Nỗ lực giảm nghèo ở Đắk Ơ
Đắk Ơ là xã cách trung tâm huyện Bù Gia Mập hơn 20km, với 38% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đây cũng là xã có nhiều hộ nghèo nhất của huyện Bù Gia Mập. Thực hiện chương trình giảm nghèo, những năm qua, địa phương này đã tập trung nguồn lực hỗ trợ nhà ở, vốn, cây - con giống, tạo sinh kế cho hộ nghèo ổn định cuộc sống.
“Trao cần câu” cho hộ nghèo
Trước đây, vào mùa mưa, tuyến đường đất ở tổ 3, thôn 6, xã Đắk Ơ thường xuyên lầy lội. Con đường đổ dốc, trơn trượt nên lưu thông, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Người dân phải thuê xe tải mới có thể vào tận vườn để vận chuyển nông sản. Cuối năm 2023, xã Đắk Ơ triển khai xây dựng tuyến đường nhựa đi qua tổ 3 dài 1,6km, tổng kinh phí đầu tư 3,6 tỷ đồng từ nguồn vốn phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi. Gia đình ông Ngô Văn Rỡ và nhiều hộ dân đã tự nguyện cưa cây, giải phóng mặt bằng để mở rộng đường. Từ khi có đường nhựa, người dân vô cùng phấn khởi, vì không còn lo bị thương lái ép giá khi đến mùa thu hoạch nông sản.
Ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân vùng sâu có điều kiện sống tốt hơn, xã Đắk Ơ còn tập trung nguồn vốn hỗ trợ các hộ thoát nghèo. Từ năm 2021-2023, xã có hơn 600 hộ dân đăng ký chương trình hỗ trợ thoát nghèo. Tùy nhu cầu, những hộ này sẽ được địa phương cấp đất ở, nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề… tạo sinh kế ổn định cuộc sống. Qua 3 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, toàn xã đã xây dựng 288 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 85 căn và xây mới 234 nhà vệ sinh. Ngoài xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo chỗ ở ổn định, các hộ nghèo còn được kéo điện thắp sáng, hỗ trợ điện năng lượng, khoan giếng, tặng phương tiện nghe nhìn, công cụ lao động, con giống (heo, dê, bò, trâu). Qua đó, họ được tiếp thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Anh Trần Văn Dương ở thôn 6 chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi không có nhà ở, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình tiền xây nhà. Hiện vợ chồng tôi đã có chỗ ở ổn định, yên tâm làm kinh tế, lo cho các con ăn học”.
Thôn 6 có 316 hộ dân, trong đó 59 hộ nghèo, 52% là đồng bào DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao so với các thôn khác. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của các hộ nghèo đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2023, thôn 6 có 17 hộ thoát nghèo. Dự kiến đến cuối năm nay, thêm 42 hộ sẽ được xóa khỏi danh sách hộ nghèo. Ông Lê Văn Lâm, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 6 cho hay: “Để thoát nghèo bền vững, trước tiên là trao “cần câu” cho các hộ nghèo, xem họ đang thiếu cái gì thì hỗ trợ cái đó. Mặt khác, cán bộ xã, ban thôn thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn họ sử dụng nguồn lực hỗ trợ đúng mục đích”.
Làm tốt công tác truyền thông
Nhu cầu của hộ nghèo thì nhiều nhưng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn. Vì vậy, để phát huy hiệu quả nguồn vốn, cây - con giống, cán bộ xã đến tận nơi hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như gia đình chị Điểu Thị Ánh ở thôn Bù Khơn được hỗ trợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị Ánh mua 3 con bò sinh sản về chăn thả. Sau hơn 2 năm, đàn bò tăng lên 6 con. Dự kiến sau khi kết thúc chu kỳ vay vốn, chị Ánh bán bớt 2 con bò trả nợ ngân hàng. Số bò còn lại tiếp tục gây đàn để phát triển kinh tế.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, những năm gần đây, hộ nghèo, đồng bào DTTS đã dần thay đổi nhận thức, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tại mỗi thôn đều thành lập tổ truyền thông, thành viên trong tổ trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền đồng bào DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm chỉ lao động vươn lên thoát nghèo. Ông Điểu Thắng, Trưởng thôn Bù Khơn cho hay: “Ban thôn thường đến từng nhà nắm bắt hoàn cảnh, tuyên truyền, vận động các hộ dân chăm chỉ lao động, muốn thoát nghèo phải tự mình vươn lên, chứ không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhìn chung, các hộ dân được cấp con giống đều chăn nuôi hiệu quả. Hầu hết các hộ nghèo có kinh tế khá hơn trước”.
Thời gian qua, Đắk Ơ còn chú trọng đào tạo nghề cho đồng bào DTTS và hộ nghèo, góp phần nâng cao dân trí, giảm nghèo. Từ năm 2023 đến nay, địa phương đã tổ chức 7 lớp dạy nghề cạo mủ cao su, với khoảng 250 học viên. Sau khi hoàn thành khóa học, nhiều học viên đã được giới thiệu làm việc tại các trang trại, doanh nghiệp trong và ngoài xã, góp phần tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Với những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho các hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS, đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, để bà con có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS. Hằng năm, xã lập kế hoạch đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Từ đó, giúp họ tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định để có điều kiện chăm lo cho gia đình.
Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ NGUYỄN MẬU HẢI
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo, số hộ nghèo trên địa bàn xã Đắk Ơ đã giảm dần qua từng năm. Hiện toàn xã có 126 hộ nghèo. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, địa phương sẽ giảm 45 hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu xét theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn xã vẫn còn 110 hộ nghèo. Thực tiễn cho thấy, việc phân loại nhu cầu cần được hỗ trợ của từng hộ nghèo là rất quan trọng. Qua đó, thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ vốn, cây - con giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là đào tạo nghề để người nghèo có cơ hội vươn lên làm chủ cuộc sống.