Ninh Thuận có 5 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025 (đợt 1), gồm 5 khu vực…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, 5 khu vực được đưa ra tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 2 khu vực đã có kết quả và 3 khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản.

Cụ thể, các trường hợp chưa có kết quả thăm dò là khu vực vật liệu san lấp Phước Thái, thuộc điểm quy hoạch số 128, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước; khu vực vật liệu san lấp Núi Chồng, thuộc điểm quy hoạch số 75-2, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước; khu vực vật liệu san lấp Phước Minh, thuộc điểm quy hoạch số 131, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.

Còn lại khu vực vật liệu san lấp Phước Vinh, thuộc các điểm quy hoạch số 79.1, 79.2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước; khu vực vật liệu san lấp Phước Hữu, thuộc các điểm quy hoạch số 78, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đã có kết quả thăm dò.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết những khu vực mỏ trên có hiện trạng đất đồi núi chưa sử dụng; đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp của các hộ dân. Trường hợp chưa thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản các khu vực mở đã được phê duyệt theo kế hoạch, thì sẽ được chuyển sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong những năm tiếp theo.

Về tổ chức thực hiện, cuộc đấu giá tiến hành công khai do Tổ chức đấu giá tài sản điều hành; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước tại các khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá, đồng thời Sở lập hồ sơ hoặc thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản và phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn xét chọn hồ sơ đấu giá trình UBND tỉnh chấp thuận làm căn cứ xét chọn hồ sơ đấu giá.

Theo thông tin từ tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 30/9/2024, tỉnh có 60 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm: 7 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 53 mỏ do UBND tỉnh cấp. Tuy nhiên, chỉ 34 mỏ khoáng sản đang khai thác; còn 10 mỏ đang tạm dừng khai thác, 9 mỏ chưa khai thác, 4 mỏ dừng khai thác, 2 mỏ đang thu hồi, 1 mỏ đang xây dựng cơ bản.

Trong đó, địa phương cho biết có 3 mỏ vật liệu san lấp không bị giới hạn về địa chỉ tiêu thụ khoáng sản (tiêu thụ trong và ngoài tỉnh) đang khai thác là: mỏ đất san lấp Nam núi Mavieck tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, đơn vị được cấp phép là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Sớm (công suất khai thác 27.600m3/năm); mỏ đất san lấp Núi Nai, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, đơn vị được cấp phép là Công ty cổ phần Gia Việt (công suất khai thác 400.000m3/năm); mỏ trong diện tích mặt bằng thuộc Dự án Đầu tư khai thác mỏ đá granite ốp lát tại khu vực Tây Bắc núi Mavieck, xã Phước Dinh, huyện Ninh Thuận, đơn vị được cấp phép là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng khai thác khoáng sản Ninh Thuận (công suất khai thác 84.000m3/năm).

Ngoài ra, đối với các mỏ bị giới hạn địa chỉ tiêu thụ (phục vụ xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; công trình khắc phục thiên tai địch họa; vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới) có 3 mỏ đang khai thác với tổng công suất 292.000m3/năm; 4 mỏ chưa khai thác, tạm dừng khai thác có tổng công suất 1.350.000m3/năm (mỏ đất san lấp Núi Chồng chưa khai thác của Công ty TNHH khai thác Quang Trung Phát; mỏ đất san lấp Hoài Trung chưa khai thác của Công ty TNHH ĐT-TM-DV Đại Phú Thịnh Ninh Thuận; mỏ đất san lấp Sô Ngang 1 dừng khai thác của Công ty TNHH MTV khai thác và xây dựng 737; mỏ đất san lấp Tây núi Chà Ban dừng khai thác của Công ty TNHH Vạn Phú Lộc).

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ninh-thuan-co-5-khu-vuc-dau-gia-quyen-khai-thac-khoang-san.htm
Zalo