Nơi những con tàu vươn mình ra biển lớn

Là nhà máy chịu trách nhiệm chính về việc bảo đảm trang bị kỹ thuật, đóng mới tàu thuyền, phương tiện nổi cho các đơn vị trong Quân chủng Hải quân và các lực lượng khác, những năm qua, phát huy truyền thống, Nhà máy X46, Cục Kỹ thuật Hải quân đã chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Nắng tháng 6 như rang trên con đường bê tông dẫn ra cầu cảng của Nhà máy X46. Cái nắng oi cộng với gió nóng thổi từ sông lên khiến chúng tôi thêm khó chịu. Thế nhưng, trên những bong tàu, bóng dáng những người thợ vẫn mải miết làm việc.

Đại tá Cù Đức Lâm, Chính ủy nhà máy, nhắc chúng tôi cẩn thận leo qua những con tàu san sát đậu bên cầu cảng, bởi nếu bước chân không khéo có thể rơi xuống khoảng không giữa hai con tàu. Anh giới thiệu: "Hiện nhà máy đang trực tiếp sửa chữa hàng chục tàu quân sự và các loại tàu khác của đối tác. Mùa này, nếu trên cầu cảng, cái nóng tầm 38-40 độ C thì ở dưới hầm tàu, ở buồng máy, nơi người thợ làm việc thì nhiệt độ có thể lên đến hơn 50 độ C".

Đại tá Cù Đức Lâm dẫn tôi tham quan một con tàu đang trong giai đoạn sửa chữa lại toàn bộ hệ thống nội thất. Không còn cái dáng vẻ thanh lịch, hào nhoáng như vẫn thường thấy trên những con tàu du lịch, bên trong, tất cả trang thiết bị đều được mở tung, đang được những người thợ chăm chút từng chi tiết máy, những con ốc hay mối hàn. Xộc lên mũi là mùi dầu máy nồng nặc cộng với tiếng khoan điện chói tai. Mấy người thợ khẽ gật đầu chào chúng tôi rồi lại tiếp tục công việc của mình. Bởi có nói cũng không thể nghe được! Đập vào mắt tôi là những lưng áo đẫm ướt mồ hôi, những gương mặt sạm nắng bịt khẩu trang kín mít. Tôi nhủ thầm, với điều kiện làm việc khắc nghiệt như thế, có lẽ chỉ tình yêu nghề và sự trách nhiệm cao với công việc mới khiến họ hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ca nô chỉ huy 514 do Xưởng 46 sửa chữa và lắp đặt vũ khí trong lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng, tháng 8-1955. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ca nô chỉ huy 514 do Xưởng 46 sửa chữa và lắp đặt vũ khí trong lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng, tháng 8-1955. Ảnh tư liệu

Là một người chỉ huy có thâm niên công tác tại nhà máy nhiều năm, Đại tá Cù Đức Lâm am tường lịch sử và gắn bó với nhiều thế hệ cán bộ, công nhân nhà máy. Anh bảo, tích cực chủ động, khắc phục mọi khó khăn, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã là kim chỉ nam hoạt động của nhà máy có bề dày truyền thống 69 năm (thành lập ngày 26-4-1955) xây dựng và phát triển này.

"Từ những ngày đầu mới thành lập, với tên gọi C46, tức Xưởng 46, khắc phục khó khăn với đội ngũ công nhân chưa trải qua thực tế đóng tàu cũng như không am hiểu sâu về kỹ thuật tàu thuyền cùng điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nghèo nàn, không có nhà xưởng, Xưởng 46 đã cử cán bộ, công nhân đến nhiều cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu các loại tàu, thuyền, ca nô. Bên cạnh đó là kết hợp tìm kiếm, lặn mò, tháo gỡ vũ khí, máy móc, phụ tùng ở các tàu của thực dân Pháp bị ta đánh chìm trên các dòng sông", anh Lâm cho biết.

 Cán bộ, công nhân Xưởng 46 trục vớt, tháo dỡ máy móc, phụ tùng tàu địch bị ta đánh chìm để sửa chữa, phục hồi năm 1955. Ảnh tư liệu

Cán bộ, công nhân Xưởng 46 trục vớt, tháo dỡ máy móc, phụ tùng tàu địch bị ta đánh chìm để sửa chữa, phục hồi năm 1955. Ảnh tư liệu

Những điều này tôi đã được đọc trong cuốn “Nhà máy X46 Hải quân - 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” (1955-2015) mà Chủ nhiệm Chính trị nhà máy, Trung tá Đoàn Vũ Hồng chuyển cho chúng tôi xem trong lúc chờ Đại tá Cù Đức Lâm giải quyết một số việc đột xuất. Ngay từ những ngày đầu ấy, trong quá trình lặn tìm, tháo gỡ máy móc, vũ khí tàu chìm ở sông Văn Úc, đồng chí Trần Duy Ân, công nhân kỹ thuật của xưởng đã anh dũng hy sinh. Đại tá Cù Đức Lâm cho biết thêm, đồng chí Trần Duy Ân là liệt sĩ đầu tiên của ngành Kỹ thuật Hải quân, cũng là liệt sĩ đầu tiên của Quân chủng Hải quân.

Phát huy tấm gương quên mình vì nhiệm vụ của đồng chí Trần Duy Ân, đội ngũ cán bộ, công nhân của Xưởng đã nỗ lực làm việc gấp hai, gấp ba. Chỉ 4 tháng sau (tháng 8-1955), xưởng đã thiết kế và đóng mới thành công 20 ca nô gỗ có trang bị súng 12,7mm và đại liên Maxim, lắp máy GMC. Việc đóng thành công 20 ca nô chiến đấu phục vụ cho lễ ra mắt hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng này là một chiến công lớn, thành tích vượt bậc của cán bộ, công nhân của xưởng lúc bấy giờ.

 Sửa chữa máy tàu tại Xưởng 46 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Sửa chữa máy tàu tại Xưởng 46 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam qua Đường Hồ Chí Minh trên biển, cán bộ, công nhân Xưởng 46 đã không ngừng nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, từ việc lắp đặt thêm súng DKZ-82 cho 3 tàu phóng ngư lôi của Phân đội 2, Tiểu đoàn 135 đến thi công, thay lắp súng, pháo mới cho các tàu tuần tiễu và tàu thuyền của lực lượng tự vệ biển TP Hải Phòng.

Xưởng 46 đã góp phần quan trọng cho Bộ đội Hải quân đánh thắng trận đầu trong các ngày 2 và 5-8-1964 cũng như bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng chiến đấu của Quân chủng đánh thắng chiến tranh phá hoại và phong tỏa sông, biển của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, chi viện chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá Cù Đức Lâm thông tin, hiện nay, đứng trước yêu cầu phát triển của Quân chủng, Quân đội, đòi hỏi phải nâng cao năng lực, hiện đại hóa công nghệ đóng và sửa chữa tàu, do đó, công tác bảo đảm kỹ thuật của Nhà máy X46 phải không ngừng nâng cấp, hoàn thiện. Nhà máy đã đầu tư hiện đại hóa công nghệ tăng năng lực sửa chữa và đóng mới tàu.

Những năm qua, nhà máy đã tiến hành sửa chữa lớn, đồng bộ hàng trăm lượt tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuần tiễu, huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nổi bật là đã tiếp cận sửa chữa các tàu thế hệ mới, hiện đại như tàu P (tàu ngầm), tàu 18, tàu 20, thi công chế tạo Hangga cho các tàu Gepard 3.9. Cùng với đó đã tổ chức đóng mới hàng loạt tàu hiện đại phục vụ nghề câu của ngư dân như tàu lưới rê CSL, tàu dịch vụ nghề cá Lý Sơn-369, tàu cao tốc HQ-85, ca nô ST-217, tàu du lịch SP-01... từng bước khẳng định được thương hiệu sửa chữa và đóng mới các loại tàu, xuồng của nhà máy với đối tác.

 Một góc phân xưởng làm việc của cán bộ, công nhân Nhà máy X46 hôm nay.

Một góc phân xưởng làm việc của cán bộ, công nhân Nhà máy X46 hôm nay.

"Sản phẩm chủ yếu hiện nay mà nhà máy đang thực hiện là sửa chữa các tàu chiến đấu có lượng giãn nước đến 1.200T hoặc công suất máy chính đến 30.000CV, đóng mới các tàu đặc chủng cho các lực lượng: Cảnh sát biển, biên phòng, hải quan,... có lượng giãn nước đến 2.000T, công suất máy đến 5.000CV và các loại tàu, xuồng cao tốc vỏ vật liệu hợp kim nhôm, composite. Trong đó, điểm nổi bật nhất có thể kể đến là việc làm chủ được sửa chữa máy M500, công nghệ đóng mới các tàu, xuồng cao tốc, tàu cá, tàu du lịch và đặc biệt là tiếp cận, sửa chữa tàu P đạt kết quả tốt", anh Lâm nhấn mạnh.

Trước yêu cầu ngày càng cao của các nhiệm vụ, nhà máy luôn ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ năng lực cũng như bản lĩnh, trách nhiệm cao. Theo Đại tá Cù Đức Lâm, một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác sửa chữa tàu thuyền là phải luôn chủ động và sáng tạo trước mỗi yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, phát huy tính năng động, sáng tạo, luôn tạo điều kiện để anh em thể hiện năng lực của mình là những điều lãnh đạo, chỉ huy nhà máy luôn quan tâm. Bên cạnh đó, nhà máy luôn chú trọng đến khâu đào tạo, dẫn dắt của thế hệ trước với thế hệ đi sau cùng sự đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể từ các đội, nhóm nghiên cứu mạnh hay các phân xưởng, phòng, ban chủ chốt.

Công nhân Nhà máy X46 trong giờ làm việc. Ảnh: THÁI KIÊN

Công nhân Nhà máy X46 trong giờ làm việc. Ảnh: THÁI KIÊN

Những điều anh Lâm nói làm tôi nhớ đến câu chuyện mà đồng chí CNVQP Vũ Duy Anh, công nhân Phân xưởng Cơ khí vừa chia sẻ với tôi ít phút trước. Vũ Duy Anh học chuyên ngành điện lạnh, năm 2014 vào nhà máy thì được phân công về Phân xưởng Cơ khí. Công việc trái với ngành nghề được đào tạo tưởng sẽ làm khó anh. Thế nhưng Duy Anh lại có thể hòa nhập rất nhanh bởi có sự giúp đỡ từ lớp đàn anh đi trước, đặc biệt là người tổ trưởng trực tiếp, Thiếu tá QNCN Võ Như Luân. Với kinh nghiệm, sự dày dạn trước mọi tình huống, đồng chí Võ Như Luân đã tận tình chỉ bảo từ lúc anh mới bước chân vào nghề đến những giai đoạn "nước rút" như khi Duy Anh tham gia Hội thi Thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân lần thứ V (giai đoạn 2016-2021) tháng 4-2021.

Giải Ba toàn quân trong cuộc thi năm ấy ngoài sự nỗ lực của bản thân anh còn là sự "góp công" không nhỏ của những người đồng nghiệp và tổ trưởng Võ Như Luân. Cho đến giờ, bản thân đã làm chủ các trang thiết bị hiện đại cũng như tự tin hoàn thành tốt việc sửa chữa các lớp tàu phóng lôi, tàu tên lửa, tàu ngầm Kilo 636..., Duy Anh cảm thấy vô cùng trân trọng, biết ơn các thế hệ đi trước ở nhà máy.

Một câu chuyện khác khiến tôi cũng rất ấn tượng về khả năng làm việc nhóm, "lập công tập thể" ở nhà máy đó là trường hợp của CNVQP Nguyễn Thụ Tình, nhân viên Phòng Kỹ thuật và nhóm "Nghiên cứu huấn luyện và làm chủ công tác sửa chữa động cơ Diesel M500" - một trong những nhiệm vụ đặc biệt của nhà máy những năm gần đây.

CNVQP Nguyễn Thụ Tình (áo trắng) và đồng nghiệp luôn say sưa với mỗi công việc được giao. Ảnh: PHƯƠNG NINH

CNVQP Nguyễn Thụ Tình (áo trắng) và đồng nghiệp luôn say sưa với mỗi công việc được giao. Ảnh: PHƯƠNG NINH

Được giao làm tổ trưởng tổ nghiên cứu sửa chữa làm chủ động cơ Diesel M500 ban đầu là một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề với Nguyễn Thụ Tình và đồng nghiệp bởi từ trước đến nay, việc sửa chữa loại động cơ này mới chỉ dừng ở việc sửa hệ bổ trợ và thay thế các cụm chi tiết đồng bộ. Cùng với đó, các trang thiết bị đưa vào sửa chữa chủ yếu thuộc thế hệ cũ, đã cuống cấp, phụ tùng khan hiếm, có những chủng loại không thể khai thác trên thị trường. Nhóm nghiên cứu đã chủ động tìm tài liệu, bản vẽ từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là các tư liệu của Liên bang Nga rồi phân công nhau tự dịch ra tiếng Việt để tìm hiểu, dù tiếng Nga vốn không phải là thế mạnh của nhiều người trong nhóm.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ, các anh lại giao đầu việc theo thế mạnh của từng người, khi có vướng mắc thì cùng nhau trao đổi, có khi tranh cãi quyết liệt để tìm cách tháo gỡ, giải quyết vấn đề. Từ đó, không chỉ làm chủ được động cơ Diesel M500, nhóm nghiên cứu còn đưa ra được nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa vào áp dụng rộng rãi như: "Bộ gá cẩu Bloc xilanh liền nắp máy M500", "Bộ gá cẩu cụm giảm vòng ly hợp M500", "Bộ cảo xilanh M500"... giúp nâng cao chất lượng công việc, tiết kiệm nhân công, chi phí sửa chữa, làm lợi cho nhà máy.

Chia tay Nhà máy X46, từ trên cây cầu Lạc Long vắt qua dòng sông Tam Bạc, tôi như thấy những dáng hình hiên ngang của những con tàu mang những cái tên rất đẹp như Trường Sa-12, Trường An, Hoàng Sa... đang chuẩn bị cựa mình rẽ sóng ra khơi. Những con tàu luôn muốn vươn mình ra biển lớn cũng như các thế hệ cán bộ, công nhân Nhà máy X46 vẫn luôn vượt qua mọi giới hạn bản thân để chiếm lĩnh những đỉnh cao.

Ghi chép của PHẠM THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/noi-nhung-con-tau-vuon-minh-ra-bien-lon-783302
Zalo