-do-cua-nen-kinh-te-20250721105139303.htm
Zalo