Nông dân Cà Mau giàu lên nhờ sản vật quê hương
Từ những ruộng bồn bồn trũng thấp đến những ao nuôi ba khía đầy thử thách nơi cuối trời Tổ quốc, nhiều nông dân Cà Mau đã vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình. Phía sau những bước tiến ấy là sự đồng hành vững chắc của các HTX.
Những năm qua, HTX không chỉ tạo việc làm mà còn nâng tầm giá trị sản phẩm, giúp nông dân Cà Mau vượt qua rào cản thị trường, vươn tới một cuộc sống sung túc hơn. Đồng hành cùng quá trình ấy là sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ thiết thực.
Từ sản vật địa phương đến thương hiệu OCOP
Câu chuyện thành công của HTX Ba khía Đầm Dơi (thuộc xã Quách Phẩm Bắc, nay là xã Quách Phẩm) là minh chứng sinh động cho tinh thần dám nghĩ dám làm của người nông dân Cà Mau.
Năm 2017, khi ba khía Đầm Dơi còn là sản vật ít được biết đến, chị Trần Thị Xa và anh Nguyễn Văn Miên đã mạnh dạn thành lập HTX, đặt mục tiêu nâng tầm giá trị ba khía của quê mình.

Những sản vật quê hương như Ba Khía đang làm giàu cho nông dân, HTX ở Cà Mau (Ảnh: BCM).
Sau khi thành lập HTX, vợ chồng chị Xa dành thời gian nghiên cứu, cải tiến quy trình sơ chế, bảo quản, từng bước nâng chất sản phẩm. Sau nhiều năm nỗ lực, thương hiệu Ba khía Đầm Dơi đã trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của Cà Mau, góp mặt trong chương trình OCOP và có mặt tại nhiều thị trường trong, ngoài nước.
Không dừng lại ở đó, HTX Ba khía Đầm Dơi đã tận dụng hiệu quả mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Hiện HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng thêm các điểm thu mua và phát triển thêm nhiều mặt hàng đặc sản từ ba khía, tham gia các kỳ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Nhờ vậy, thu nhập của thành viên HTX được cải thiện rõ rệt, đời sống khấm khá hơn, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng chục hộ nông dân trong vùng.
Nếu như Đầm Dơi nổi bật với sản phẩm đặc sản thủy sản thì tại xã Khánh An (nay thuộc xã Khánh An mới), HTX An Hòa lại trở thành điểm tựa cho nông dân sản xuất nông nghiệp ổn định, từng bước thoát nghèo, làm giàu.
Thành lập cuối năm 2022, HTX An Hòa khởi đầu với 16 thành viên, đến nay đã mở rộng lên 102 thành viên, hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tiêu thụ nông sản.
Điểm tựa thoát nghèo, làm giàu
Một trong những thành viên tiêu biểu của HTX An Hòa là ông Nguyễn Văn Hiền (ấp 13, xã Khánh An), người có 3 ha trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng. Trước đây, ông từng rơi vào cảnh "được mùa mất giá", bồn bồn thừa ứ, không nơi tiêu thụ.
Nhưng từ khi tham gia HTX, ông Hiền được đảm bảo đầu ra với mức giá ổn định, mỗi tháng thu nhập từ 30-40 triệu đồng. “HTX không chỉ giúp tôi yên tâm sản xuất mà còn mở rộng thị trường, giờ đây không lo cảnh nông sản bị ép giá, phải bán tháo như trước,” ông Hiền chia sẻ.
Tương tự, bà Trần Thị Hiền (ấp 14, xã Khánh An) cũng có 3 ha bồn bồn và cá đồng. Nhờ tham gia HTX, được hỗ trợ bán hàng online, sản phẩm của bà ngày càng được người tiêu dùng biết đến, thu nhập lên tới hơn 40 triệu đồng mỗi tháng – con số đáng mơ ước đối với nông dân ở vùng nông thôn.
Không chỉ giúp tiêu thụ nông sản, HTX An Hòa còn tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng tới sản xuất an toàn, đạt chuẩn vệ sinh thực phẩm và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn.
Giám đốc HTX – chị Đặng Yến Như – cho biết HTX đang từng bước mở rộng mô hình sản xuất hữu cơ, nâng cấp khu sơ chế, chế biến sản phẩm bồn bồn, chuối sấy, cá đồng, đồng thời đào tạo thành viên về kỹ năng quản lý, áp dụng công nghệ số trong sản xuất.
Hiện tại, thu nhập trung bình của các thành viên HTX đạt khoảng 30 triệu đồng/tháng – mức thu nhập vượt xa mặt bằng chung của người dân trong khu vực. HTX trở thành mô hình kiểu mẫu trong liên kết sản xuất – tiêu thụ và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Cà Mau tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại để giúp người dân thoát nghèo, làm giàu (Ảnh: BCM).
Thành công của các HTX tại Cà Mau không thể tách rời những chương trình hỗ trợ thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam và các sở, ngành trong tỉnh. Với mục tiêu đưa khoa học công nghệ và chuyển đổi số đến gần hơn với người nông dân, thời gian qua, nhiều lớp tập huấn chuyên sâu đã được tổ chức.
Các chương trình tập huấn của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau tập trung vào nâng cao các kỹ năng tiếp thị sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử. Đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cũng chủ động hướng dẫn các HTX xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương; tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang mô hình thông minh, hiệu quả hơn.
Thêm điểm tựa hỗ trợ
Chính nhờ những lớp học của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, các HTX như Ba khía Đầm Dơi hay An Hòa có thêm kiến thức, công cụ để xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ và mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong HTX đã góp phần nâng cao hàm lượng chất xám cho mỗi đơn vị sản phẩm, tăng năng suất, cải thiện chất lượng và giá trị nông sản. Nhiều vùng sản xuất chủ lực của tỉnh như lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái đã hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa lớn gắn với liên kết tiêu thụ, hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP, VietGAP, hữu cơ…
Trong bối cảnh Cà Mau là một trong những tỉnh còn nhiều thách thức về kinh tế và cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì phát triển HTX đã và đang trở thành giải pháp căn cơ, thiết thực để xóa đói giảm nghèo. Thông qua HTX, nông dân không chỉ được hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư hạ tầng mà còn được kết nối thị trường, học hỏi kỹ năng sản xuất và quản lý hiện đại.
Mô hình HTX kiểu mới tại Cà Mau đã chứng minh được vai trò "đầu tàu" trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống người dân và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng thành viên, sự đa dạng trong ngành nghề hoạt động, cùng hiệu quả kinh tế rõ rệt là minh chứng cho tính đúng đắn của định hướng phát triển kinh tế tập thể gắn với nông dân, nông nghiệp và nông thôn.
Với nền tảng đã có, cùng sự hỗ trợ tiếp tục của Liên minh HTX Việt Nam và chính quyền các cấp, nhiều HTX tại Cà Mau đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới – quy mô lớn hơn, sản phẩm đa dạng hơn, giá trị gia tăng cao hơn và hướng đến thị trường quốc tế.
Những mô hình HTX như Ba khía Đầm Dơi, An Hòa sẽ tiếp tục là hình mẫu lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp, làm giàu từ nông nghiệp.