Ninh Thuận - Đồng Nai - Tây Ninh liên kết tạo chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt
Chiều 23/11, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm diễn ra Chương trình Hội thảo Xúc tiến, quảng bá, ký kết du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận – Đồng Nai – Tây Ninh.
Sự kiện do Hiệp hội Du lịch 3 tỉnh phối hợp tổ chức với sự tham gia của 80 doanh nghiệp du lịch nhằm kết nối, thiết kế các chương trình hợp tác dựa trên thế mạnh đặc thù của các bên, gia tăng sự hài lòng trong trải nghiệm cho du khách.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận, Tây Ninh và Đồng Nai là ba địa phương có tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng; vì vậy khi liên kết sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, khác biệt và có tính cạnh tranh cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Thông qua việc ký kết hợp tác lần này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch, danh lam thắng cảnh và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương. Hoạt động ký kết hợp tác phát triển du lịch nhằm hướng đến mục tiêu đưa du lịch Ninh Thuận phát triển hơn nữa, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo kế hoạch đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề ra.
Tại Hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch và lưu trú đã được nghe giới thiệu về các sản phẩm du lịch nổi bật, đặc trưng của từng địa phương và các sản phẩm du lịch kết nối giữa 3 tỉnh Ninh Thuận - Đồng Nai - Tây Ninh. Đồng thời, các đại biểu tập trung tập trung trao đổi, thảo luận các giải pháp xây dựng cơ chế liên kết đặc thù, hợp tác chặt chẽ, phát huy thế mạnh của từng tỉnh để tạo thành chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch mới nhằm mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách trong hành trình kết nối tour du lịch giữa ba địa phương.
Về tiềm năng du lịch, Ninh Thuận sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái; có hai Vườn Quốc gia gồm Phước Bình và Núi Chúa, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rừng, biển, bán sa mạc độc đáo đang được đầu tư xây dựng để trở thành những khu du lịch tầm cỡ trong khu vực.
Ninh Thuận còn có nhiều đồi cát rộng, đẹp, sát biển, quy mô lớn, phù hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, trường đua mô tô trên cát, lướt sóng, leo núi, tham quan cánh đồng muối. Không chỉ sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, Ninh Thuận còn có hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa Chăm, Raglai, lễ hội dân gian, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực bản địa đặc sắc của cư dân miền biển... cũng là điểm mạnh thu hút du khách trong nước và quốc tế. Trong 10 tháng năm 2024, Ninh Thuận đón trên 3,27 triệu lượt khách, vượt 2,5% kế hoạch; ước tính cả năm thu hút 3,4 triệu lượt khách, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.890 tỷ đồng.
Tại vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sông nước, miệt vườn, văn hóa - tâm linh, lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử. Địa phương đã định hướng phát triển kết nối đồng bộ nhóm các điểm tham quan trọng điểm (Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam) cùng với nhóm các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa (Vườn Di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát) và hệ thống các di tích trên địa bàn mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng. Liên kết hợp tác vùng, các địa phương trong phát triển du lịch được tỉnh Tây Ninh xác định là một trong những hướng đi quan trọng, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tỉnh Đồng Nai nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có nền công nghiệp phát triển và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm được xếp vào loại đứng đầu cả nước. Bên cạnh lợi thế về công nghiệp, Đồng Nai còn có thế mạnh du lịch với nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, khám phá, mạo hiểm... Đồng Nai hiện đang triển khai một số dự án trọng điểm du lịch trên địa bàn như: Dự án Thác Mai - Bàu nước sôi; khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu núi Chứa Chan và hồ Núi Le; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành; dự án du lịch rừng phòng hộ Tân Phú. Đặc biệt, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang hoàn thành, đây là lợi thế để tỉnh thu hút khách du lịch và hợp tác giữa các địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch của 3 tỉnh. Mỗi địa phương có những tiềm năng, điểm mạnh khác nhau, Đồng Nai phát triển đô thị, Ninh Thuận có biển, Tây Ninh có núi, tuyến đường cao tốc hiện nay rất thuận lợi cho du khách đi lại giữa các địa phương. Trong chương trình hợp tác, cần cụ thể hóa nội dụng ký kết, triển khai xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm kết nối mới để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của ba địa phương trong thời gian tới”.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các địa phương đã chứng kiến chương trình ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa đại diện Hiệp hội Du lịch 3 tỉnh Ninh Thuận - Đồng Nai - Tây Ninh. Nội dung ký kết hợp tác tập trung vào bốn nội dung chính, gồm: Trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; tập trung xúc tiến quảng bá du lịch giữa các địa phương; xây dựng các sản phẩm du lịch; hỗ trợ các hội viên Hiệp hội du lịch, tổ chức doanh nghiệp cùng thúc đẩy phát triển du lịch.