Nông nghiệp 'cất cánh' từ tư duy hội nhập
Từng đối mặt với không ít rào cản từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tư duy canh tác manh mún, đến thị trường tiêu thụ bấp bênh, tuy nhiên những năm qua, Đồng Tháp đã mạnh dạn chọn hướng đi đột phá, chủ động hội nhập quốc tế để tiếp cận tri thức, kỹ thuật và tư duy nông nghiệp mới... Sự chủ động này giúp nông dân các xã thuần nông đang thay đổi tích cực lên từng ngày.

Đoàn công tác của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đến thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Quý
Nông dân “Tư duy toàn cầu”
Mỹ Thọ là xã nằm ở ven sông Tiền của tỉnh với thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Hướng đến khai thác giá trị ngành hàng chủ lực, Tổ nông dân PGS - chuyên trồng xoài theo hướng hữu cơ có buổi họp rà soát quy trình sản xuất, chuẩn bị cho nội dung quan trọng là ký kết hợp tác tiêu thụ xoài với doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Hình ảnh những người nông dân chân chất bàn thảo về những tiêu chuẩn quốc tế, hợp đồng xuất khẩu là một minh chứng sống động cho sự chuyển mình trong tư duy canh tác.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ - nông dân xã Mỹ Thọ chia sẻ: “Bây giờ, bà con không thể canh tác theo thói quen nữa. Thay vào đó sản xuất cần phải tuân thủ theo quy chuẩn, nhu cầu thị trường. Trước đây, tôi không hiểu PGS là gì, nhưng khi thực hiện mới thấy rõ lợi ích thiết thực mang lại”.
Với chủ động trong thay đổi tư duy canh tác, Mỹ Thọ hôm nay trở thành nơi hội tụ của nhiều mô hình sản xuất mới. Bên cạnh canh tác theo quy trình VietGAP, vài năm gần đây, với sự hỗ trợ của Tổ chức Seed To Table (Nhật Bản), các tiêu chuẩn như GlobalGAP, hữu cơ PGS đã được giới thiệu, đào tạo và chuyển giao cho bà con. Những hộ nông dân làm tốt còn được đi học hỏi mô hình hữu cơ ở trong và ngoài nước, mở mang tầm mắt và nâng cao kiến thức trong canh tác.

Bà Ino Mayu - Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table tại Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) họp Tổ nông dân PGS chuyên trồng xoài theo hướng hữu cơ tại xã Mỹ Thọ
Ông Nguyễn Văn Thạch - nông dân xã Mỹ Thọ cho biết, trước xu thế phát triển bền vững toàn cầu, nông dân phải thay đổi tư duy canh tác, sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo vệ sức khỏe nguời tiêu dùng.
Tư duy hội nhập còn lan tỏa đến những cánh đồng lúa, mang theo làn gió mới cho nền nông nghiệp hiện đại. Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Quý (xã Mỹ Đông cũ) và một số địa phương của tỉnh Đồng Tháp, mô hình lúa giảm phát thải đang được triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Tổ chức phát triển Hà Lan SNV. Đây là một phần trong chuỗi nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững và nông nghiệp xanh.
Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình này mang lại kết quả đáng ghi nhận. Bà Christie Getman - Giám đốc quốc gia Tổ chức SNV tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thật sự ấn tượng với kết quả mang lại khi triển khai thực hiện mô hình tại Đồng Tháp. Tỷ lệ nông dân tham gia đạt 100%, đây là điều rất hiếm gặp trong các chương trình hợp tác mà chúng tôi từng triển khai tại nhiều quốc gia”.
Mô hình này không chỉ giúp bà con giảm chi phí đầu vào (phân, thuốc, nước...) mà còn góp phần làm cho cây lúa khỏe hơn, ít sâu bệnh hơn, từ đó chất lượng gạo được nâng cao rõ rệt. Điều đáng quý hơn chính là sự chuyển biến trong tư duy của người nông dân. Nhiều nông dân nhận định, hiện tại canh tác lúa không chỉ nghĩ đến mùa vụ mà còn quan tâm đến yếu tố môi trường, tương lai của nền nông nghiệp. Tư duy ấy cho thấy tầm nhìn xa hơn của người nông dân Đồng Tháp, không chỉ dừng lại ở năng suất mà còn hướng đến sự phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.

Ông Ono Masuo - Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (thứ 4 từ trái sang) và Trưởng Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) đến tham quan vười rau hữu cơ của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh
Điều dễ nhận thấy từ các mô hình không chỉ đơn thuần là hỗ trợ kỹ thuật mà còn góp phần thay đổi được tư duy canh tác, tạo ra sự chủ động từ phía nông dân. Giờ đây, nông dân biết thực hiện theo tiêu chuẩn, hiểu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, giảm phát thải, chứng nhận hữu cơ... Những khái niệm tưởng chừng xa lạ nay đã trở nên gần gũi ngay trên thửa ruộng, vườn cây của chính họ. Khoa học kỹ thuật đã thực sự trở thành cầu nối để nông dân Đồng Tháp tự tin hội nhập.
Trong chuyến thăm gần đây tại Đồng Tháp, ông Ono Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi thấy được sự tích cực và khát vọng học hỏi của bà con nông dân nơi đây. Với tinh thần đó, tôi tin rằng, nông sản từ Đồng Tháp không chỉ có thể chinh phục thị trường Nhật Bản mà còn nhiều thị trường khác”.
Kết quả đó cho thấy, Đồng Tháp đang đi đúng hướng khi đặt người nông dân vào trung tâm của quá trình chuyển đổi. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, cần “xây dựng người nông dân phù hợp với giai đoạn mới, với tư duy hợp tác, liên kết, sáng tạo và văn minh”. Từ thực tiễn cho thấy, tại Đồng Tháp nông dân không còn đơn độc mà được kết nối với doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức quốc tế.
Từng gắn bó sâu sắc với nông dân tỉnh nhà, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ: “Câu chuyện nông thôn mới ở Đồng Tháp mở ra một không gian phát triển mới - nơi người nông dân biết học hỏi, biết thay đổi, biết hợp tác với nhau. Đó là thành quả của hơn 10 năm tái cơ cấu nông nghiệp”.
Từ cây xoài hữu cơ, cánh đồng lúa giảm phát thải, đến những hội chợ nông sản sạch, sàn thương mại điện tử nông nghiệp... hình ảnh nông dân Đồng Tháp hôm nay có sự thay đổi tích cực. Bà con không chỉ biết canh tác mà còn biết kết nối, hội nhập và làm chủ tương lai của chính mình. Con đường phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững và hội nhập toàn cầu không dễ đi nhưng Đồng Tháp đang đi đúng hướng bằng sự chủ động, cầu thị và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền đến người dân. Trên hành trình đó, khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế chính là 2 cánh tay vững chắc giúp người nông dân quê nhà tiến xa hơn...