Ninh Bình thu thập thông tin phục vụ hoạch định chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp
Từ ngày 1/7/2025, cuộc Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) chính thức bắt đầu trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những cuộc điều tra quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp gắn với đời sống người dân khu vực này.

Ninh Bình thu thập thông tin phục vụ hoạch định chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp
Ngay từ tháng 10/2024, thực hiện Quyết định số 484/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo ngành Thống kê tỉnh tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐTNN 2025 các cấp. Tổng lực lượng tham gia điều tra trước sáp nhập trên địa bàn 3 tỉnh là 2.523 người, gồm 29 người trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, 44 người thuộc Tổ Thường trực giúp việc; cấp huyện có 175 người trong Ban Chỉ đạo và 193 người trong tổ giúp việc; cấp xã có 2.080 người. Tuy nhiên, do thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nên sau sáp nhập, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các đơn vị hành chính tại tỉnh đã thay đổi. Điều này dẫn đến sự điều chỉnh trong nhân sự của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cấp tỉnh. Ngày 4/7/2025, Thống kê tỉnh đã trình UBND tỉnh Tờ trình số 02/TTr-TKT kiện toàn Ban Chỉ đạo với 29 thành viên và Tổ Thường trực với 44 thành viên. Đến nay, Ninh Bình đã kiện toàn xong Ban Chỉ đạo tỉnh; cấp xã có 42/125 xã, phường đã thành lập Ban Chỉ đạo (còn 4 phường chưa thành lập).
Bám sát Phương án điều tra theo Quyết định số 2235/QĐ-BCĐTW ngày 16/9/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương và các văn bản hướng dẫn liên quan, Ban Chỉ đạo tỉnh và Cơ quan Thống kê tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện điều tra. Ngoài các văn bản thống nhất nghiệp vụ từ Trung ương, riêng địa phương cũng ban hành thêm hai văn bản để thống nhất nghiệp vụ áp dụng trên toàn tỉnh, thể hiện tính chủ động và linh hoạt trong chỉ đạo điều tra.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cùng Điều tra viên thu thập thông tin tại hộ trong Lễ ra quân TĐTNN 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày 1/7/2025
Công tác tuyên truyền được triển khai bài bản theo 2 giai đoạn: Từ tháng 2 đến tháng 6/2025 là giai đoạn tuyên truyền lập bảng kê, và từ tháng 7/2025 là giai đoạn thu thập thông tin. Các nội dung tuyên truyền được đăng tải trên Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình với 3 tin bài, hình ảnh, cùng 3 phóng sự truyền hình về Lễ ra quân TĐTNN tại các tỉnh cũ. Thông tin điều tra, file hỏi - đáp MP3 cũng được đăng tải trên website Thống kê tỉnh Ninh Bình. Tại 22 huyện/thành phố và 366 xã/phường/thị trấn, các nội dung tuyên truyền được lồng ghép trong hội nghị, phát qua loa truyền thanh, thư gửi hộ dân, pa-nô, băng zôn và xe ô tô gắn pa-nô lưu động. Nhờ hệ thống truyền thanh hoạt động ổn định, các nội dung điều tra đã đến được với đông đảo người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội.
Cùng với việc kiện toàn bộ máy, công tác chuẩn bị lực lượng điều tra viên cũng được triển khai kỹ lưỡng. Tổng cộng, tỉnh Ninh Bình đã tuyển chọn 5.751 điều tra viên thực hiện phiếu bảng kê hộ, 4.665 điều tra viên thực hiện thu thập thông tin phiếu điều tra, và 1.713 tổ trưởng. Lực lượng này chủ yếu là người tại địa phương, độ tuổi trẻ, có trình độ, tinh thần trách nhiệm và đã từng tham gia điều tra thống kê, nên am hiểu địa bàn, thuận lợi trong tiếp cận hộ và triển khai thu thập thông tin.
Về giám sát, tỉnh bố trí 55 giám sát viên cấp tỉnh tham gia giám sát tập huấn nghiệp vụ lập bảng kê và 68 giám sát viên giám sát tập huấn nghiệp vụ điều tra. Giám sát được thực hiện song song trên phần mềm trực tuyến và tại thực địa. Sau mỗi đợt giám sát, Tổ Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tổng hợp kết quả, ban hành văn bản điều chỉnh nghiệp vụ để kịp thời khắc phục sai sót.

Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 Trung ương làm việc tại xã Vĩnh Trụ, tỉnh Ninh Bình về công tác triển khai Tổng điều trên địa bàn xã
Tập huấn nghiệp vụ điều tra được tổ chức theo hai cấp. Tại cấp tỉnh, lớp tập huấn bảng kê được tổ chức 1 ngày với 125 người tham dự; lớp tập huấn phiếu điều tra tổ chức 3 ngày với 130 người. Tại cấp huyện, từ tháng 4 đến cuối tháng 6/2025, đã tổ chức 105 hội nghị tập huấn bảng kê và 106 hội nghị tập huấn phiếu điều tra, thu hút hơn 6.800 người, bao gồm điều tra viên, tổ trưởng và đại diện Ban Chỉ đạo cấp xã. Nội dung tập huấn gồm hướng dẫn ghi phiếu CAPI, sử dụng thiết bị và phần mềm điều tra, đồng thời thực hành trực tiếp trên trang Web điều hành tác nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác rà soát địa bàn và chọn mẫu điều tra cũng được triển khai đồng bộ. Toàn tỉnh có 4.482 thôn, tổ dân phố với 5.744 địa bàn lập bảng kê (gồm 795 địa bàn thành thị và 4.949 địa bàn nông thôn). Kết quả lập bảng kê hộ đến ngày 30/5/2025 là 1.081.834 hộ, đạt 97,74% kế hoạch (1.106.840 hộ dự kiến). Trong đó, có 681.050 hộ có hoạt động nông, lâm, thủy sản, chiếm 62,95%. Phiếu xã được triển khai từ ngày 15 đến 30/6/2025, đã hoàn thành 329/339 phiếu, đạt 97,62%; trong đó, phiếu xã đạt 100%. Đối với phiếu hộ điều tra, đến 17h ngày 7/7/2025 đã thu được 103.037/678.804 phiếu, đạt 15,2%; phiếu hộ mẫu đạt 377/4.725 phiếu, tương ứng 7,98%. Riêng phiếu trang trại, toàn tỉnh có 1.005 trang trại và đến cùng thời điểm trên đã thu thập được 57 phiếu, đạt 5,7%.
Mặc dù công tác triển khai được thực hiện bài bản, quyết liệt, nhưng Ninh Bình vẫn gặp không ít khó khăn. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp bị chậm do trùng thời điểm với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15. Các lớp tập huấn diễn ra đúng vào lúc nhiều đơn vị đang chuyển giao tổ chức, khiến việc bố trí nhân lực, thời gian cho điều tra viên gặp nhiều bất cập. Một số điều tra viên ban đầu được tuyển chọn đã nghỉ việc hoặc chuyển đơn vị công tác mới, buộc Thống kê cơ sở phải tuyển và đào tạo lại.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn tất việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xã, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa và trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin. Đồng thời, Thống kê tỉnh sẽ thường xuyên cập nhật tiến độ điều tra, phân định rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân trong việc đảm bảo chất lượng dữ liệu. Việc kiểm tra, giám sát cũng sẽ được nâng cao cả trên hệ thống phần mềm và tại thực địa, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời những sai sót có thể xảy ra.
Tỉnh Ninh Bình cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo trang Website điều hành và hệ thống phần mềm hoạt động ổn định, tránh gián đoạn trong quá trình điều tra. Bên cạnh đó, cần phát triển công cụ quản lý tiến độ điều tra theo đơn vị hành chính mới để phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành, báo cáo.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, hệ thống chính trị cơ sở cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ thống kê, điều tra viên, tỉnh Ninh Bình đang thực hiện cuộc TĐTNN 2025 một cách nghiêm túc, hiệu quả và khoa học. Cuộc điều tra không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là một phép thử cho năng lực quản lý, tổ chức và tính kỷ luật hành chính trong điều kiện địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ về thể chế, bộ máy và phương thức hoạt động.