Nỗi lo di tích thành phế tích
Trong số những di tích lịch sử, danh thắng ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk, có di tích đứng trước nguy cơ biến thành… phế tích và cũng có di tích đã bị lãng quên từ nhiều năm qua, khiến cho nhiều người dân thật sự quan tâm lo ngại.
Lịch sử 414 năm hình thành tỉnh Phú Yên trước đây (1611-2025) - nay thuộc tỉnh Đắk Lắk, Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh theo lệnh chúa Nguyễn Hoàng rời vùng Thuận Quảng năm 1558, mở mang bờ cõi đất nước về phương Nam. Vị tướng tài ba này đã có công khẩn hoang mở đất, lập nên Phú Yên từ năm 1611, được hậu thế tôn vinh Thành hoàng Phú Yên.
Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh ở thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyên Phú Hòa (Phú Yên) - nay là xã Phú Hòa 2 (Đắk Lắk) đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ tháng 9/1996. Bên chân núi Giồng Trắc (ở thôn Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên - nay là phường Bình Kiến, Đắk Lắk) còn có "Miếu Thần đầu" liên quan danh nhân Lương Văn Chánh.

"Miếu Thần đầu" cần sớm được kiểm tra, xếp hạng di tích cấp tỉnh để đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.
Huyền thoại "Miếu Thần đầu" trong "Lương Văn Chánh - thân thế và sự nghiệp" - NXB Từ điển bách khoa 2011 ghi rằng, năm Mậu Dần (1578) Lương Văn Chánh sai bộ tướng đưa hơn 100 chiến thuyền vào cửa sông Đà Diễn, tiến quân vào Thành Hồ đánh đuổi quân Chiêm tháo chạy, rồi giúp dân sửa nhà, trồng trọt.
Một lần tướng quân Lương Văn Chánh vào rừng kêu gọi tàn binh ra hàng, trên đường về thì bị phục kích lúc chạng vạng tối. Cuộc chiến kéo dài mấy canh giờ, bỗng dưng con Bạch Mã hí vang, chồm lên vượt khỏi vòng vây khi chủ tướng bị thương nằm rạp trên lưng. Khi đến chân núi Giồng Trắc thì chủ tướng đổ xuống, đầu lìa khỏi cổ, nước mắt Bạch Mã chảy dài, miệng hí vang lần nữa rồi quỵ xuống bên chủ tướng.
Cũng tại nơi này, "Miếu Thần đầu" xây dựng năm 1823 để thờ Thần đầu Lương Văn Chánh, tri ân công đức chủ tướng. Các vua quan đi qua miếu đều phải xuống ngựa, giở nón, cúi đầu để tỏ lòng tôn kính. Trước đó vào ngày 24/9/1822, vua Minh Mạng thứ 3 đã sắc phong Lương Văn Chánh là Thượng đẳng thần.
Hàng chục năm qua miếu cổ hoang vắng, rêu phong phủ kín bức bình phong có linh vật Long Mã đắp nổi trên bề mặt đã bong tróc nham nhở, những dòng chữ Hán "Thần đầu miếu" và câu đối hai bên đã mất, phần ngôi miếu đổ nát trong chiến tranh, những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, người dân địa phương quyên góp xây lại, nhưng sau đó bị cành cây gãy đánh sập nên người dân tiếp tục tự tu sửa.
Giữa tháng 9/2011, một trụ có búp sen ở góc trái và hai trụ cổng phía trước "Miếu Thần đầu" bị kẻ xấu đập vỡ, hai con kỳ lân bằng đá vôi đắp nổi trên đỉnh trụ bị lấy trộm, người dân tự thuê thợ tạc lại hai con kỳ lân bằng đá granit. Bên trong khuôn viên miếu, gia đình ông Lưu Văn Giáo ở kế bên tự trồng những bụi hoa gấm, tưới nước, thu dọn vệ sinh, thắp hương. Từ trước đến nay, "Miếu Thần đầu" chưa bao giờ được các cấp đầu tư bảo tồn, tu sửa, khoanh vùng quản lý, bảo vệ.
Theo ông Nguyễn Lê Vũ, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk, cách đây gần hai năm, "Miếu Thần đầu" mới được đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo Quyết định số 1521/QĐ-UBND ngày 6/11/2023 của UBND tỉnh Phú Yên trước đây, nhưng chưa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Theo phân cấp thì cấp huyện ở nơi có di tích đảm nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Trong thời gian tới sẽ đề nghị chính quyền địa phương nơi có di tích đề xuất lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng "Miếu Thần đầu" là di tích cấp tỉnh.

Dấu tích người dân tự ý san ủi, tác động một hạng mục tại di tích Trại An Trí Trà Kê do tổ kiểm tra của UBND xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) trước đây chụp lại.
Trong khi "Miếu Thần đầu" liên quan danh nhân Lương Văn Chánh khẩn hoang mở đất Phú Yên 414 năm do người dân tự lo cúng tế, tu sửa theo kiểu chắp vá, thì tại thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) trước đây - nay là xã Tây Sơn (Đắk Lắk) có một di tích đứng trước nguy cơ biến thành… phế tích. Đó là Trại An Trí Trà Kê (ATTK) được UBND tỉnh Phú Yên xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ 5/2011.
Theo lý lịch di tích của Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Trại ATTK do Pháp xây dựng năm 1940 để giam cầm, cưỡng bức những người yêu nước hoạt động cách mạng. Dù chỉ tồn tại 5 năm, nhưng có lúc Trại ATTK quản thúc hơn 100 người, trong đó có nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, chiến sĩ cách mạng kiên trung như các đồng chí Hà Huy Giáp, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Hưng, Nguyễn Duy Hài, Phan Sung, Huỳnh Lắm, Trần Chí Hiền, Trần Đình Tri, Lưu Quý Kỳ…
Trại ATTK là chứng tích chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đồng thời là nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc, chí khí kiên cường của các chiến sĩ cách mạng năm xưa, cần tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa để trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Theo biên bản do Sở VHTT&DL lập ngày 1/12/2010, di tích Trại ATTK có phạm vi bảo vệ 13.959m2 khu vực 1 và 21.241m2 khu vực 2. Thế nhưng từ nhiều năm qua phạm vi bảo vệ di tích vẫn là đất trồng mía của ông Trần Hoài Nam, nên người này huy động xe cơ giới san ủi, tác động di tích.
Đầu tháng 5/2022, tổ kiểm tra liên ngành xã Sơn Hội đã lập biên bản, chụp ảnh hiện trạng, báo cáo việc ông Nam tự ý thuê xe cơ giới cải tạo đất trong khu di tích, trong đó có một công trình bị đào bới, san lấp hoàn toàn và dồn lại thành đống. Tổ kiểm tra kết luận hành vi của ông Nam có dấu hiệu vi phạm Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Thế nhưng hồ sơ vụ việc đã bị xếp lại, người vi phạm không bị xử lý theo quy định pháp luật.
Mãi đến tháng 9/2023, huyện Sơn Hòa mới xây lắp văn bia di tích lịch sử Trại ATTK và cắm mốc phạm vi bảo vệ di tích khu vực 1, thế nhưng cho đến nay toàn bộ khu đất này chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan thẩm quyền. Vì thế hàng chục năm qua, người dân lấy cớ nguồn gốc đất khai hoang để trồng mía trong di tích lịch sử, bao chiếm luôn các chứng tích còn lại của di tích mà không có sự bảo vệ nào từ phía cơ quan chức trách và chính quyền địa phương.
Rất nhiều người dân mong muốn các cơ quan chức trách sớm kiểm tra, xếp hạng di tích "Miếu Thần đầu" và đầu tư tôn tạo, thể hiện lòng tôn kính, tri ân sâu sắc của hậu thế đối với Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Bên cạnh đó cần sớm có biện pháp thu hồi đất, xây dựng tường rào bảo vệ di tích lịch sử Trại ATTK khi chưa quá muộn.