Nông dân Chiềng Hắc thu nhập cao từ trồng cây ăn quả

Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, dám nghĩ, dám làm, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đoàn công tác đến học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả tại HTX hoa quả Thành Đạt, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Đoàn công tác đến học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả tại HTX hoa quả Thành Đạt, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Tới thăm mô hình trồng cây ăn quả của HTX hoa quả Thành Đạt, bản Long Phú. Dọc đường vào là những vườn na, bưởi, thanh long tươi tốt phủ kín triền đồi. Ông Nguyễn Như Biển, Giám đốc HTX, thông tin: HTX có 17 thành viên, trồng và chăm sóc 80 ha cây ăn quả, gồm: Nhãn, xoài, bưởi, na, thanh long, chuối. Hiện nay, đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trên diện tích 50 ha, có sổ nhật ký ghi chép quy trình chăm sóc cây ăn quả, sử dụng các loại phân hữu cơ bón cây và dùng túi bọc quả để đảm bảo chất lượng sản phẩm... Nhờ đó cho thu nhập trung bình từ 350 - 400 triệu đồng/ha, đời sống của các thành viên ngày càng được nâng lên.

Còn tại bản Ta Niết, trước đây, bà con chủ yếu trồng cây ngô, hiệu quả kinh tế không cao, những năm gần đây, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nhân dân trong bản đã trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao thay thế cây ngô. Ông Dương Văn Phan, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Từ định hướng của xã, Ban quản lý bản đã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng na từ năm 2015. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và chăm bón đúng kỹ thuật nên cây na phát triển tốt; nhiều hộ đã đầu tư làm hệ thống tưới nhỏ giọt, mở rộng diện tích trồng na. Đến nay, cả bản có hơn 150 ha trồng na; năng suất đạt 10-20 tấn/ha, nhiều hộ có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Nông dân xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, bao trái na.

Nông dân xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, bao trái na.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Hắc luôn xác định, trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao trên đất dốc là khâu đột phá nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, chia sẻ: Những năm gần đây, nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động, cùng những định hướng, quy hoạch của địa phương, tư duy của bà con trong xã đã có sự thay đổi, chủ động đưa vào trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế; mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Cùng với đó, xã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân; hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, phương pháp thu hái, bảo quản sau thu hoạch; nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gắn với bảo vệ môi trường… Qua đó, góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người nông dân, hướng tới sản xuất các sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Diện tích trồng thanh long của HTX hoa quả Thành Đạt, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Diện tích trồng thanh long của HTX hoa quả Thành Đạt, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Từ những định hướng, hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự chủ động của các hộ nông dân, đến nay, toàn xã Chiềng Hắc có 1.630 ha cây ăn quả, chủ yếu là na, bưởi, nhãn, thanh long, chuối... sản lượng đạt 24.450 tấn quả/năm. Nhờ phát triển cây ăn quả, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 54,3 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,07%; giá trị sản phẩm đạt hơn 100 triệu đồng/năm/ha đất nông nghiệp.

Việc các hộ dân trên địa bàn xã Chiềng Hắc đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, mở ra hướng làm giàu cho người dân và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nong-dan-chieng-hac-thu-nhap-cao-tu-trong-cay-an-qua-C6tPAzSNg.html
Zalo