Nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc

Đều đặn mỗi tối, tại điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) lại vang lên tiếng đánh vần 'ê-a'của lớp học xóa mù chữ ở đây.

Mẹ con chị Ngô Thị Gái cùng đến lớp "Học chữ"

Mẹ con chị Ngô Thị Gái cùng đến lớp "Học chữ"

Địu con cùng đi học

Cứ đúng 19h tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, chị Ngô Thị Gái, dân tộc Mông ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ lại địu con đến nhà văn hóa xóm để tham dự lớp học xóa mù chữ tại đây. So với các học viên trong lớp, chị Gái là học viên ít tuổi nhất, lại vừa sinh con được gần 5 tháng, sợ con ở nhà khát sữa nên chị địu con cùng đến lớp “học chữ”.

Chị Gái tâm sự: “Ngày bé, vì nhà xa, lại theo người lớn di cư từ địa phương này đến địa phương khác nên không được đi học, không biết chữ thì không dạy học được cho con, làm kinh tế cũng khó nên khi biết ngành giáo dục mở lớp xóa mù chữ tại bản, tôi đã tranh thủ để đi học. Dù bận con nhỏ nhưng hai tháng nay, hai mẹ con chưa nghỉ buổi nào”

Còn với học viên Vương Thị Mỷ, ở độ tuổi ngoài 50 bà mới cùng những người bằng tuổi con, tuổi cháu mình tập nhận biết mặt số, đánh đánh vần “ê-a”. Vượt qua những tự ti ban đầu, đến nay bà đã biết hết mặt chữ và ghép vần những từ đơn giản.

Học viên Vương Thị Mỷ chia sẻ: “Mình lớn tuổi rồi nên tiếp thu chậm hơn so với các bạn trong lớp, cũng may các thầy cô tận tình, chỉ bảo từng tí một, nếu không thì cả đời mình không biết chữ. Giờ mình già nhưng vẫn cố gắng học lấy “cái chữ” để làm gương cho con cháu”.

Vượt qua những tự ti ban đầu, các học viên lớn tuổi đến nay đã biết đọc, biết viết

Vượt qua những tự ti ban đầu, các học viên lớn tuổi đến nay đã biết đọc, biết viết

Thầy giáo Lưu Quốc Quân, Trường PTDT Bán trú Tiểu học số 2 Văn Lăng, giáo viên phụ trách lớp chia sẻ: “Đa phần học viên là người lớn tuổi nên có phần tự ti, nhiều học viên không giao tiếp được tiếng phổ thông nên khi giảng bài, giáo viên phải có những lời nói sao cho phù hợp. Vì vậy, ngoài việc sử dụng nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm đứng lớp, tôi còn phải tìm tòi học hỏi từ những người đi trước, mạng xã hội. Điều phấn khởi là học viên ai cũng ham học.

Nỗ lực xóa mù chữ

Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang có 2 lớp học xóa mù chữ ở xóm Tam Va và Bản Tèn với hơn 50 học viên. Đây là một trong những nội dung huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Tại điểm Bản Tèn hiện nay chúng tôi đang duy trì 1 lớp xóa mù chữ cho bà con. Qua đánh giá chúng tôi thấy chất lượng lớp học cũng đã tương đối đảm bảo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Cơ bản bà con đồng bào dân tộc Mông ở đây sau thời gian tham gia lớp học cũng đều đã biết đọc, biết viết”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ cho biết: Căn cứ vào kết quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ còn 644 người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60. Để tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hằng năm, UBND huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện.

Đối với các xã, thị trấn có số lượng người mù chữ có nhu cầu tham gia học lớp xóa mù chữ ít các đơn vị chủ động đẩy mạnh hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Năm 2025 và các năm tiếp theo tiếp tục rà soát và vận động người mù chữ tham gia và tiến hành mở lớp ngay tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được. Hiện nay, công tác xóa mù chữ ở cho đồng bào vùng dân tộc tại các xóm, bản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang đối diện không ít khó khăn, hạn chế. Do vậy, UBND huyện, ngành giáo dục huyện Đồng Hỷ cần vận dụng các giải pháp xóa mù chữ hiệu quả, bền vững phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương.

Tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ người học, ưu tiên đối tượng người dân tộc thiểu số, những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo CTV

Xuân Thắng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-luc-xoa-mu-chu-cho-dong-bao-dan-toc-post688008.html
Zalo