Ninh Bình hành động quyết liệt để giải ngân 100% vốn đầu tư công

Thi công dự án mở rộng cao tốc phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.
Với mục tiêu giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong năm 2025, tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công như một trong những giải pháp trọng tâm, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh địa phương vừa trải qua giai đoạn tổ chức lại đơn vị hành chính, hình thành chính quyền hai cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Kết quả đáng ghi nhận
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết tháng 6 năm 2025, tổng số vốn đầu tư công được giải ngân đạt khoảng 22.688 tỷ đồng, đạt 79,4% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, một con số rất tích cực so với mặt bằng chung của cả nước. Việc giải ngân nhanh chóng không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng trọng điểm, mà còn kích thích dòng chảy vốn trong nền kinh tế, tạo việc làm và tăng sức mua nội địa.

Đại lộ Hoa Lư (giai đoạn 1) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt xử lý các dự án kéo dài, kém hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh thi công và thanh toán vốn đối với các dự án quan trọng, mang tính kết nối vùng như: Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định (CT08); dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; dự án Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; các tuyến đường liên kết Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình (cũ), đường kết nối khu kinh tế Ninh Cơ... Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra hiện trường, tổ chức các hội nghị chuyên đề nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vật liệu san lấp và thủ tục đầu tư.

Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển có tổng chiều dài gần 25km với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công còn được gắn với các chương trình mục tiêu lớn như xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà ở xã hội và khu đô thị mới. Nhiều dự án được khởi công, hoàn thiện hạ tầng đã tạo tiền đề thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân và vốn FDI chất lượng cao vào các lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ cao.
Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giúp công tác quản lý đầu tư công tại Ninh Bình đạt hiệu quả cao. Chính quyền các cấp đã triển khai cơ chế “luồng xanh thủ tục” nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư, phối hợp chặt chẽ trong công tác định giá đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những mắt xích vốn gây chậm trễ trong quá trình triển khai dự án.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo đại diện Sở Tài chính còn những thách thức hiện hữu trong giải ngân vốn đầu tư công như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng và giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Đây là những rào cản cần được tiếp tục tháo gỡ triệt để để đảm bảo tiến độ các dự án, nhất là trong bối cảnh quỹ thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều.
Vào cuộc đồng bộ
Tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025, thay cho mục tiêu trước đây là 95%, đồng thời coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, coi giải ngân đầu tư công là “mệnh lệnh hành động”. Tỉnh đã thành lập các tổ công tác chuyên đề do lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra hiện trường và tổ chức họp chuyên đề để kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại từng dự án cụ thể. Các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp bị đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt và yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ do nguyên nhân chủ quan.
Bên cạnh đó, Ninh Bình chủ trương linh hoạt điều hành kế hoạch vốn, kiên quyết cắt giảm và điều chuyển vốn từ những dự án không đảm bảo tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, đáp ứng đủ điều kiện pháp lý. Cùng với đó, tỉnh tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian phê duyệt, thanh toán, đồng thời triển khai cơ chế “luồng xanh” xử lý hồ sơ đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm thời gian. Công tác số hóa, minh bạch hóa thông tin dự án cũng được chú trọng khi tỉnh đưa vào vận hành hệ thống giám sát tiến độ giải ngân theo thời gian thực, cập nhật công khai trên cổng thông tin điện tử, từ đó tạo áp lực xã hội thúc đẩy tiến độ.
Một điểm nhấn nữa trong quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là việc chuẩn bị đầu tư được thực hiện sớm. Các dự án mới được giao vốn đều có đầy đủ điều kiện về mặt bằng, thủ tục đầu tư và sẵn sàng triển khai thi công ngay. Tỉnh cũng chủ động phối hợp với các địa phương bạn và bộ, ngành Trung ương để giải quyết những vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai, đấu thầu, giá nguyên vật liệu, những yếu tố thường làm chậm tiến độ các dự án hạ tầng lớn.
Với cách làm bài bản, quyết liệt và xuyên suốt, cùng phương châm hành động “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền, Ninh Bình đang tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả này không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số trong năm 2025 mà còn tạo nền tảng vững chắc để địa phương vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn phát triển tiếp theo.