Niềm vui trên những miền quê 'đáng sống'
Đường nông thôn mở rộng tiệm cận với đường đô thị, điện cao áp chiếu sáng khắp xóm thôn, mô hình camera an ninh giữ làng quê yên bình, đời sống nhân dân được cải thiện nhờ quy vùng sản xuất tập trung cây ăn quả dùng phân bón hữu cơ… là đổi thay ý nghĩa ở những vùng quê tại huyện An Lão, TP Hải Phòng từ quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Những miền quê “đáng sống”
Nhanh tay tưới nước cho vườn thanh long đang mùa đậu quả, ông Hoàng Văn Viên, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Trực Trang (xã Bát Trang, huyện An Lão) phấn khởi chia sẻ: “Năm nay thanh long sạch được mùa, được giá. Sau 5 năm gây dựng, thanh long Bát Trang nay đã trở thành sản phẩm VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để trở thành sản phẩm OCOP. Bà con cũng phấn khởi nghiên cứu thêm việc trồng thanh long trái vụ và thanh long muộn”.
Cánh đồng thanh long của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Trực Trang là vùng quy hoạch trồng trọt tập trung trong tổng số 70ha thanh long tại xã Bát Trang được Sở NN&PTNT TP Hải Phòng xác nhận cấp mã vùng trồng trọt năm 2022. Từ ngày trồng thanh long, thu nhập của các hộ dân nơi đây đã tăng gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa, cuộc sống của người dân dần khấm khá lên.
Nỗ lực đưa sản phẩm thanh long trở thành sản phẩm VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc là một trong những tiêu chí để xã Bát Trang được công nhận là xã NTM kiểu mẫu.
Sau khi triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, bộ mặt nông thôn Bát Trang hoàn toàn đổi mới. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, các công trình phúc lợi, đường giao thông, hệ thống thủy lợi… được đầu tư nâng cấp theo chuẩn NTM. Nhiều mô hình hay, tiêu biểu đã được nhân dân xây dựng và nhân rộng như: Mô hình camera an ninh, mô hình thu gom, xử lý, phân loại rác hữu cơ tại đầu nguồn, các mô hình phát triển sản xuất như quy vùng sản xuất tập trung cây ăn quả dùng phân bón hữu cơ...
Ông Phan Viết Lệ, Chủ tịch UBND xã Bát Trang cho biết: “Chúng tôi nỗ lực xây dựng NTM đi đôi với nâng cao thu nhập của người dân. Toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương đã tập trung chỉ đạo vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, vùng sản xuất tập trung chuyên canh có hiệu quả đầu tư đồng bộ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bát Trang đã và đang nhân rộng mô hình nuôi rươi tại thôn Quán Trang, Trung Trang, Thượng Trang và thủy sản với diện tích trên 100ha; mô hình trồng thanh long lên tới 70 ha; vải sớm, vải thiều với diện tích 120ha…
Từ đó, nhiều hộ từ đói, nghèo, khó khăn đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến nay trên địa bàn còn 11 hộ bằng 0,28%, hộ cận nghèo đa chiều 24 hộ bằng 0,62%. Kinh tế trong nhân dân ngày càng ổn định mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng, năm 2023 ước đạt 75 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Làn (thôn Quán Trang) cho hay: “Về Bát Trang bây giờ cũng không khác xa đô thị là mấy. Người dân tự nguyện hiến đất để Nhà nước mở rộng đường giao thông. Thanh niên trong xóm làng yên tâm an cư lạc nghiệp, không còn mơ ước ra phố xây nhà như trước. Sau bao năm, quê mình vẫn là nơi “đáng sống” nhất”.
Huy động mọi nguồn lực
Bát Trang là một trong 3 địa phương của huyện An Lão cùng với xã An Tiến, An Thắng được triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2022 - 2023. Ba địa phương được đầu tư trên 387 tỷ đồng đối với 46 hạng mục công trình hạ tầng xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, xã An Thắng được đầu tư trên 130 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng 5 tuyến đường giao thông, xây mới 03 công trình xây dựng trường học, 01 gói bê tông tươi, 01 gói điện chiếu sáng ngõ xóm. Xã An Tiến được đầu tư trên 115 tỷ đồng để nâng cấp 17 tuyến đường giao thông, xây mới 02 công trình xây dựng trường học, 02 công trình nhà văn hóa thôn. Xã Bát Trang được đầu tư trên 140 tỷ đồng để nâng cấp, 8 công trình đường giao thông, 01 gói điện chiếu sáng đường 301; 01 gói đề xuất khác (lắp đặt điện chiếu sáng); 01 gói điện ngõ xóm; 01 gói mua sắm bê tông tươi; 02 công trình giáo dục, 01 công trình nhà văn hóa.
Đến nay, các xã nói trên đều đã được TP công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hồ sơ đánh giá xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đã được UBND huyện An Lão thẩm định, dự kiến trình TP công nhận trong tháng 10/2023.
Tại huyện An Lão, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc, mọi nguồn lực được huy động để xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Ông Giang Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã An Thắng cho biết: Hơn 200 tỷ đồng từ mọi nguồn vốn đã được huy động để đổi thay diện mạo của địa phương, trong đó nguồn vốn từ ngân sách TP và huyện bố trí trên 130 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép là trên 21 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa trong nhân dân là 56 tỷ đồng. Nhân dân hiến đất khoảng 5.100m2, quy đổi thành tiền khoảng 51 tỷ đồng.
Trao đổi với PLVN, bà Ngô Thị Thanh Thủy, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: Năm 2023, huyện An Lão lựa chọn chủ đề “Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị và xây dựng NTM kiểu mẫu”. Huyện đã tập trung cao độ chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu và huyện NTM; cơ bản hoàn thành và đáp ứng yêu cầu kế hoạch của TP. Từ nay đến hết năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng 9 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu. Để đạt được kết quả như trên, lãnh đạo huyện xác định vấn đề cốt lõi là phải tạo được niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân.
Bà Thủy cũng cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2024, huyện An Lão sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã Quốc Tuấn, An Thái, An Thọ, Mỹ Đức, đồng thời rà soát danh mục công trình đề xuất xây dựng NTM kiểu mẫu đối với 6 xã xây dựng năm 2024 - 2025 gồm: Tân Viên, Thái Sơn, Trường Thành, Trường Thọ, Quang Hưng, Quang Trung. Phấn đấu đến năm 2025, huyện An Lão đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% số xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của TP.
Lãnh đạo huyện An Lão khẳng định: Xây dựng NTM là một quá trình phấn đấu và nâng cao chất lượng tiêu chí. Các tiêu chí đã đạt chuẩn ở thời điểm này nhưng sẽ không còn phù hợp ở thời điểm khác khi đời sống ngày một nâng cao. Vì vậy, được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao chỉ là kết quả ban đầu, công cuộc này vẫn cần được xã duy trì thường xuyên nhằm từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu dân sinh. Ngoài việc củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng, huyện An Lão cũng triển khai các giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống - “đích đến” cuối cùng của chương trình xây dựng NTM.