Nơi cuối đường Trường Sơn huyền thoại

Bình Phước là điểm cuối đường Trường Sơn huyền thoại gắn liền với nhiều phong trào đấu tranh, di tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, như: Phú Riềng Đỏ - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, sóc Bom Bo - nơi đồng bào dân tộc S’tiêng giã gạo nuôi quân, nổi tiếng qua ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết)… Từ vùng đất bị bom đạn tàn phá, đến nay Bình Phước đang vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với truyền thống miền Đông gian lao mà anh dũng.

Bài 1:
TỪ CÁI NÔI PHÚ RIỀNG ĐỎ

Dưới cái nắng bỏng rát của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về Bình Phước thăm Di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ - cái nôi của phong trào cách mạng miền Đông Nam Bộ 95 năm về trước. Nơi đây năm xưa là đồn điền cao su của thực dân Pháp, nay thuộc Đội 3, Nông trường cao su Tân Thành (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú) do Công ty cổ phần cao su Đồng Phú quản lý. Kế thừa và phát huy tinh thần đó, mỗi cán bộ, công nhân cao su Đồng Phú hôm nay đã vượt khó, đồng lòng, hăng say lao động, vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ, góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Đảng đến với Phú Riềng

Từ trung tâm TP. Đồng Xoài, dọc theo ĐT741 chừng 7km, chúng tôi đến Công ty cổ phần cao su Đồng Phú. Hai bên đường là những vườn cao su vừa bước qua mùa dưỡng lá, có cây to lớn cổ thụ vài chục năm tuổi, cành lá đan cài tạo tán rộng lớn, ôm trọn một góc rừng. Nhiều con đường thảm nhựa xuyên qua nông trường, nối tiếp nhau làm không gian càng thêm rộng, dài và sâu thẳm.

Trụ sở Công ty cổ phần cao su Đồng Phú lặng lẽ dưới tán rừng cao su còn lưu giữ nhiều tấm hình xưa cũ ghi lại một thời tranh đấu của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, đưa chúng tôi ngược thời gian về quá khứ. Đó là đêm 28 rạng sáng 29-10-1929, bên dòng Suối Đá thuộc Làng 3, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự (đại diện Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ), Chi bộ Phú Riềng Đỏ được thành lập - Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ với 6 đảng viên. Đây là mốc son lịch sử của ngành cao su Việt Nam, phong trào cách mạng miền Đông Nam Bộ, lãnh đạo công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, nữ công nhân được nghỉ thai sản, phát gạo cho sản phụ, dùng nước uống đun sôi trong giờ làm việc, chống đánh đập, thành lập nghiệp đoàn, hội ái hữu ngay tại đồn điền.

Cán bộ, công nhân Công ty cổ phần cao su Đồng Phú bên Tượng đài Phú Riềng Đỏ

Cán bộ, công nhân Công ty cổ phần cao su Đồng Phú bên Tượng đài Phú Riềng Đỏ

Gây tiếng vang nhất là sự kiện gần 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng đình công từ sáng 30-1-1930 (mồng 1 tết Canh Ngọ) đến ngày 6-2-1930. Đỉnh cao là cuộc đình công, bao vây chiếm đồn điền vào mồng 5 tết đòi chủ đồn điền làm đúng hợp đồng lao động, cấm đánh đập, cấm cúp phạt vô lý, miễn sưu thuế, bồi thường công nhân bị tai nạn lao động, người bị ốm đau phải được điều trị. Cuộc đấu tranh được lịch sử gọi tên Phú Riềng Đỏ gây chấn động dư luận, buộc tư bản Pháp ký vào các biên bản đồng ý với những yêu sách. Tinh thần Phú Riềng Đỏ lan rộng, thôi thúc những người công nhân ở đồn điền cao su Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Quản Lợi đứng lên, tạo thành bão táp cách mạng, phá xiềng xích nô lệ và tù đày.

Để ghi nhớ sự kiện Phú Riềng Đỏ, tượng đài trang nghiêm khắc hình ảnh 6 đảng viên đầu tiên của chi bộ cùng lời thề trung trinh với cách mạng được xây dựng, ghi dấu những tháng ngày tranh đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh thuở trước.

Tiếp bước cha anh

Từ miền quê nghèo thuộc huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), 18 năm trước, chị Ngô Thị Ngân (SN 1986) vào làm công nhân tại Nông trường cao su Thuận Phú, thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng. Từ tờ mờ sáng, chị thức dậy làm đồ ăn, thức uống mang theo dao cạo vào nông trường cạo mủ. Kỹ thuật phải khéo léo, đường cạo sắc bén mới có lượng mủ nhiều và để không phạm vào thân cây. Qua bao mùa cao su cho mủ, chị vẫn ầm thầm, không quản ngại sương gió, tận tụy để khơi những dòng nhựa trắng, góp ích cho đời, được vinh danh “Bàn tay vàng” của ngành cao su. Mùa thu hoạch mỗi năm chỉ trong 9 tháng nên khi ngơi tay, chị Ngân lại đi lượm điều thuê cho các hộ tư nhân trong vùng, xong về làm bạn với tán rừng cao su.

Cùng nông trường có anh Ngô Công Hiếu (SN 1992, quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) sinh ra, lớn lên trong gia đình có nhiều thế hệ làm trong ngành cao su. Bà nội anh là Nguyễn Thị Loát (SN 1944), công nhân công ty trong những giai đoạn khó khăn trước đó. Cha anh Hiếu là ông Nguyễn Công Thanh (SN 1971) vào làm công nhân cao su năm 1990, nghỉ công tác năm 2010. Nhìn vườn cao su đang vươn lên xanh tốt, anh Hiếu chia sẻ: “Năm 2011, tôi làm công nhân cạo mủ cao su tại nông trường rồi nghỉ, đi bộ đội 2 năm rồi trở về gắn bó với nông trường đến nay. Gia đình có 3 đời làm trong ngành cao su. Dòng nhựa trắng đem lại nguồn thu nhập nuôi sống gia đình nên tôi phấn đấu làm việc thật tốt, góp sức cho nông trường”. Anh Hiếu nhiều lần được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam vinh danh tặng bằng khen, nên càng thêm yêu quý công việc đang làm.

Cũng như chị Ngân, anh Hiếu, lực lượng công nhân Công ty cổ phần cao su Đồng Phú đang hăng say lao động, tự hào nối tiếp truyền thống kiên cường, bất khuất của ngành cao su. Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ công nhân đổ bao mồ hôi, công sức xuống những khu vườn để có dòng mủ chất lượng tốt, cung cấp cho nhà máy chế biến, tạo ra các sản phẩm giá trị trên thị trường.

Để tinh thần Phú Riềng Đỏ sáng mãi

Lần giở cuốn sách “Công ty cao su Đồng Phú truyền thống, xây dựng và phát triển, 1927-2006” mới biết, vào năm 2005, Tổng Công ty cao su Việt Nam đã tiến hành cổ phần hóa thí điểm Công ty cao su Đồng Phú và tháng 12-2006 mang tên Công ty cổ phần cao su Đồng Phú tạo nên sự đổi mới thực chất. Từ một công ty 100% cổ phần vốn nhà nước trở thành công ty đa sở hữu - công ty đại chúng với vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Trong đó, cán bộ, công nhân viên công ty có một phần vốn bằng số cổ phần ưu đãi, một phần vốn nhà nước dành ưu đãi các nhà đầu tư chiến lược, còn lại được bán ra thị trường cho người có nguyện vọng đầu tư cùng tham gia quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trên các nông trường, nhà máy chế biến mủ cao su.

Công ty cũng mở rộng quy mô sản xuất, tạo sản phẩm đa dạng, bắt kịp với nhu cầu khắt khe của thị trường, ổn định sản xuất, kinh doanh nhưng đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế thế giới. Điều đáng quý trong khó khăn, công ty vẫn linh hoạt vận hành, duy trì chuỗi sản xuất, kinh doanh trên nông trường, nhà máy chế biến, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra. Chỉ trong năm 2023, với diện tích 6.302,20 ha, đơn vị khai thác được 13.056 tấn mủ (đạt 111,02% kế hoạch), năng suất 2,072 tấn/ha, mủ thu mua 1,293 tấn/3.000 tấn (đạt 43,09% kế hoạch), gia công đạt 4,159 tấn. Đây là năm thứ 18 liên tục năng suất vườn cây đạt hơn 2 tấn/ha, với sản lượng thành phẩm 17.000,9 tấn, tạo việc làm, ổn định thu nhập cho hơn 2.000 người lao động.

Chia vui với những gì cán bộ, công nhân Công ty cổ phần cao su Đồng Phú làm được, nhưng giá mủ cao su đang có chiều hướng xuống thấp, nguy cơ công nhân thiếu hụt cục bộ, thị trường cạnh tranh khốc liệt đã tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh. Mong rằng cùng với việc khơi dậy niềm tự hào truyền thống, tập trung đầu tư vào chế biến sâu, phục vụ thị trường xuất khẩu, công ty sẽ sớm vượt qua thử thách, để dòng nhựa trắng mãi tuôn chảy trên mảnh đất Phú Riềng Đỏ anh hùng.

Theo ông Hồ Cường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Đồng Phú, Đảng bộ công ty xây dựng được 12 chi, đảng bộ cơ sở với hơn 400 đảng viên, 6 nông trường, 2 nhà máy chế biến, 1 chi nhánh gỗ, 1 bệnh viện đa khoa và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Công ty cổ phần cao su kỹ thuật Đồng Phú cùng 1 doanh nghiệp tại Vương quốc Campuchia, cung cấp nhiều sản phẩm công, nông nghiệp bán ra thị trường trong, ngoài nước.

Bách Việt - Linh Giang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/158110/noi-cuoi-duong-truong-son-huyen-thoai
Zalo