Nỗi đau đuối nước vẫn hiện hữu
Các ngành chức năng tỉnh Kon Tum lên nhiều phương án, tìm biện pháp để giảm thiểu những vụ tử vong đáng tiếc do đuối nước.
7 tháng có 15 trẻ đuối nước
Mấy ngày qua, người dân thôn Đăk Wơk Yôp (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum) bàng hoàng, xót xa trước vụ đuối nước thương tâm cướp đi mạng sống của người mẹ đang mang thai tháng thứ 6, cùng con trai 7 tuổi và một cháu bé 10 tuổi.
Vào buổi chiều 10/8, 3 cháu bé trú tại thôn Đăk Wơk Yôp xuống lòng hồ thủy điện Plei Krông chơi. Không may, cháu Trần Hoàng Hữu P. (7 tuổi) và Trần Hữu Minh V. (10 tuổi) trượt chân rơi xuống lòng hồ.
Thấy vậy, cháu bé còn lại liền hô hoán, tìm người ứng cứu. Hay tin, chị Hoàng Thị Nhẫn (32 tuổi, mẹ cháu Trần Hoàng Hữu P.) đang mang thai 6 tháng nhanh chóng lao xuống lòng hồ cứu con. Tuy nhiên, chị Nhẫn cùng 2 cháu nhỏ bị đuối nước tử vong.
Ngày 15/8, một vụ đuối nước khác tại TP Kon Tum lại tiếp tục cướp đi mạng sống của 2 thiếu niên. Thời điểm đó, Y La (17 tuổi), Y Luyẽn (16 tuổi) và Y Lơi (14 tuổi, cùng trú tại thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, TP Kon Tum) đi nhổ mạ tại khu vực cánh đồng thuộc xã Đoàn Kết (TP Kon Tum). Sau khi hoàn thành công việc 3 em rủ nhau ra ao nước gần đó để rửa mạ. Không may, Y La và Y Luyẽn bị trượt chân ngã xuống hồ.
Thấy 2 chị chới với giữa dòng nước, Y Lơi hô hoán mọi người. Mặc dù lực lượng chức năng cùng người dân nhanh chóng ứng cứu tuy nhiên 2 nạn nhân đã đuối nước, tử vong.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, 7 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 15 trẻ em đuối nước.
Ông Vũ Văn Đam, Trưởng phòng Trẻ em - Bình đẳng giới - Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cho biết, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước là do nhận thức và hiểu biết chung của cộng đồng còn thấp. Không chỉ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay tại thành thị cũng thường xuyên xảy ra tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em.
Bên cạnh đó, các em thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của người lớn. Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ. Cùng với đó, đa số trẻ em không biết bơi, rủ nhau đi tắm sông, suối, hồ lớn không có kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước.
Đồng thời môi trường sống xung quanh các em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống ao hồ sông ngòi chằng chịt. Không những vậy, nhà và trường học gần sông, suối, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu khu sản xuất tại các lò gạch rất nguy hiểm...
Kỹ năng phòng, chống đuối nước
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, ngành Giáo dục Kon Tum đã xây dựng 31 bể bơi và triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, dạy kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Theo đó, Sở GD&ĐT Kon Tum quán triệt 100% các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, triển khai có hiệu quả về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học, khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi… và ứng cứu an toàn khi phát hiện có trường hợp đuối nước. Các cơ sở giáo dục cũng cử cán bộ, giáo viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng, chống đuối nước và dạy bơi, cứu đuối an toàn.
“Một số cơ sở giáo dục làm tốt công tác xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng, lắp ghép bể bơi trong trường học. Qua đó, tăng cường tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phòng, chống tai nạn đuối nước trong, ngoài nhà trường bằng các hình thức phù hợp...”, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum nói.
Điển hình như mô hình “Bể bơi 0 đồng” do nhóm giáo viên Tổng Phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh các trường trên địa bàn TP Kon Tum xây dựng, thực hiện. Trong dịp hè, “Bể bơi 0 đồng” di chuyển đến các xã vùng ven, vùng DTTS nơi các em chưa có điều kiện học bơi. Tại đây, giáo viên có chuyên môn bơi lội trang bị kiến thức, kỹ năng bơi cơ bản và sơ cấp cứu, an toàn dưới nước… cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi.
Những ngày hè, em Y Su Ngọc Trâm (người Jrai, học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Ia Chim, TP Kon Tum) không có sân chơi lành mạnh, bổ ích. Hay tin thầy, cô về địa phương tổ chức dạy bơi miễn phí, Ngọc Trâm vui mừng, xin cha mẹ đăng kí tham gia.
“Em được thầy, cô dạy bơi và các kỹ năng phòng, chống khi chẳng may bị đuối nước. Em rất vui và thấy ngày hè thật thú vị, bổ ích”, em Ngọc Trâm bộc bạch.
Sở GD&ĐT Kon Tum cũng phối hợp với Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức các lớp dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước vào dịp hè.
Bà Trương Thị Lệ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Hỗ trợ thanh thiếu nhi tỉnh Kon Tum cho hay, vào dịp hè các em nhỏ, đặc biệt trò ở vùng sâu, vùng xa ít có sân chơi lành mạnh. Do đó, đơn vị đã mở các lớp dạy bơi, tập huấn phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho hơn 2.500 trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức dạy bơi miễn phí cho 250 học sinh là con em gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn…
“Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực vào dịp hè nhằm phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích. Qua những lớp học này, các em học được kỹ năng phòng chống đuối nước, cứu đuối và thoát hiểm khi gặp tình huống bất trắc dưới nước…”, bà Lệ chia sẻ.
Trước thực trạng đuối nước, UBND các huyện và thành phố tại tỉnh Kon Tum cũng rà soát, phát hiện kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em để chủ động làm rào chắn, cắm biển cảnh báo phòng ngừa, khắc phục, bảo đảm an toàn. Đồng thời vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát, chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.