Nỗi lo của ngư dân khi cửa biển Lạch Vạn bị bồi lấp

Những năm gần đây, cửa biển Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu cá của ngư dân địa phương rất khó khăn khi ra vào. Thực tế, đã có nhiều phương tiện bị mắc cạn khi vào cửa lạch nhập hải sản, trong đó có những phương tiện bị sóng đánh chìm, hư hỏng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhân dân. Nạo vét cửa biển Lạch Vạn cho tàu cá ra vào thuận lợi hơn là mong muốn chính đáng của ngư dân địa phương.

Tàu cá của ngư dân huyện Diễn Châu mắc cạn ở cửa biển Lạch Vạn. Ảnh: Viết Lam

Tàu cá của ngư dân huyện Diễn Châu mắc cạn ở cửa biển Lạch Vạn. Ảnh: Viết Lam

Nằm trong số 6 cửa biển quan trọng của tỉnh Nghệ An, mỗi ngày cửa biển Lạch Vạn đón hàng trăm lượt tàu cá của địa phương và các nơi khác ra vào. Ở khu vực cửa biển có cảng cá, một số cơ sở dịch vụ hậu cần, hỗ trợ quá trình bám biển khai thác hải sản, tiêu thụ sản phẩm ngư nghiệp cho bà con ngư dân. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cửa biển Lạch Vạn bị phù sa từ sông Bùng chảy xuống gây bồi lấp, hình thành những dải cát khiến lòng lạch bị cạn, dòng chảy thay đổi. Chủ của những tàu cỡ nhỏ và vừa phải tính toán, chờ thời điểm thủy triều dâng cao mới dám cho phương tiện ra vào cửa lạch. Còn những tàu cá cỡ lớn của ngư dân địa phương đều phải neo đậu ngoài xa rồi dùng thuyền nhỏ để trung chuyển hải sản vào cảng cá. Nhiều tàu cá khác của ngư dân sinh sống hai bên cửa biển Lạch Vạn đã chọn phương án vào các cảng cá khác để neo đậu, bốc dỡ hàng hóa.

Tuy nhiên, dù theo phương án nào, thì họ đều phải tăng thêm một khoản chi phí không nhỏ trong mỗi chuyến đi biển vất vả nhưng thu nhập bấp bênh. Cũng do lo ngại chi phí tăng cao, nhiều ngư dân biết nguy cơ tàu mắc cạn nhưng vẫn mạo hiểm cho phương tiện vào cửa biển Lạch Vạn để bốc dỡ hải sản. Theo đó, các thuyền trưởng sẽ chọn thời điểm thủy triều đạt đỉnh, sử dụng kinh nghiệm để lái tàu đi theo luồng vào sâu trong cửa lạch, tiếp cận cảng cá. Thế nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ, cộng với sự bất lợi về thời tiết, tàu cá có nguy cơ mắc cạn trên những dải cát. Theo thống kê của chính quyền huyện Diễn Châu, trung bình mỗi năm có 6-7 tàu cá của ngư dân các xã: Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Thành... bị mắc cạn trong khi vào cửa biển Lạch Vạn, trong số đó có những chủ tàu bị thiệt hại nặng nề. Chỉ tính từ tháng 10/2024 đến nay, đã có 3 tàu cá gặp nạn khi đang trên đường từ biển vào cửa Lạch Vạn để bán hải sản.

Mới đây nhất, rạng sáng 4/11, tàu cá NA3740TS, công suất hơn 140CV, chiều dài gần 14m của ông Đặng Văn Hải, xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, trong quá trình vào cửa biển Lạch Vạn đã gặp sóng to, gió lớn nên bị xô dạt vào dải cát và mắc cạn. Ngay khi gặp nạn, các thuyền viên đã nhanh chóng báo tin cho chính quyền địa phương, đoàn viên trong Nghiệp đoàn Nghề cá xã Diễn Ngọc đến hỗ trợ, giúp sức đưa phương tiện ra khỏi vị trí bị nạn. Cùng với sức người, chủ tàu đã thuê thêm 2 máy xúc, máy kéo để tham gia giải cứu phương tiện. Nhưng trong điều kiện sức gió quá mạnh, sóng lớn nên đến khoảng 6 giờ cùng ngày, phần đáy thuyền bị lún sâu, chôn chặt trong cát. Sau nhiều nỗ lực, bằng kinh nghiệm, ông Đặng Văn Hải đã nhận định không thể cứu được tàu, phương tiện sẽ bị chìm, sóng đánh vỡ khi thủy triều đạt đỉnh. Sau đó, ông Hải đành chấp nhận đưa ra quyết định tháo dỡ toàn bộ máy móc và vận chuyển ngư lưới cụ, các vật dụng ra khỏi phương tiện để giảm phần nào thiệt hại. Sự việc đáng tiếc đã khiến gia đình ngư dân mất tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng và gặp muôn vàn khó khăn trong phát triển kinh tế.

Không thể "giải cứu" được tàu bị mắc cạn, ông Đặng Văn Hải buộc phải phá dỡ phương tiện và tháo máy móc để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: Viết Lam

Không thể "giải cứu" được tàu bị mắc cạn, ông Đặng Văn Hải buộc phải phá dỡ phương tiện và tháo máy móc để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: Viết Lam

Từ những bất cập, ngư dân có tàu thuyền thường xuyên ra vào neo đậu tại cửa biển Lạch Vạn đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành bố trí nguồn vốn để nạo vét. Nếu nguyện vọng trên được đáp ứng, bà con sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để yên tâm bám biển phát triển kinh tế. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: "Các phương tiện bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau, có một số ngư dân trở nên “trắng tay” do tàu cá mắc cạn, giải cứu không thành công, bị sóng biển phá hỏng hoàn toàn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên, các ngành chức năng xem xét, sớm nạo vét và xây bờ kè kiên cố hai bên cửa lạch để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp”.

Việc các cảng cá, luồng lạch ở khu vực biên giới biển tỉnh Nghệ An, trong đó có cửa biển Lạch Vạn bị bồi lấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Cùng với đó, việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cũng gặp nhiều trở ngại. Thể hiện rõ nét nhất là công tác tiếp cận tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân còn gặp khó khăn, việc truy xuất nguồn gốc hải sản cũng là một thách thức lớn.

Nạo vét cửa biển Lạch Vạn là nhu cầu rất cấp bách đối với ngư dân địa phương, tuy nhiên dự án đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, triển khai một cách căn cơ... Bởi theo ngư dân có kinh nghiệm tại địa phương, nếu chỉ nạo vét thông thường thì chỉ được một vài năm là tình trạng bồi lắng lại trở về như cũ. Trên cơ sở đó, nhân dân và chính quyền huyện Diễn Châu kiến nghị các ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An quan tâm đầu tư nạo vét cửa biển Lạch Vạn kết hợp nâng cấp cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-lo-cua-ngu-dan-khi-cua-bien-lach-van-bi-boi-lap-post483936.html
Zalo