Nỗ lực toàn cầu phòng, chống HIV

Trong những năm gần đây, sự gia tăng các ca nhiễm HIV/AIDS ở người trẻ đã trở thành mối lo ngại lớn của các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức y tế toàn cầu, cũng như các chính phủ và toàn xã hội.

Các tổ chức quốc tế cảnh báo HIV/AIDS đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm dân số trẻ tuổi. (Ảnh: UNICEF)

Các tổ chức quốc tế cảnh báo HIV/AIDS đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm dân số trẻ tuổi. (Ảnh: UNICEF)

Tình trạng đáng báo động

Các dữ liệu cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã nhấn mạnh một thực tế đáng lo ngại: HIV/AIDS không chỉ tiếp tục lây lan mà còn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm dân số trẻ tuổi, đặc biệt là tại các khu vực đang phát triển.

Theo báo cáo của UNAIDS, năm 2022 ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu. Trong số này, 210.000 ca thuộc nhóm tuổi 15 - 24, chiếm khoảng 16% tổng số ca nhiễm mới. Tại khu vực châu Phi hạ Sahara, nơi chịu gánh nặng HIV/AIDS cao nhất thế giới, tỷ lệ nhiễm mới ở giới trẻ vẫn ở mức cao, mặc dù đã có những tiến bộ trong việc giảm số ca nhiễm. Ngoài ra, các khu vực như Đông Âu và Trung Á cũng chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm HIV trong nhóm tuổi này, đòi hỏi sự chú ý và can thiệp kịp thời. Đặc biệt tại khu vực Caribe, các quốc gia như Guyana và Suriname ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tuổi 15 - 24 lên đến 14%, trong khi con số này ở Barbados là 37%. Nhóm độ tuổi này chiếm 27% trong tổng số 15.000 ca nhiễm mới tại Caribe và 28% các ca nhiễm mới toàn cầu.

Giám đốc UNAIDS, Tiến sĩ Richard Amenyah nhấn mạnh sự cần thiết của hành động khẩn cấp để đạt mục tiêu xóa bỏ AIDS vào năm 2030. Ông lưu ý rằng, dù đã có tiến bộ, tốc độ giảm các ca nhiễm ở thanh, thiếu niên vẫn chậm. Đến cuối năm 2023, có 2,38 triệu người trẻ sống chung với HIV trên toàn cầu, trong đó 90.000 ca tử vong liên quan đến AIDS thuộc nhóm dưới 20 tuổi. Đặc biệt, nữ giới tuổi 10 - 19 chịu ảnh hưởng nặng nề, chiếm 71% ca nhiễm mới. Một số yếu tố cản trở phòng ngừa và điều trị hiệu quả bao gồm chuẩn mực xã hội, hành vi nguy cơ cao và chính sách hạn chế. Sự kỳ thị HIV khiến nhiều người trẻ e ngại xét nghiệm và điều trị, đặc biệt là các cô gái và phụ nữ trẻ đối mặt với bất bình đẳng giới và bạo lực. UNAIDS kêu gọi ưu tiên các dịch vụ thân thiện với giới trẻ, tích hợp sức khỏe tâm thần và sử dụng công nghệ để cải thiện tiếp cận. Các nền tảng số và y tế từ xa đang mở ra hướng đi mới, giúp giảm rào cản trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ. Tiến sĩ Amenyah nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách toàn diện, bảo mật và không phân biệt đối xử là chìa khóa bảo vệ sức khỏe và phẩm giá của người trẻ.

Tổ chức UNICEF cũng cảnh báo rằng ở nhiều nơi, người trẻ không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục về giới tính, và phòng, chống HIV. Sự thiếu hiểu biết về cách lây truyền và phòng tránh HIV, cùng với sự kỳ thị xã hội, đã khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước căn bệnh này. UNICEF đặc biệt quan ngại về tác động của HIV/AIDS lên trẻ em gái. Theo dữ liệu của tổ chức này từ năm 2016, cứ hai phút trôi qua lại có thêm một trẻ vị thành niên, chủ yếu là bé gái, sẽ bị nhiễm HIV, chủ yếu do thiếu tiếp cận với thông tin và dịch vụ y tế.

Tổ chức WHO nhấn mạnh rằng, cần có sự đầu tư toàn diện hơn vào các chương trình phòng, chống HIV, bao gồm mở rộng xét nghiệm và điều trị, cung cấp PrEP (thuốc dự phòng trước phơi nhiễm) và tăng cường giáo dục giới tính toàn diện. Bên cạnh nỗ lực từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng địa phương và cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Các nhà lãnh đạo địa phương cần thúc đẩy nhận thức và giảm kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS. Người trẻ cần được khuyến khích chủ động tìm kiếm thông tin, thực hiện xét nghiệm định kỳ và tham gia các chương trình giáo dục giới tính.

Đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực chấm dứt HIV

Theo Tiến sĩ Daniel Magesa, Trưởng chi nhánh Dịch vụ Lâm sàng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các sáng kiến như xét nghiệm HIV tự nguyện và Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là những biện pháp đổi mới nhằm giảm tỷ lệ nhiễm HIV ở giới trẻ. Theo Khảo sát Tác động HIV tại Tanzania 2022 - 2023, giới trẻ đang dẫn đầu trong các ca nhiễm mới, điều này đòi hỏi sự ưu tiên trong tiếp cận và triển khai các biện pháp phòng ngừa như PrEP và xét nghiệm tự nguyện. CDC đã phối hợp cùng nhóm quản lý y tế địa phương ở các tiểu bang để triển khai dịch vụ chăm sóc toàn diện, từ phòng ngừa HIV và lao đến sàng lọc ung thư cổ tử cung và quản lý tăng huyết áp. Tiến sĩ Magesa kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tổ chức và chính phủ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế liên quan đến HIV. Cam kết từ phía Chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng chăm sóc tại các trung tâm y tế.

Mới đây, Gilead Sciences, một công ty dược phẩm sinh học hàng đầu từ Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng virus để điều trị HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C, cúm và COVID-19, đã công bố thỏa thuận sản xuất phiên bản giá rẻ của lenacapavir. Đây là loại thuốc ngăn ngừa HIV mang tính đột phá, dự kiến sẽ được cung cấp tại 120 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Lenacapavir, chỉ cần tiêm hai lần một năm, đã chứng minh hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV, đặc biệt qua các thử nghiệm tại Nam Phi, Uganda và các quốc gia Mỹ Latinh. Tuy nhiên, quyết định này vấp phải chỉ trích vì loại trừ nhiều quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao, nhất là tại Mỹ Latinh và các nước thu nhập trung bình cao. Dù được bán tại Mỹ với giá 42.250 USD/năm, các nhà nghiên cứu ước tính thuốc này có thể sản xuất với giá chỉ 40 USD mỗi năm mà vẫn có lợi nhuận. Gilead đã hợp tác với sáu nhà sản xuất để cung cấp lenacapavir giá rẻ, ưu tiên các nước có nguồn lực hạn chế như Botswana, Nam Phi và Thái Lan. Trong khi đó, công ty cũng cam kết cung cấp thuốc từ chính dây chuyền của mình cho đến khi các nhà sản xuất khác sẵn sàng.

 Các cộng đồng chung tay đẩy lùi định kiến xã hội về người nhiễm HIV. (Ảnh: The Jarkarta Post)

Các cộng đồng chung tay đẩy lùi định kiến xã hội về người nhiễm HIV. (Ảnh: The Jarkarta Post)

Bên cạnh các giải pháp mới trong lĩnh vực y tế, giáo dục cộng đồng cũng vô cùng quan trọng. Tổ chức WHO và UNAIDS đã phối hợp với các chính phủ để triển khai các chiến dịch giáo dục giới tính toàn diện, nhấn mạnh sự cần thiết của quan hệ tình dục an toàn. Các sáng kiến như “Start Free, Stay Free, AIDS Free” của UNAIDS đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phòng ngừa HIV ở người trẻ. UNICEF hợp tác cùng các tổ chức phi chính phủ triển khai các chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về HIV/AIDS, hướng đến giảm thiểu sự kỳ thị đối với người sống chung với HIV. Những chương trình này tập trung vào giáo dục, thông tin và tạo môi trường hỗ trợ để người nhiễm HIV có thể tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và việc làm một cách bình đẳng. UNICEF cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc thay đổi thái độ, khuyến khích sự đồng cảm và hỗ trợ tích cực, từ đó góp phần xóa bỏ rào cản xã hội và cải thiện chất lượng sống của người nhiễm HIV.

WHO khuyến nghị tận dụng công nghệ để cải thiện tiếp cận thông tin về HIV/AIDS, đặc biệt trong giới trẻ. Các ứng dụng di động và mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu hiệu để truyền tải kiến thức về phòng ngừa HIV, giúp người dùng nhận thức rõ hơn về nguy cơ và biện pháp bảo vệ. Đồng thời, những nền tảng này còn kết nối người trẻ với các dịch vụ y tế như xét nghiệm, tư vấn và điều trị. Đây là bước tiến quan trọng trong việc giảm kỳ thị, tăng cường nhận thức, cải thiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan đến HIV.

Nhìn chung, HIV/AIDS vẫn là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong nhóm người trẻ. Tuy nhiên, thông qua sự phối hợp của các tổ chức quốc tế như WHO, UNAIDS và UNICEF, cùng với nỗ lực của các quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng, có thể hy vọng rằng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS sẽ được kiểm soát. Đầu tư vào giáo dục, y tế và giảm kỳ thị là những bước đi cần thiết để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này, góp phần xây dựng một thế giới không còn HIV/AIDS.

Diệu Bảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/no-luc-toan-cau-phong-chong-hiv-post533399.html
Zalo