Nơi có động thiên đường, nơi là cố đô cổ xưa, nơi có di sản thế giới... cùng nhau làm du lịch
Hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chung giữa các địa phương miền Trung rất tốt, nhất là sự chủ động trong xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch chung và các chương trình xúc tiến tại thị trường quốc tế.
Ngày 27/11, ngành du lịch 5 tỉnh, thành phố ở miền Trung cùng nhau hội tụ về TP Huế tham dự Hội nghị “Tổng kết liên kết phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam năm 2024”.
Đây là chương trình nhằm nhìn nhận, đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Chương trình liên kết, phát triển du lịch trong năm 2024, đồng thời đề ra giải pháp hữu hiệu hơn, xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch các tỉnh liên kết, một thế mạnh của các địa phương trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, với mục tiêu tăng cường liên kết hợp tác trong công tác quản lý nhà nước, xây dựng các sản phẩm góp phần phát triển du lịch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch đến với 5 địa phương cũng như mong muốn tạo sự đoàn kết gắn bó, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh doanh du lịch giữa các doanh nghiệp 5 địa phương với nhau, thời gian qua, ngành du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã thống nhất liên kết, hợp tác để cùng phát triển.
Theo ông Phúc, trong quy hoạch tổng thể du lịch miền Trung, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu di sản thế giới, giá trị văn hóa - lịch sử.
“Trên thực tế, nhiều năm qua, các địa phương đã hình thành và khai thác thế mạnh đặc trưng riêng, như tỉnh Quảng Bình tập trung phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng; tỉnh Quảng Trị hướng về du lịch tâm linh, về chiến trường xưa để khai thác hệ thống di tích cách mạng đồ sộ với không gian linh thiêng.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là Cố đô của Việt Nam, mang trong mình 8 di sản thế giới với hệ thống kiến trúc, thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình chùa… mang đậm bản sắc văn hóa đã được kết tinh qua nhiều thế kỷ hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; tỉnh Quảng Nam khai thác các di sản thế giới phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn; TP. Đà Nẵng với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí... Mỗi địa phương miền Trung với đặc trưng riêng cùng làm nên một điểm đến diệu kỳ, đầy sức hấp dẫn, chào mời du khách khám phá và làm giàu những trải nghiệm”, ông Phúc nhấn mạnh.
Liên kết phát triển du lịch năm 2024 của 5 địa phương tập trung trên các lĩnh vực: Hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, công tác quản lý nhà nước, chia sẻ các đánh giá xác định thị trường trọng điểm, xây dựng sản phẩm đặc thù.
“Hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chung giữa các địa phương rất tốt, nhất là sự chủ động trong xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch chung, nhất là các chương trình xúc tiến tại các thị trường quốc tế, qua đó giúp tiết giảm chi phí cho mỗi địa phương nhưng vẫn làm cho sản phẩm mang tính liên vùng”, lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nói.
Trong năm 2024, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế với vai trò trưởng nhóm liên kết đã chủ trì, phối hợp cùng Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình và Quảng Trị tích cực triển khai các hoạt động liên kết trao đổi thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch, liên kết phát triển sản phẩm du lịch, tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch 5 địa phương tại thị trường nội địa và quốc tế như VITM Hà Nội, ITE Hồ Chí Minh, Chương trình giới thiệu du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), tại Sydney, Melbourne (Úc).
Trong đó, suốt 3 ngày diễn ra Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024), doanh nghiệp du lịch của 5 địa phương đã thiết lập và triển khai hơn 434 cuộc hẹn thương mại B2B tạo điều kiện cho việc kết nối mạng lưới, đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác trong tương lai; gian hàng trưng bày của 5 địa phương đã thu hút khoảng 3.000 lượt khách đến tham quan. Các doanh nghiệp du lịch của khối liên kết 5 địa phương cũng đã kết nối được với nhiều đối tác, một số doanh nghiệp đã đi đến ký kết thỏa thuận ngay trong thời gian diễn ra hội chợ.
Tại hội nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, cũng như Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của 5 địa phương đã đánh giá được kết quả triển khai thực hiện Chương trình liên kết, phát triển du lịch trong năm 2024, đặc biệt chú trọng vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như đề xuất giải pháp cho Chương trình liên kết phát triển du lịch trong năm 2025.
Kế hoạch Liên kết phát triển du lịch 5 địa phương trong năm 2025 nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch của các địa phương, đẩy mạnh liên kết hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy giá trị liên kết 5 địa phương cùng thông điệp “Miền di sản diệu kỳ”; phối hợp xúc tiến, quảng bá và tăng cường sự nhận diện thương hiệu du lịch 5 địa phương tại các sự kiện, hội chợ trong và ngoài nước...
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới”. Đây sẽ là đòn bẩy, vận hội quan trọng để du lịch Việt Nam nói chung, du lịch của 5 tỉnh liên kết du lịch miền Trung và Thừa Thiên Huế nói riêng tăng tốc, tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam.
Đây là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế kết hợp với Festival Huế 2025, gắn với chương trình kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2025) và các dịp lễ kỷ niệm lớn khác của cả nước.
Năm du lịch quốc gia Huế 2025 dự kiến có hơn 70 sự kiện, chương trình diễn ra tại TP Huế và hàng trăm sự kiện hoạt động hưởng ứng khác diễn ra ở các tỉnh, thành trên toàn quốc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách trong và ngoài nước, cũng như cộng động người dân địa phương, những trải nghiệm đáng nhớ.
Sự kiện này sẽ còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương ở miền Trung nói riêng và trong cả nước chung nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch trong vùng cũng như liên vùng, tiến tới liên kết mang tính khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trong những năm tiếp theo.