Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Đa Mi

Với những giải pháp và bước đi phù hợp trong xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét…

Đa Mi là xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trước khi bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với bao khó khăn, bộn bề. Thời điểm đó, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đường sá chủ yếu là đường đất đi lại khó khăn, điện, trường, trạm đầu tư chưa đảm bảo và cũng chưa có nhiều mô hình phát triển kinh tế thu nhập cao… Để đạt các tiêu chí và sớm “về đích” nông thôn mới trong năm 2024, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm các giải pháp phù hợp nhất để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Người dân chăn nuôi, trồng trọt nâng cao thu nhập

Người dân chăn nuôi, trồng trọt nâng cao thu nhập

Theo đó, chính quyền xã Đa Mi đã đề ra các giải pháp để thực hiện các tiêu chí khó, trong đó cần phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung phát triển những cây trồng chủ lực như bơ, sầu riêng, cà phê và vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về công tác giảm nghèo, có ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo như hỗ trợ vốn sản xuất, xây dựng nhà tình thương, tặng quà...Tổng số hộ nghèo cuối năm 2023 xã Đa Mi là 47 hộ/321 khẩu chiếm tỷ lệ 3,47% so với số hộ toàn xã (1.356 hộ); hộ cận nghèo là 19 hộ/60 khẩu, chiếm tỷ lệ 1,4 %..

Cơ sở hạ tầng xã Đa Mi được đầu tư.

Cơ sở hạ tầng xã Đa Mi được đầu tư.

Bên cạnh đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những đổi thay đáng kể trong việc cải thiện hạ tầng. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Riêng trong năm 2024, xã Đa Mi đã hoàn thành 4 tuyến đường với chiều dài 1,450 km đường bê tông xi măng tại thôn Đa Tro và Đa Kim với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 714 triệu đồng. Đến nay, các tuyến đường nông thôn trong xã đã được nâng cấp, giúp kết nối vùng cao với các trung tâm kinh tế lân cận. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu khó khăn trong vận chuyển hàng hóa mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và kỹ thuật cho người dân. Cùng với đó, việc đầu tư vào hệ thống cấp nước sinh hoạt cũng đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, UBND xã đã vận động nhân dân thực hiện công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư tập trung, trên các tuyến đường giao thông tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch - đẹp.

Ông Trần Đình Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Mi cho biết: Đến thời điểm này, xã Đa Mi đã thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận xã về đích nông thôn mới trong năm 2024. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với sự đồng lòng, chung sức của người dân trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đây là bước đệm quan trọng để xã Đa Mi tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

THANH THỦY

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/no-luc-xay-dung-nong-thon-moi-o-xa-vung-cao-da-mi-126093.html
Zalo